Thứ 4, 08/01/2025, 11:08[GMT+7]

Chuyện cây râm bụt của Bác Hồ ở ATK

Thứ 2, 29/01/2018 | 09:45:28
9,687 lượt xem
Bác Hồ rất yêu thiên nhiên và là người khởi xướng Tết trồng cây. Một trong những loài cây được Bác yêu thích và chứa đựng nhiều tình cảm trong suốt cuộc đời, kể cả khi Người phải xa quê hương, xa Tổ quốc là cây râm bụt.

Cây râm bụt Bác trồng tại Khu ATK Định Hóa - Thái Nguyên. Ảnh: Internet.

Theo dấu chân Bác, chúng tôi tìm về lán Tỉn Keo (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), một trong những điểm nằm trong an toàn khu (ATK), nơi cách đây tròn 70 năm Người từng sống và làm việc năm 1948, rồi cùng Bộ Chính trị quyết định thông qua kế hoạch tác chiến đông - xuân năm 1953 - 1954, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ...

Con đường lên lán Tỉn Keo hôm nay đã trải nhựa phẳng lì, nhưng còn đó hai bên đường hoa nở trắng đồi; những cô thôn nữ các dân tộc thấp thoáng trong vườn chè xanh mướt; những đồi cọ xòe ô ngút ngàn. Căn lán nhỏ đơn sơ nằm giữa lưng chừng đồi. Bên cạnh, cây hoa râm bụt Bác trồng năm nào giờ cành lá vẫn sum suê, trổ bông đỏ thắm.

Chị Dương Thị Hiền, nhân viên Phòng Quản lý nhà trưng bày Bảo tàng ATK Định Hóa (Thái Nguyên) sau khi đưa chúng tôi đi thăm một số điểm di tích đã dành nhiều thời gian để giới thiệu về cây râm bụt bên lán Tỉn Keo. Đó là vào năm 1948, Bác chọn nơi đây làm căn cứ địa để bàn công việc của cách mạng. Mặc dù công việc bộn bề nhưng Người vẫn không quên trồng rau, cây, hoa cảnh xung quanh nơi làm việc. Nhiều cán bộ và bà con dân bản thắc mắc vì sao Cụ Ké (một tên khác của Bác khi ở ATK) lại trồng cây hoa râm bụt ngay cạnh lán làm việc? Người đã chia sẻ rằng: Đó là loài hoa gắn liền với tuổi thơ và cũng là hình ảnh của quê hương nơi sinh ra mình. Hiểu được ý nghĩa của việc trồng cây và loài hoa râm bụt, đồng bào các dân tộc noi theo gương Bác trồng và gọi bằng một cái tên trìu mến: “Hoa râm bụt của Bác Hồ”.

Qua tìm hiểu các tài liệu, được biết, lúc em Bác còn nhỏ, mẹ sai chị Thanh (chị của Bác) hái hoa râm bụt, lấy chỉ treo lơ lửng đung đưa dỗ em khỏi khóc. Anh em Bác thường tha thẩn chơi bên bờ hoa râm bụt từ bên vườn nhà mình sang bên vườn ông bà ngoại... Ngày vào kinh đô Huế theo gia đình, một hôm anh em Bác dựng màn tuồng, dán cánh hoa râm bụt vào má, vào trán, vào cằm, đóng vai tướng Trung, mặt đỏ. Diễn xong mấy anh em bị ngứa, gãi sưng tấy cả mặt, mẹ Bác bắt hai anh em Bác vào giường đánh roi phạt thì Bác thưa: “Mẹ ơi, mẹ nói hoa này hiền như Bụt, hoa lòng mẹ thì con mới dán lên mặt...”. Mẹ Bác phì cười: “Hoa râm bụt hiền nhưng nhựa cây nó dữ”.

Bác tâm niệm: “Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ làng xóm”. Có lẽ vì thế mà đi tới đâu, dù nơi chân trời góc bể Bác vẫn cố gắng tìm và trồng cây hoa râm bụt bên nơi ở để thấy mình đang được gần gia đình, quê hương, để vơi bớt nỗi nhớ da diết nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Theo nhà văn Sơn Tùng kể trong tác phẩm “Hoa râm bụt”: Năm 1977, lão thủy thủ 80 tuổi, Đào Nhật Vinh từ Thành phố Hồ Chí Minh ra viếng Bác. Ông nhớ lại, nói: Đó là ngày chủ nhật (30/1/1921) tôi tới số 9 ngõ Công-poanh (Pari, Pháp) khi lên cầu thang, bước tới cửa phòng anh Nguyễn (Bác Hồ), mùi hương từ trong phòng thơm ngát! Phòng anh Nguyễn gợi nhớ về quê hương, đất nước, nhớ nhà!... Nhìn chiếc bàn thờ, hương nghi ngút, ngọn nến sáng lắt lay bên con gà ngậm bông hoa râm bụt, tôi thắc mắc chưa hiểu tại sao gà thờ cúng mẹ mà ngậm hoa râm bụt, Bác đã giải thích bằng câu ngạn ngữ: “Gà thờ giỗ cha, gà ngậm ngọn trúc; Gà thờ giỗ mẹ, gà ngậm hoa râm bụt”. Bông râm bụt hiện diện trong câu chuyện kể của cụ Vinh giúp chúng ta hiểu thêm về tình yêu đối với gia đình, với quê hương, đất nước, tấm lòng hiếu thảo với bậc sinh thành không bao giờ phai nhạt trong tâm trí Bác.

Còn ông Vũ Kỳ - “người tiểu đồng của Bác Hồ” từng chia sẻ: Nhớ lại, ngày ở ATK Định Hóa “thủ đô kháng chiến”, giờ nghỉ Bác cùng chăm sóc vườn rau, bờ râm bụt. Có cuộc họp Bộ Chính trị tại Tỉn Keo, Bác thức khuya chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị bàn định; thấy các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt đi bằng ngựa đến, Bác dặn: Anh em làm cỏ vườn, xén bờ râm bụt để lại cho ngựa ăn.

Tiếng chim hót líu lo ban sáng làm ấm áp rừng cọ, đồi chè. Bác đã đi xa nhưng cây râm bụt Bác trồng vẫn trổ hoa thắm đỏ trên đồi ATK. Chúng tôi đã lặng người, rưng rưng khi nghe cô hướng dẫn viên chia sẻ câu chuyện về Bác. Em của Bác là Nguyễn Sinh Nhuận, tên khai sinh là Nguyễn Sinh Xin (1900 - 1901) là con trai út trong gia đình. Sau khi sinh bé, bà Hoàng Thị Loan (mẹ của Bác) bệnh nặng và qua đời. Nguyễn Sinh Xin được gửi về quê ngoại Hoàng Trù để chăm sóc. Vì ốm yếu, khát sữa mẹ, nhà lại nghèo, Bác đã dùng mật ngọt của hoa râm bụt cho em mình uống khỏi đói, khát và ru cho em ngủ; nhưng chỉ mấy tháng sau em đã qua đời. Có lẽ vì thế, hình ảnh cây râm bụt đã in sâu vào tâm khảm trong suốt cuộc đời Người. Như lời Người: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”, cây hoa râm bụt ở lán Tỉn Keo hay những hàng râm bụt được trồng nơi Người từng sống và làm việc đã giúp ta hiểu thêm đời sống tình cảm của Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

Khắc Duẩn