Thứ 4, 27/11/2024, 08:23[GMT+7]

Chuyển biến sau 10 năm hội nhập

Thứ 4, 07/02/2018 | 15:34:31
1,331 lượt xem
Hòa cùng xu thế chung của cả nước khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, đến nay, Thái Bình đã có hơn 10 năm hội nhập với kinh tế thế giới. Đó cũng là chặng đường đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập tương đối đa dạng, phức tạp.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại vào sản xuất.

Xuất phát điểm của Thái Bình là tỉnh thuần nông, kinh tế nông nghiệp chiếm chủ đạo, những tiền đề để phát triển công nghiệp, dịch vụ chưa rộng mở, nền kinh tế quy mô nhỏ, lao động nông nghiệp chiếm phần lớn trong toàn bộ dân cư. 

Sớm nhận thức rõ những hạn chế trên, thực hiện chỉ đạo của trung ương, năm 2008, Thái Bình thành lập Ban Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) nhằm tiếp thu, triển khai các công tác về HNKTQT và tham mưu cho UBND tỉnh về HNKTQT để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Từ đó, hàng năm, Ban đã tham mưu với UBND tỉnh về công tác HNKTQT của tỉnh và triển khai công tác trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh đồng thời thường xuyên nắm bắt tình hình HNKTQT của tỉnh và cập nhật tình hình trong và ngoài nước để tuyên truyền, phổ biến, định hướng cho công tác điều hành của tỉnh cũng như của doanh nghiệp và người dân.

Qua 10 năm phát triển kinh tế - xã hội trong môi trường HNKTQT, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển vượt bậc: quy mô nền kinh tế tăng gấp 3 lần, giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tăng trưởng cao gấp hơn 3 lần năm 2008. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đồng thời chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến rõ nét. Đơn cử như ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, từ một nền nông nghiệp chủ yếu thâm canh cây lúa, chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình, đến nay nền nông nghiệp của tỉnh đã dần chuyển sang nền sản xuất hàng hóa, quy mô lớn với nhiều sản phẩm đa dạng, sức cạnh tranh tăng cao, hình thành nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, cơ giới hóa. Đặc biệt, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển biến mạnh với nhiều cây trồng mới hiệu quả, năng suất cao, giá trị kinh tế lớn được triển khai theo hướng bền vững, chăn nuôi được phát triển mạnh mẽ với hàng loạt trang trại, gia trại thay thế cho sản xuất quy mô nhỏ, hộ gia đình. Chương trình tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu tiếp tục được phát triển. Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước, tỉnh ta đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Toàn tỉnh hiện có trên 5.600 doanh nghiệp và trên 700 chi nhánh văn phòng đại diện đăng ký hoạt động. 

Cùng với sự phát triển về số lượng và quy mô, năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã có một số dự án quy mô lớn đầu tư về địa bàn như: Trung tâm Điện lực Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, hệ thống phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình. 

Đến nay, toàn tỉnh có 11 khu công nghiệp, 50 cụm công nghiệp, trong đó 6 khu công nghiệp, 34 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết với diện tích 2.195ha, thu hút trên 300 dự án vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 80.000 lao động. Kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đã tăng gần 6 lần kể từ năm 2008 đến năm 2017, trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực phát triển mạnh như: dệt, may, nông sản, thực phẩm. Cùng với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân cũng được nâng cao. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp mạnh mẽ trong tất cả hệ thống giáo dục, cơ sở khám chữa bệnh, phục vụ kịp thời nhu cầu sinh hoạt cho người dân.

Theo đánh giá của Ban HNKTQT tỉnh, đạt được kết quả trên là do công tác HNKTQT đã được triển khai đồng bộ từ công tác hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, hiện đại hóa hành chính… Điều đó đã phần nào khẳng định công tác HNKTQT đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì thế, thời gian tới Thái Bình sẽ tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của trung ương, cụ thể hóa các chương trình, mục tiêu cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để gặt hái được những thành tựu mới trong môi trường HNKTQT.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày