Thứ 4, 24/07/2024, 02:24[GMT+7]

Phúc Thành: Nỗ lực xóa giống lúa dài ngày

Thứ 2, 22/01/2018 | 08:37:36
1,257 lượt xem
Những năm gần đây, xã Phúc Thành là địa phương duy nhất của huyện Vũ Thư có tình trạng gieo cấy giống lúa dài ngày. Với 6ha mạ dài ngày đã gieo, ước tính vụ xuân năm 2018, nông dân Phúc Thành sẽ gieo cấy khoảng 180ha lúa. Mặc dù diện tích lúa dài ngày giảm khoảng 50ha so với vụ xuân năm 2017, tuy nhiên vẫn chiếm 50% tổng diện tích lúa xuân toàn xã.

Nông dân Phúc Thành vất vả khâu điều tiết nước, chăm sóc mạ dài ngày.

Khổ vì giống lúa dài ngày

Đợt rét đậm, rét hại, trong khi hầu hết mọi người còn tránh rét thì cánh đồng diệc mạ thôn Đồng Đức, Phúc Trung Bắc, Phúc Trung Nam… của xã Phúc Thành rất nhiều nông dân phải “đội” mưa rét để quây nilon che phủ cho những luống mạ ngoài đồng. Đây là những luống mạ dài ngày, giống lúa VN10 được nông dân gieo tại ruộng từ giữa tháng 12/2017. Vì phải trải qua liên tiếp các đợt rét gây hại, một số luống mạ kém phát triển. 

Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Đồng Đức cho biết: Đã cấy giống lúa dài ngày là phải gieo mạ tại ruộng, thời gian chăm sóc mạ kéo dài khoảng 2 tháng, rồi lại thêm công cấy chứ không thể cấy bằng máy nên chúng tôi rất vất vả. Trên một cánh đồng đan xen hộ cấy giống lúa dài ngày, hộ cấy giống lúa ngắn ngày nên thường xuyên xảy ra tình trạng mâu thuẫn nhau vì nhu cầu lấy nước sản xuất khác nhau. Vất vả vậy, nhưng năm ngoái, gia đình chỉ thu được khoảng 1,3 tạ/sào ở diện tích lúa dài ngày, do lúa trỗ ở điều kiện thời tiết bất thuận. Song do tập quán, năm nay gia đình vẫn cấy một diện tích nhỏ bằng giống lúa dài ngày. Tôi mong muốn sang năm, bà con bảo nhau xóa bỏ được giống lúa này để đỡ vất vả.

Ông Hà Hữu Nghị, Giám đốc HTXNN Phúc Thành cho biết: Sau khi tỉnh, huyện có chủ trương xóa bỏ giống lúa dài ngày, các địa phương khác đã nhanh chóng hưởng ứng thì ngược lại, đa số nông dân Phúc Thành vẫn giữ tư tưởng bảo thủ, duy trì gieo cấy giống lúa dài ngày (VN10), đặc biệt trong vụ xuân. Mặc dù cấp ủy, chính quyền, HTXNN xã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như xây dựng đề án gieo cấy 100% giống lúa ngắn ngày; tổ chức tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức của bà con; HTXNN kiên quyết không bơm tát nước vào ruộng cho các diện tích gieo cấy lúa dài ngày; Đảng bộ, chi bộ ra nghị quyết gia đình cán bộ, đảng viên không được gieo cấy lúa dài ngày… Tuy nhiên, nông dân vẫn “bơ” mọi chỉ đạo của địa phương. Nếu HTXNN không bơm nước, các hộ dân dùng máy bơm tự bơm nước ở sông, ao vào ruộng để sản xuất. Trên cùng một xứ đồng, các hộ xung quanh cấy lúa dài ngày, gia đình cán bộ, đảng viên vô cùng khó khăn, thậm chí không thể gieo cấy lúa ngắn ngày vì khó khăn trong tưới, tiêu, lệch thời vụ, chuột phá hại. Do đó, từ vụ xuân năm 2017 trở về trước, diện tích lúa dài ngày ở Phúc Thành thường từ 220 - 250ha, chiếm từ 60 - 70% tổng diện tích lúa toàn xã, với 5/8 thôn có giống lúa dài ngày. Diện tích lúa dài ngày đan xen với lúa ngắn ngày gây nhiều khó khăn, tốn kém trong công tác điều hành thủy lợi tưới, tiêu phục vụ sản xuất của HTXNN và gây khó khăn cho nông dân ở mỗi khâu gieo cấy, phòng, trừ sâu bệnh, thu hoạch lúa. Không chỉ vất vả trong sản xuất, lúa dài ngày còn gây rủi ro cao về khả năng phòng, chống dịch bệnh, cho năng suất kém. Điển hình là vụ xuân năm 2017, trong khi các giống lúa ngắn ngày ở địa phương đạt năng suất từ 65 tạ/ha thì lúa VN10 chỉ cho năng suất 47 - 48 tạ/ha, gây thiệt hại lớn cho nông dân Phúc Thành.

