Thứ 7, 23/11/2024, 07:58[GMT+7]

Đền thờ Lâm Quận công Bùi Duy Lạc

Thứ 5, 08/02/2018 | 09:22:55
4,745 lượt xem
Được xây dựng trên mảnh đất Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ), đền thờ Đô đốc Thái bảo Lâm Quận công Bùi Duy Lạc không chỉ được biết đến là một di tích thờ phụng vị công thần có nhiều đóng góp lớn cho triều Lê thế kỷ thứ XVII mà còn là biểu tượng về truyền thống yêu nước của dòng họ Bùi được đời nối đời trao truyền và phát huy.

Đền thờ Lâm Quận công Bùi Duy Lạc.

Nơi thờ phụng vị công thần

Bùi Duy Lạc là con trai của Đổng Giang hầu tám lý quân vụ Bùi Trụ, một vị tướng quân dưới triều nhà Mạc. Khi cha con Phạm Quỳnh và Phạm Giao định mưu cùng với Mạc Phúc Nguyên hãm hại lão tướng trọng thần Lê Bá Ly, Bùi Trụ đã đứng về phía Lê Bá Ly, đem văn thư và bức họa địa hình đến trình diện vua Lê xin hàng, được vua Lê ban sắc khen, từ đó ông chiến đấu dưới ngọn cờ phù Lê phục quốc. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ngay từ khi còn nhỏ, Bùi Duy Lạc đã chịu ảnh hưởng sâu sắc trước tinh thần quả cảm của cha và muốn nối nghiệp của cha trên con đường binh nghiệp. Trưởng thành, ông trở thành một tướng giỏi, tham chiến không bao giờ bại, chúa Trịnh coi ông như cánh tay phải đắc lực khi dẹp giặc. Khi nhà Mạc chiếm giữ một vùng rộng lớn để làm nơi luyện quân, xây thành, đắp lũy, Lâm quận công Bùi Duy Lạc đã chỉ huy binh mã, tấn công, truy quét san bằng các căn cứ ở Sơn Nam, Khoái Châu, Hải Đông, công lao của ông được vua Lê, chúa Trịnh ban thưởng vào hạng công thần.

Tháng 3/1638, chúa Trịnh Tráng đích thân đi dẹp Mạc Kinh Vũ ở Thái Nguyên, Cao Bằng, do điều kiện không thuận lợi chúa lệnh rút quân về. Tháng 11/1638, chúa Trịnh sai Lâm quận công Bùi Duy Lạc và Sùng quận công Trịnh Kiều đi dẹp giặc theo đường Thái Nguyên. Lâm quận công dẫn theo 3.000 tinh binh làm quân tiên phong, phá được giặc ở hang động Thượng Tổng, Hoa Lê, Yên Lê. Tuy nhiên, trong quá trình chiến đấu với quân thù, ông bị tử trận. Vua Lê ghi nhận công lao đóng góp của Bùi Duy Lạc đã phong ông là Phụ quốc thái bảo Lâm quận công và xuống chiếu cho dân An Vệ tổng Quỳnh Côi, quê hương ông lập đền thờ. Đền do 4 thôn Nguyên Xá, Phụng Công, Tân Hòa, Cầu Xá phụng sự.

Đền thờ ban đầu được xây dựng trên mảnh đất cao thuộc làng An Vệ, tổng Quỳnh Côi, phủ Thái Bình, nay thuộc thôn Nguyên Xá, xã Quỳnh Hội với diện tích rộng tới 3.000m2. Đền được xây dựng theo lối kiến trúc thế kỷ thứ XVII với kết cấu dạng chữ đinh, quay cửa hướng tây, tòa đại bái gồm có 3 gian, hồi văn 5 đầu, lợp ngói mũi, mở ba cửa đại, lắp cánh phần chân quay. Tòa hậu cung của đền lưu giữ hai pho tượng đá, một tượng đàn ông mũ, áo cân đai, tư thế ngồi khoanh chân, tay đặt trên đùi tượng trưng Lâm quận công Bùi Duy Lạc, một tượng đàn bà có tư thế tương tự tượng trưng bà Nguyễn Thị Chiu, vợ của Lâm quận công. Hai pho tượng có giá trị nghệ thuật lớn, đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Căn cứ cuộc khởi nghĩa nông dân

