Thứ 6, 22/11/2024, 19:11[GMT+7]

Dân vận khéo để thành công

Thứ 2, 08/01/2018 | 09:20:17
1,126 lượt xem
Năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần khơi dậy nội lực, huy động sức dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Sự thu hoạch hòe trên vùng đất tích tụ.

Là một trong những điển hình dân vận khéo về phát triển kinh tế, trang trại tổng hợp của ông Bùi Quốc Sự, thôn Minh Xuyên, xã Hồng Minh (Hưng Hà) gây ấn tượng với người đến thăm bởi màu xanh bát ngát của hơn 6ha hòe. 

Theo ông Sự, diện tích đất này trước đây là đất bãi canh tác kém hiệu quả của hơn 300 hộ dân ở 3 thôn được ông thuê lại với giá 300.000 đồng/sào/năm để làm trang trại tổng hợp. Ông Sự lựa chọn trồng các loại cây có giá trị kinh tế như cây hòe cao sản, xen canh bí đao, ớt, trồng cây ăn quả kết hợp cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá. Tổng doanh thu năm 2016 đạt 1 tỷ 450 triệu đồng. Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận tuy có ít hơn song không đáng kể. Hiện trang trại của ông tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và hàng chục lao động thời vụ.

Cùng chung tư tưởng làm giàu trên đất quê hương, năm 2016, anh Nguyễn Văn Kiên, xã Tân Phong (Vũ Thư) đã thuê lại 10,7ha đất của người dân với giá 60kg thóc/sào/năm để cấy lúa. 

Anh Kiên chia sẻ: Ngoài 2 máy cày đã có từ trước, tôi đầu tư mua thêm máy cấy và máy gặt đập liên hoàn. Vụ xuân năm 2017, tôi gieo cấy toàn bộ 10,7ha với hai giống lúa chủ yếu là Bắc thơm và nếp N87. Vụ sản xuất đầu tiên, năng suất lúa đạt gần 2 tạ/sào, tổng sản lượng thu về hơn 50 tấn thóc, bán giá trung bình 7 triệu đồng/tấn, trừ chi phí đầu tư tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng. Vụ mùa năm 2017, tuy sản lượng giảm do ảnh hưởng của thời tiết tuy nhiên giá bán lại cao hơn, trung bình 10 triệu đồng/tấn nên trừ chi phí tôi vẫn thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Cùng với mô hình của ông Sử, anh Kiên, hiện nay, toàn tỉnh có 504 mô hình dân vận khéo về phát triển kinh tế. Thời gian qua, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đã tập trung vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Trong đó, tập trung vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. 

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, phong trào dân vận khéo đã góp phần từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân về thực hành tiết kiệm, giữ gìn nét đẹp văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương đã thành lập các tổ “dân vận khéo” xuống trực tiếp cơ sở, nhất là ở những nơi có những vướng mắc, khó khăn để tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa; tiến hành quy hoạch và xây dựng nghĩa trang tập trung, dịch chuyển các công trình văn hóa tâm linh, di dời các phần mộ để giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; giải quyết được nhiều việc khó, phức tạp. 

Một trong những hiệu quả rõ nét của phong trào dân vận khéo mà không thể không nhắc đến đó là sự vào cuộc, chung tay của nhân dân góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, phong trào dân vận khéo tập trung vào nâng cao chất lượng thực thi công vụ, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, đơn giản, giảm bớt tối đa phiền hà, phức tạp cho người dân…

Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Hòa (Hưng Hà) thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng để xử lý.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 2.021 mô hình, trong đó trong lĩnh vực kinh tế có 504 mô hình, lĩnh vực văn hóa, xã hội có 691 mô hình, lĩnh vực quốc phòng, an ninh có 465 mô hình, xây dựng hệ thống chính trị có 361 mô hình. Năm 2017 xuất hiện 140 mô hình mới, nhiều mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. 

Có thể khẳng định phong trào dân vận khéo năm 2017 của tỉnh đã đạt được những hiệu quả thiết thực, hợp lòng dân, được đông đảo đoàn viên, hội viên, nhân dân hưởng ứng tham gia, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Đỗ Thị Hồng Liên, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Vũ Thư

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện, từng bước đổi mới về nội dung, phương thức vận động quần chúng, bám cơ sở, bám địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Ban Dân vận Huyện ủy thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị đăng ký xây dựng, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Hiện toàn huyện có 196 mô hình dân vận khéo, trong đó 30 mô hình mới được xây dựng trong năm 2017.
Đồng chí Bùi Văn Bẩy, Chủ tịch UBND xã Thái Dương (Thái Thụy)

Là địa phương gặp nhiều khó khăn trong vận động nhân dân đấu nối, sử dụng nước sạch, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được chủ trương, cơ chế cũng như lợi ích của việc sử dụng nước sạch, từ đó thay đổi nhận thức của bà con. Không chỉ khéo trong tuyên truyền, vận động, Đảng ủy xã còn giao nhiệm vụ cho các đồng chí cấp ủy về tuyên truyền, vận động người thân và các gia đình được phân công phụ trách; giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các đoàn thể vận động gia đình đoàn viên, hội viên tham gia sử dụng nước sạch; phối hợp với Công ty Cổ phần Casaro miền Bắc tổ chức tham quan thực tế nhà máy để người dân tìm hiểu về quy mô công trình, quy trình xử lý nước, quy trình bảo đảm chất lượng nước. Nhờ khéo trong vận động, đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại xã Thái Dương đã đạt trên 90%.
Đồng chí Phạm Văn Thá, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Minh (Hưng Hà)

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Nông dân xã đã đăng ký xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế. Đến nay đã xuất hiện mô hình tiêu biểu của hội viên cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Các mô hình đều tập trung thuê đất để phát triển trang trại, gia trại, trồng và nuôi các cây, con cho giá trị kinh tế cao như mô hình trồng cây dược liệu rộng 12ha của anh Nguyễn Đình Chiến; mô hình trồng, chăn nuôi tổng hợp rộng trên 20ha của anh Bùi Văn Vũ, Giám đốc HTX DVNN… Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Đào Quyên