Thứ 7, 23/11/2024, 08:41[GMT+7]

Ông Thu làm giàu bằng cạm chuột

Thứ 2, 29/01/2018 | 15:19:33
3,007 lượt xem
Để giúp bà con nông dân diệt chuột hiệu quả, bảo vệ mùa màng, hơn 10 năm qua, một số người dân xã Mê Linh (Đông Hưng) đã mạnh dạn du nhập, phát triển nghề làm cạm chuột về địa phương và đã thoát nghèo. Một trong số đó là ông Nguyễn Văn Thu, chủ cơ sở cơ khí Thu Huế ở thôn Hậu.

Sản phẩm gầu múc bùn của xưởng cơ khí Thu Huế.

Bước chân vào xưởng cơ khí của gia đình ông Thu, chúng tôi thấy nguyên liệu làm cạm chuột chất thành đống, đủ để sản xuất hàng vạn chiếc cạm chuột cung cấp cho khách hàng. 

Ông Thu cho biết: 12 năm trước, tôi lên vùng cao Tây Bắc làm ăn và du nhập nghề làm cạm chuột về địa phương. Với 50 lao động, trong đó làm tại xưởng gần 10 lao động, còn lại là lao động vệ tinh tại các gia đình, mỗi ngày sản xuất 1.000 chiếc cạm chuột. So với mọi năm, năm nay hàng sản xuất được nhiều hơn nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các đơn hàng từ Lào, Campuchia. 

Chị Nguyễn Thị Nhung làm tại xưởng cơ khí của gia đình ông Thu từ những ngày đầu thành lập với công việc chính là cắt sắt và uốn sắt, hàng tháng chị được trả lương từ 4 - 5 triệu đồng. Chị Nhung cho biết: Với những người không đủ điều kiện về tuổi tác, sức khỏe đi làm trong các công ty như tôi thì vào làm tại cơ sở cơ khí Thu Huế là một lựa chọn tốt, công việc nhàn, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, thu nhập ổn định, lại góp phần duy trì, phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

Khi mới bắt tay vào sản xuất cạm chuột, tất cả các công đoạn đều hoàn toàn thủ công, mất nhiều thời gian mới cho ra được một sản phẩm nên lãi suất không cao. Vì vậy, ông Thu đã mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng mua một loạt máy móc hiện đại như máy cắt sắt liên hoàn, máy uốn sắt… và dựng nhà xưởng khang trang, rộng rãi hơn, giảm nhiều công lao động, sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn. Như công đoạn quấn lò so nếu quấn bằng tay phải mất 10 - 15 phút mới được một sản phẩm, nay quấn bằng máy chỉ cần khoảng 3 phút. Không những thế, để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, ông Thu đã đi nhiều nơi, từ khu vực biên giới Lào, Campuchia đến Cao Bằng, Lạng Sơn giao dịch tìm bạn hàng. 

“Cạm chuột dễ làm, công nhân đến xưởng chỉ mất 1 - 2 ngày hướng dẫn là làm được. Nghề này sản xuất quanh năm nhưng chỉ bán trong vòng 2 tháng, xưởng hiện đã hết hàng. Tôi đang động viên công nhân tích cực sản xuất để có đủ cạm chuột giao cho khách hàng đúng thời hạn. Năm 2018, tôi sẽ cố gắng nâng công suất, chất lượng sản phẩm cao hơn, tạo thêm nhiều việc làm cho bà con trong xã. Tôi mong xã đứng lên tín chấp với ngân hàng cho chúng tôi vay vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất” - ông Thu chia sẻ và đề nghị.

Trong thời gian chờ xuất bán cạm chuột, để “lấy ngắn nuôi dài”, ông Thu còn tổ chức sản xuất lồng bẫy chuột, kiềng bếp, xe rùa, gầu múc bùn và dũa cưa. Do vậy, mỗi năm xưởng cơ khí của gia đình ông thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Duy trì và phát triển nghề làm cạm chuột không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo nhiều việc làm cho người dân nông nhàn trong xã. Song, ông Thu cũng như nhiều người dân nơi đây đang trăn trở làm thế nào để bảo tồn và duy trì được nghề trong khi lao động địa phương dần ít đi, nguồn vốn tự có ít. Vì vậy, địa phương cũng như các cấp, các ngành liên quan cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để không chỉ gia đình ông Thu mà nhiều gia đình ở xã Mê Linh nói riêng, trong toàn tỉnh nói chung có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Trung Hiếu