Từ giữa thế kỷ thứ XVIII, tập đoàn Lê Trịnh bắt đầu khủng hoảng, triều đình thối nát, bóc lột, đàn áp dân chúng đã đẩy nhân dân trong nước lâm vào cảnh khốn cùng. Trước sức ép như vậy, nhu cầu được giải thoát của hàng triệu nông dân nghèo đã bùng lên, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân đã nổ ra khắp nơi và mở đầu cho cuộc khởi nghĩa của nông dân Thái Bình lúc ấy là cuộc khởi nghĩa do Bùi Đá và Hoàng Sỏi lãnh đạo. Bùi Đá chính là cháu 4 đời của Lâm quận công Bùi Duy Lạc. Khi phát động khởi nghĩa, Bùi Đá và Hoàng Sỏi đã kêu gọi nhân dân An Vệ và các nơi trong vùng tham gia ứng nghĩa. Nghĩa quân nhận được sự đồng lòng của người dân nhanh chóng phát triển về số lượng. Tại An Vệ, hai ông cho xây dựng một tòa thành kiên cố bằng hàng nghìn cối đá lỗ xếp lại tại chợ Và, giữa thành đá là đền thờ Lâm quận công. Để đàn áp cuộc khởi nghĩa này, nhiều lần nhà Trịnh đã cho quân đến vây thành, xong đều bị nghĩa quân rút ra theo đường hầm bí mật đánh úp, mãi đến lần thứ 5 chúa Trịnh mới chiếm được thành.

Đến nay, đền thờ Lâm quận công được di chuyển về một khu đất khác cũng nằm ở thôn Nguyên Xá, cạnh cụm di tích đình, chùa làng. Năm 1991, đền thờ Lâm quận công được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đền thờ Lâm quận công Bùi Duy Lạc trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của con cháu dòng họ cũng như nhân dân trên địa bàn xã.

Tuy nhiên, trải qua thăng trầm thời gian, thiên nhiên phá hủy, đền bị xuống cấp nặng nề. Năm 2016, được sự cho phép của ngành văn hóa, các cấp chính quyền, thể theo nguyện vọng của dòng họ Bùi, đền thờ Lâm quận công được tu sửa, chỉnh trang. Sau một năm xây dựng khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, di tích lịch sử đền thờ Lâm quận công Bùi Duy Lạc đã hoàn thành, được mở rộng khuôn viên về hai phía Đông, Bắc với tổng quy hoạch 1.000m2, kinh phí đầu tư 1 tỷ đồng.

Năm nay, nhân dịp ngày kỷ niệm 370 năm ngày mất Lâm quận công Bùi Duy Lạc, nhân dân xã Quỳnh Hội, dòng họ Bùi hân hoan đón chào lễ khánh thành khu di tích đền thờ Lâm quận công, đây không chỉ là niềm tự hào mà còn thể hiện sự trân trọng của thế hệ hậu thế đối với các vị tiền nhân đã có nhiều công lao đóng góp cho quê hương, đất nước.



Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ)

Dòng họ Bùi là dòng họ lớn nhất tại xã Quỳnh Hội. Đây là dòng họ có truyền thống yêu nước lâu đời với những tên tuổi đã đi vào lịch sử. Ngày nay, dòng họ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa, gây dựng phong trào khuyến học phát triển. Năm 2017, dòng họ Bùi được huyện khen thưởng là dòng họ hiếu học. Việc tôn tạo và tu bổ di tích lịch sử đền thờ Lâm quận công không chỉ mang ý nghĩa là nơi sinh hoạt tâm linh, chúng tôi còn mong đây sẽ trở thành một hình ảnh về tinh thần yêu nước để thế hệ trẻ học tập, noi theo.


Ông Bùi Văn Thự, trưởng dòng họ Bùi

Đền thờ Lâm quận công được xây dựng hoàn thiện, dòng họ Bùi chúng tôi rất vui và phấn khởi. Từ nay, con cháu dòng họ tại địa phương cũng như ở các nhánh họ tại Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội), ở Hải Dương đã có nơi đi về hương khói. Nối tiếp truyền thống của cha ông, chúng tôi xin hứa sẽ luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, chỉ bảo cháu con phát huy vai trò của dòng họ trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.


Thảo Tiên