Bật bông
“Hàng sang” một thuở
Những ngày cuối thu, đầu đông của những tháng năm xưa cũ ấy, khi những cơn gió heo may bắt đầu mang theo hơi lạnh mơn man thổi vào từng con phố nơi thị thành, từng ngõ ngách chốn làng quê cũng là lúc những chiếc xe đạp chở theo đồ nghề bật bông bắt đầu mùa mưu sinh tất bật. Bật bông là nghề nay đây mai đó, nhưng khác với những nghề khác, cái nghề chẳng cần một lời rao ấy lại là một trong những nghề đắt khách nhất thập kỷ 90 cho đến đầu những năm 2000.
Nhắc đến nghề bật bông trên đất Thái Bình không thể không nhắc đến xã Đông Quang (Đông Hưng). Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, Đông Quang từng là “công xưởng” sản xuất chăn gia công lớn nhất tỉnh, cung cấp các sản phẩm chăn mền theo đặt hàng của nhà nước.
Ông Phạm Xuân Chẩn, một trong những nhân công của xã tham gia sản xuất thời kỳ ấy nhớ lại: Ở xã tôi hồi ấy người người, nhà nhà đều gắn bó với nghề làm chăn bông. Hàng ngày, những xe bông tấp nập đổ về xã, người xã tập trung thành từng nhóm sản xuất để thực hiện các công đoạn làm chăn. Thời ấy phổ biến nhất là làm chăn 3kg, 2,5kg chứ 5kg hiếm lắm. Cứ một tạ bông thì làm được khoảng 300, 400 chiếc chăn. Chăn sau khi làm xong lại được chuyển đi. Ngày ấy có chiếc chăn bông là quý lắm, người dân quê tôi tuy làm ra chăn thật đấy nhưng cũng chẳng có chăn mà đắp.
Dấu gạch nối thời kỳ
Để làm chăn bông phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, từ những quả bông tự nhiên, người thợ dùng dây cung bật bông để đánh tơi bông trước khi bước vào công đoạn tiếp theo là dàn bông may chăn. Cung bật bông là một dụng cụ thô sơ nhưng không kém phần tinh tế. Cần cung được làm từ gỗ xoan đào, có chiều dài 2m. Sở dĩ người ta chọn gỗ xoan đào bởi đây là loại gỗ có độ bền cao, ít bị hư hỏng trong môi trường ẩm ướt, khả năng kháng mối, mọt tốt. Dây cung được kết từ hàng nghìn sợi tơ tằm, có độ dày đường kính khoảng một centimet. Sợi dây cung sau khi được bện chặt sẽ được hầm cùng gạo nếp trong một ngày. Theo kinh nghiệm của người làm nghề, việc này giúp các sợi tơ có độ kết dính chặt chẽ, đàn hồi tốt. Sau khi bông được đánh tơi sẽ được trải ngoài sân theo cữ chăn được đặt hàng. Chăn 5kg kích thước 2,2m x 1,8m; chăn 3kg, 2,5kg kích thước 1,6m x 2m.
Bước tiếp theo, bông được trải đều sẽ chuyển sang bước chần chăn. Người ta dùng vải màn bọc lên 2 mặt bông đã trải, dùng mực vẽ lên mặt chăn những ô hình quả trám định hình rồi dùng kim chỉ khâu chăn theo mối vẽ để cố định bông trong ruột chăn, sau đó bọc vỏ chăn ra ngoài. Ban đầu vỏ chăn chỉ đơn giản là những mét vải thô sẫm màu, sau được cải tiến với họa tiết con công rực rỡ, được nhiều người ưa chuộng.
Cứ như thế, nghề bật bông theo người Đông Quang suốt những năm tháng làm ăn kinh tế tập thể cho đến khi thời kỳ bao cấp kết thúc. Từ những năm 90 của thế kỷ 20, nhà nước không còn đặt hàng gia công, người Đông Quang vốn đã có “thương hiệu” lại đem nghề đi khắp nơi kiếm sống.
Thăng trầm “nghề một dây”
Ngày ấy, cứ sáng sớm là quê tôi nhộn nhịp lắm. Từng tốp, cứ hai người một đèo theo cần bật bông đi khắp nơi làm việc. Có những tốp đi trong huyện, cũng có những tốp đi khắp các huyện trong tỉnh. Thời ấy, nhu cầu sử dụng chăn bông của người dân cao nên thợ bật bông chẳng khi nào thiếu việc.