Chuyển biến trong nhận thức của nông dân

Tân Hương là 1 trong 3 thôn của Phúc Thành đã xóa bỏ thành công giống lúa dài ngày. Ông Lại Văn Tiếp, Trưởng thôn Tân Hương cho biết: Thôn có 44ha lúa mỗi vụ. Trước kia, lúa dài ngày chiếm hầu hết diện tích, tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và hiệu quả sản xuất thực tế đã giúp bà con từng bước thay đổi nhận thức. Mỗi năm, thôn giảm thêm được một phần diện tích lúa dài ngày, 3 năm trở lại đây, bà con gieo cấy 100% diện tích bằng giống lúa ngắn ngày. Đến nay, thôn rất thuận lợi trong khâu quy hoạch sản xuất, điều tiết nước, áp dụng cơ giới hóa vào làm đất, thu hoạch; nông dân cũng “nhàn” hơn vì rút ngắn được thời gian sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất lúa.

Mạ dài ngày ở Phúc Thành đã giảm nhưng chưa được xóa triệt để.

Đồng Đức là thôn còn nhiều hộ gieo cấy lúa dài ngày. Chị Đỗ Thị Thúy, thôn Đồng Đức cho biết: Vì phải theo các hộ xung quanh, mấy năm trước, gia đình chị buộc phải cấy lúa dài ngày, mất nhiều công lao động lại cho năng suất kém. Chị chia sẻ, thực ra nhiều hộ cũng đã “chán” lúa dài ngày nhưng tư tưởng bảo thủ khiến bà con ngại thay đổi. Vụ xuân năm nay, chị kiên quyết thay giống VN10 bằng giống lúa Bắc thơm số 7. Chị tin rằng thời gian tới, nhiều hộ cũng sẽ bỏ giống lúa dài ngày để gieo cấy lúa ngắn ngày như gia đình chị.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết: Hiệu quả sản xuất là đòn bẩy lớn nhất để thay đổi tư tưởng của nông dân. Mấy năm gần đây, năng suất lúa dài ngày ở địa phương thấp, chi phí đầu tư lớn hơn đã từng bước giúp nông dân địa phương thay đổi thói quen canh tác lạc hậu. Cùng với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động tích cực của chính quyền, các ngành, đoàn thể xã, thôn, vụ xuân năm 2018, ước tính Phúc Thành sẽ gieo cấy khoảng 180ha lúa dài ngày, giảm khoảng 50ha so với vụ xuân năm 2017. Tuy lúa dài ngày đã giảm nhưng vẫn chiếm 50% tổng diện tích lúa xuân toàn xã. Vì vậy, Phúc Thành vẫn đang tập trung cao công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo nhằm giảm tối đa diện tích lúa dài ngày, góp phần giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Hà Phương


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày