Thứ 7, 23/11/2024, 09:03[GMT+7]

Quỳnh Thọ: Hiệu quả từ mô hình liên kết

Thứ 2, 08/01/2018 | 11:05:54
962 lượt xem
Để mô hình liên kết 3 nhà ngày càng bền vững, HTX DVNN xã Quỳnh Thọ ngoài việc ký cam kết với hộ nông dân phải thực hiện đúng quy trình sản xuất và đúng theo hướng dẫn kỹ thuật của các công ty còn vận động các hộ nông dân không có nguyện vọng liên kết sản xuất trong vùng chuyển đổi diện tích sang vùng khác hoặc có thể hoán đổi với cá nhân có nhu cầu liên kết sản xuất để tạo quỹ đất tập trung cho các hộ cá thể thuê mở rộng sản xuất.

Mô hình tích tụ của anh Nguyễn Đạt Bình (thôn Minh Đức, xã Quỳnh Thọ) có thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm.

Thời gian qua, HTX DVNN xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn nông sản cung ứng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ông Ngô Doãn Đô, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Trước đây, khi xây dựng mô hình liên kết 3 nhà: nhà nông - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp ở Quỳnh Thọ gặp không ít khó khăn bởi người dân chủ yếu canh tác nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung. HTX đã phối hợp cùng các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, tư duy, mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất; đồng thời, thông qua các đoàn thể tạo điều kiện giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, hiệu quả mô hình liên kết 3 nhà đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm nông sản của nông dân Quỳnh Thọ có thị trường tiêu thụ ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay mô hình liên kết 3 nhà của xã đã thu hút hơn 10 gia đình tham gia với tổng diện tích đất tích tụ để sản xuất nông sản đạt hơn 40ha. Các loại nông sản người dân tập trung sản xuất chủ yếu là ngô ngọt, ớt, dưa chuột, dưa gang, bí đỏ, lúa giống.

Gia đình chị Nguyễn Thị Ngoan, thôn Minh Đức là một trong những hộ tiên phong tham gia chuỗi liên kết sản xuất 3 nhà. Chị Ngoan cho biết: Tham gia chuỗi liên kết 3 nhà, gia đình tôi được định hướng sản xuất mặt hàng gì, hỗ trợ trong quá trình sản xuất, đồng thời không phải lo đầu ra của sản phẩm. Từ khi tham gia, gia đình đã tích tụ được 2ha đất để cấy lúa Nhật xuất khẩu và được doanh nghiệp thu mua với giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg thóc tươi, trừ chi phí đầu tư thu về gần 70 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Trọng Vui, thôn Hưng Đạo chia sẻ: Với hơn 2,2ha đất tích tụ để trồng ngô ngọt, lúa Nhật xuất khẩu cho Công ty An Đình (Hưng Yên), mỗi năm gia đình thu về hơn 80 triệu đồng tiền lãi. Hiện nay gia đình đã mua thêm 1 máy cày, 1 máy làm đất trị giá hơn 100 triệu đồng để chuẩn bị mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nông dân trong và ngoài xã.

Ông Ngô Doãn Đô cho biết thêm: Mô hình liên kết 3 nhà đã thu hút nhiều hộ nông dân tham gia như: gia đình anh Nguyễn Đạt Bình, thôn Minh Đức tích tụ 7,2ha thu nhập bình quân đạt 150 triệu đồng/năm; gia đình anh Nguyễn Công Khiển, thôn Bắc Sơn tích tụ 5,4ha, thu nhập bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Để bảo đảm quyền lợi của các gia đình khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất 3 nhà, HTX DVNN xã Quỳnh Thọ nhận cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón bảo đảm nguồn gốc, chất lượng, ký kết bao tiêu sản phẩm đối với những hộ tham gia liên kết sản xuất. Mỗi năm, HTX tổ chức trên 20 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, nội dung tập huấn tập trung vào các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh trên cây màu, lúa, biện pháp chăm sóc đúng cách giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Để mô hình liên kết 3 nhà ngày càng bền vững, HTX DVNN xã Quỳnh Thọ ngoài việc ký cam kết với hộ nông dân phải thực hiện đúng quy trình sản xuất và đúng theo hướng dẫn kỹ thuật của các công ty còn vận động các hộ nông dân không có nguyện vọng liên kết sản xuất trong vùng chuyển đổi diện tích sang vùng khác hoặc có thể hoán đổi với cá nhân có nhu cầu liên kết sản xuất để tạo quỹ đất tập trung cho các hộ cá thể thuê mở rộng sản xuất. 

Hiện nay, HTX DVNN xã Quỳnh Thọ đang ký hợp đồng với Công ty Chế biến nông sản thương mại và dịch vụ Thanh Nhàn, Công ty An Đình nhận thu mua và bao tiêu nông sản cho nông dân. Trong những năm tiếp theo, HTX tiếp tục huy động vốn, tranh thủ mọi nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý, liên kết cung ứng dịch vụ phục vụ thu hoạch, làm đất, bảo quản sản phẩm, gieo cấy bằng máy nhằm giúp nông dân giảm công lao động và chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp mở rộng diện tích đất tích tụ, có cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng này để đưa máy móc xuống phục vụ sản xuất cho bà con.

Tiến Đạt