“Nhưng thời kỳ đầu chuyển sang làm cá nhân cũng là thời kỳ vất vả đối với thợ bật bông. Thời ấy còn khó khăn, bông hiếm, đa phần sản phẩm khách hàng đặt chúng tôi làm đều là gia cố lại những chiếc chăn cũ lâu năm, chăn bị hỏng hay quá mỏng thì mới độn thêm bông vào. Làm các loại chăn này quả là một sự thách thức đối với người làm nghề vì chăn dùng lâu ngày khiến bông bị vón, bám bụi và ám cả hơi người, việc đánh tơi bông trở nên rất vất vả. Những chiếc chăn mới thường chỉ làm cho những nhà có “của ăn của để” hay những nhà tự trồng được bông. Người bật bông thời ấy rất được trân trọng. Thường thì mỗi chiếc chăn bật chúng tôi phải mất một ngày mới làm xong, khẩn trương thì ngày được hai chiếc, bữa trưa chúng tôi được chủ nhà mời cơm, thết đãi như khách quý” - Bà Trần Thị Khởi, một thợ làm nghề cho biết.
Bước vào những năm 2000, các loại chăn mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam, chăn bông mất đi vị trí độc tôn, nhường chỗ cho các loại chăn len, chăn dạ, chăn nỉ… Dần dần, nghề bật bông cứ mai một, đến nay gần như vắng bóng. Không còn hình ảnh những đứa trẻ hiếu kỳ ngồi nhặt bông cho thợ làm chăn, không còn những đoàn người kéo về các ngả đẩy mùa đông đi xa nữa. Nghề bật bông đã lùi vào dĩ vãng. Chiếc chăn bông từng là một vật dụng quý trong gia đình, không chỉ để giữ ấm mà còn thể hiện sự sung túc, đủ đầy của người sở hữu nó. Bên cạnh đó, chiếc chăn bông còn mang giá trị tinh thần cao, là món quà cưới dành cho các cặp vợ chồng, là tấm lòng hiếu thảo của con cháu gửi tới ông bà, cha mẹ.
Giờ đây, chăn bông ít được sử dụng, nghề bật bông không còn là câu chuyện của xã hội hiện đại nhưng ký ức về những mùa đông, với người từng gắn bó với thời kỳ khó khăn của đất nước, chăn bông vẫn là một kỷ vật đáng để nhớ về.
“Nghề bật bông thực chất là nghề làm chăn, đệm. Bật bông là cách gọi nôm na của người dân dựa trên công đoạn đánh tơi bông chuẩn bị làm chăn, đây là công đoạn đầu tiên nhưng quan trọng nhất để cho ra đời một chiếc chăn thành phẩm”. |
Thảo Tiên
Tin cùng chuyên mục
- Không khí đón Tết Nguyên đán rộn ràng khắp Trung Quốc 26.01.2025 | 23:41 PM
- Hàng trăm nghìn hộ gia đình mất điện do bão Eowyn 26.01.2025 | 23:42 PM
- Vũ Thư: Chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại thôn Kiều Thần, xã Song An 26.01.2025 | 23:43 PM
- Vũ Thư: Trên 50.000 suất quà tết tặng gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn 26.01.2025 | 23:44 PM
- Gió mùa Đông Bắc và rét và tỉnh Thái Bình 26.01.2025 | 23:44 PM
- Dinh dưỡng dành cho người bệnh tim mạch vui đón Tết 26.01.2025 | 23:44 PM
- Mâm cỗ Tết ở miền Bắc có những món gì? 26.01.2025 | 23:44 PM
- Đông Hưng: Trao tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng cho 391 đảng viên dịp 3/2 26.01.2025 | 23:44 PM
- Musk bắt đầu thử nghiệm Internet vệ tinh cho smartphone 26.01.2025 | 14:16 PM
- Hành tinh có sức gió nhanh nhất từng được phát hiện 26.01.2025 | 09:49 AM
Xem tin theo ngày
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, chúc tết Trường Đại học Y Dược Thái Bình
- Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ chính trị dịp tết Nguyên đán tại phường Trần Hưng Đạo
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Kiểm tra công tác bảo đảm an ninh trật tự và sẵn sàng chiến đấu ở một số cơ quan, đơn vị
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Tặng quà Làng trẻ em SOS Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy trao quà tết tại xã An Thanh
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
- Tháo gỡ khó khăn, không để các dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