Thứ 3, 23/07/2024, 03:23[GMT+7]

Ngon thơm bánh nghệ

Thứ 5, 08/02/2018 | 16:03:10
3,270 lượt xem
Với tên gọi bánh nghệ, món bánh đã có từ rất lâu ở các xã khu Nam huyện Tiền Hải. Nghe đã thấy lạ, ăn còn thấy lạ miệng hơn nữa. Chẳng biết từ bao giờ bánh nghệ đã trở thành món ăn dân dã ở mỗi phiên chợ từ người già đến trẻ nhỏ đều ưa thích.

Nhìn thấy chiếc bánh nghệ hẳn bạn còn ngỡ ngàng hơn khi chẳng giống như trong tưởng tượng của mình từ tên gọi của bánh. Người dân các xã Nam Trung, Nam Thanh, Nam Chính, Nam Phú… thật khó có ấn tượng nào có thể thay thế những hương vị món bánh nghệ trong lòng mỗi người. 

Tuổi thơ của ai chắc chắn cũng đã từng theo bà, theo mẹ đến các phiên chợ quê, mê mẩn bởi những chiếc bánh tròn tròn, thơm ngon. Đó là món quà mà bà, mẹ mua cho sau mỗi lần đi chợ mà bất kỳ ai cũng đều nhớ mãi. Giờ đây, mỗi khi được thưởng thức món bánh nghệ, thấy cả trời tuổi thơ quay về.

 Bà Nguyễn Thị Gái, xã Nam Trung chia sẻ: Ngày còn ấu thơ, mỗi lần đi chợ mẹ thường mua quà cho anh chị em chúng tôi. Vào chợ, đi loanh quanh là kiểu gì cũng phải sà vào hàng bánh nghệ. Trong vùng khu Nam huyện Tiền Hải có rất nhiều chợ họp theo phiên và ở chợ nào bánh nghệ cũng ngon. Ở mỗi phiên chợ thường có vài ba hàng bán bánh nghệ, thậm chí đến cả chục hàng thế nhưng hàng nào cũng đông khách, thường bánh nghệ được khách mua hết từ rất sớm. Lũ trẻ con vùng quê chúng tôi ngày đó làm gì có nhiều tiền để mua quà như bây giờ. Quà là những chiếc bánh nghệ của mẹ, của bà, vừa ngon vừa rẻ, là món khoái khẩu của đám trẻ con chúng tôi. Bánh nghệ quê tôi mang lại nhiều ngọt ngào, thấm đượm tình mẹ, đong đầy tình bà.

Công đoạn làm bánh nghệ nghe thì thật đơn giản nhưng cũng phải có kinh nghiệm mới tạo ra được sản phẩm thơm ngon, bổ dưỡng. 

Ông Đỗ Quốc Bảo, thôn Hợp Thành, xã Nam Trung cho biết: Bánh nghệ là món ăn dân dã truyền thống thường hay bán ở các phiên chợ của các xã khu Nam. Không biết bánh nghệ có từ bao giờ, chỉ biết gia đình ông Bảo đến nay đã 4 đời làm bánh nghệ. Thời xưa công đoạn làm bánh nghệ chỉ bằng thủ công. Để làm được những mẻ bánh nghệ thơm ngon, người thợ phải dậy từ rất sớm chuẩn bị nguyên vật liệu như: bột gạo tẻ, hành, mỡ và nguyên liệu không thể thiếu là củ nghệ. Đối với nghệ cần lựa chọn những củ nghệ tươi, to, không thối. Nghệ được giã, lọc lấy nước, gạo tẻ được ngâm khoảng 3 - 5 tiếng vớt ra để ráo nước, sau đó cho vào cối xay thành bột cùng với bột nghệ. Hành củ, tóp mỡ, bột quế được xay nhỏ thêm một chút nước mắm, bột gạo tẻ đã qua một lần hấp trộn đều để làm nhân. Tiếp theo cho bột gạo tẻ vào nồi hấp khi bột chín 70% đưa bột ra ngoài để xay khi cảm thấy bột mịn là đạt yêu cầu. Công đoạn đặc biệt là làm nhân bánh, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới pha chế được nhân bánh có vị đặc trưng, vị thơm của nghệ, gạo tẻ, vị ngậy béo của mỡ và hành khô. Qua bàn tay khéo léo của những người thợ làm bánh, nó đã trở thành những chiếc bánh nhỏ xinh, vàng rộm, thơm nồng. Bánh nghệ tiếp tục cho vào hấp chín rồi mang đi chợ bán. 

Hiện nay, không như những thứ quà khác ở mỗi phiên chợ đã bị mai một, bánh nghệ vẫn có chỗ đứng trong các gian hàng ở các phiên chợ quê, vẫn là món ăn thơm ngon, mang hương thơm của miền quê Tiền Hải. Bánh nghệ ngon nhất hiện nay chỉ có ở phiên chợ xã Nam Thanh, Nam Trung. 

Chị Đỗ Thị Thêu, thôn Thủ Chính, xã Nam Chính cho biết: Nghề làm bánh nghệ của gia đình được bố đẻ truyền dạy. Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm bánh nghệ, hàng ngày chị bán bánh ở các chợ. Bánh nghệ của gia đình chị làm có tiếng ngon nhất vùng, được người dân ưa thích. Mỗi ngày chị làm khoảng 20kg gạo. Ngoài bán ở các phiên chợ, chị Thêu còn cung cấp bánh cho các trường mầm non ở các xã khu Nam. Ăn bánh nghệ sẽ kích thích tiêu hóa, tốt cho phát triển thể chất, vì không dùng chất bảo quản, phẩm màu. Ngoài ra, bánh nghệ được coi là một vị thuốc chống viêm, giải độc, giúp tăng sức đề kháng của cơ thể và làm đẹp da phụ nữ, phòng bệnh sản cho phụ nữ sau sinh.

Hồng Hạnh