Chủ nhật, 05/05/2024, 23:17[GMT+7]

Chuyện người chỉ huy trong chiến dịch Mậu Thân

Thứ 6, 09/02/2018 | 09:14:07
8,150 lượt xem
Đại tá Trần Minh Sơn (Bảy Sơn) hiện trú tại một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thông, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, ông nguyên là chỉ huy phó kiêm tham mưu trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, người đã xây dựng phương án và trực tiếp triển khai kế hoạch tiến công các mục tiêu quan trọng ở nội đô Sài Gòn tết Mậu Thân 1968.

Nguồn: Internet

Ông là người cuối cùng của lãnh đạo biệt động thành hiện còn sống. Trong một chuyến đi điền dã giữa năm 2017 ở Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm về chiến dịch Mậu Thân 1968, chúng tôi may mắn được nghe ông kể nhiều chuyện kỳ thú về chiến dịch này.

Năm 1961, ông Bảy Sơn được phân công về miền Nam tham gia hoạt động trong lực lượng biệt động thành. Đầu năm 1962, ông gặp ông Năm Lai tại căn cứ Hố Bò ở Củ Chi trong trường hợp lãnh đạo phân khu giao nhiệm vụ cho ông Lai mua nhà đào hầm cất giấu vũ khí chuẩn bị cho việc tiến công các căn cứ Mỹ, ngụy ở nội thành Sài Gòn khi thời cơ đến. Trải từ đầu năm 1962 đến tết Mậu Thân 1968, anh Năm Lai đào hầm, vận chuyển, cất giấu mấy tấn vũ khí trong nhà, qua mắt kẻ thù và cả những người dân quanh nhà là cả một sự kỳ công ghê gớm. Ông Bảy Sơn cho là khó tính đếm được chính xác nhưng hẳn phải có hàng trăm chuyến xe mới vận chuyển được ngần ấy vũ khí về các căn hầm tại 3 hầm chiến lược: hầm nhà ông Năm Lai là hầm lớn nhất, hai hầm nhỏ ở nhà ông Năm Mũ, nhà ông Ba Bong Bóng, còn lại là hầm nhà ông Năm Mộc và các hầm khác. Hàng trăm chuyến xe qua được mắt địch, bảo đảm an toàn mới thấy cống hiến đầy dũng cảm và tài ba của ông Năm Lai.

Khi kể về việc xây dựng phương án tiến công trong đêm mùng 2 tết Mậu Thân, Đại tá Bảy Sơn tiết lộ một tình tiết khá lý thú.

Chuyện là: vào tối ngày 23 tháng Chạp, 3 cán bộ lãnh đạo lực lượng biệt động thành gồm chỉ huy trưởng Trần Hải Phụng, chỉ huy phó Nguyễn Đức Hùng và chỉ huy phó kiêm tham mưu trưởng Trần Minh Sơn đến báo cáo ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định về kế hoạch đánh các mục tiêu vào tết Mậu Thân. Sau khi nghe báo cáo phương án tiến công từng mục tiêu như dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài Phát thanh, Tổng nha Cảnh sát…, ông Sáu Dân lắng nghe rồi gật gù khen: Các anh chuẩn bị như thế là tốt lắm! Suy nghĩ một lát, bỗng ông hỏi: Tại sao các anh không triển khai phương án đánh Đại sứ quán Mỹ? Ba người ngồi nhìn nhau lúng túng. Ông Sáu Dân nói tiếp: Tôi biết các anh không đánh Đại sứ quán là còn e ngại vấn đề ngoại giao nhưng bằng bất kỳ giá nào các anh cũng phải đánh. Ông Sáu Dân dằn giọng: Nếu trận tổng tiến công này mà các anh không đánh Đại sứ quán Mỹ thì coi như lực lượng biệt động không tham gia! Cả ba nhìn nhau, anh Hải Phụng đành hứa: Xin anh để chúng tôi tính toán thêm về phương án này. Chia tay ba người, ông Sáu Dân tươi cười động viên: Phải gấp lên phương án đánh Đại sứ quán cho thật hay nhé!

Trên đường trở về, ông Hải Phụng giao cho ông Bảy Sơn triển khai phương án đánh Đại sứ quán Mỹ. Ông Bảy Sơn nói: Hiện tại, cán bộ chỉ huy và lực lượng chiến sĩ cùng vũ khí đã bố trí hết cho các mục tiêu. Hôm nay là 23 tháng Chạp rồi mà tháng Chạp thiếu, chỉ còn 6 ngày nữa là triển khai tấn công. Làm sao mà tính toán kịp. Ông Hải Phụng nói gọn lỏn: Anh là tham mưu trưởng thì phải lo chuyện này. Anh cứ lên gấp phương án rồi chúng ta cùng thống nhất.

Đại tá Trần Minh Sơn.

Ngay tối hôm đó, Bảy Sơn tìm gặp Ngô Thanh Vân (Ba Đen) là chỉ huy trưởng đơn vị đảm bảo chiến đấu A30 để bàn xem có kế sách gì không. Ba Đen hào hứng: Nếu các anh đồng ý cho tôi chỉ huy đánh mục tiêu này thì tôi xung phong nhưng xin các anh bố trí cho tôi một chỉ huy phó cùng lực lượng chiến đấu và 200.000 đô la. Bảy Sơn cười, nhăn nhó nói với Ba Đen: Thế là anh thách đố cách mạng rồi. Chúng ta đang thiếu thốn chết cha, lấy đâu ra số tiền lớn đó. Mà anh cần số tiền lớn vậy để làm gì? Ba Đen hóm hỉnh đáp: Tôi cần số đô la này để “che mắt”, “tráng họng” lũ giặc từ Củ Chi về thành phố để vận chuyển vũ khí từ đó về hầm nhà Năm Lai an toàn chứ còn làm gì nữa. Bảy Sơn đem chuyện này nói với Trần Hải Phụng. Ông Phụng nghĩ việc này chắc là khó giải quyết nhưng chẳng còn cách nào khác cứ phải báo cáo ông Sáu Dân. Không ngờ ông Sáu Dân quyết luôn: Nó cần 200.000 đô la chứ cần đến 500.000 đô la cũng phải cấp ngay. Các anh lo ngay lực lượng tinh nhuệ và vũ khí đánh Đại sứ quán Mỹ nhé. Thế là phương án tiến công Đại sứ quán Mỹ được gấp gáp triển khai. Bảy Sơn điều 14 cán bộ thuộc bộ phận tham mưu của ông để đánh mục tiêu này.

Đêm mùng 2 tết Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đồng loạt đánh vào 9 mục tiêu: dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ đô, cổng Phi Long sân bay Tân Sơn Nhất, khám Chí Hòa, tòa đại sứ Mỹ. Trong đó, 5 mục tiêu trọng yếu nhất phải đánh chiếm là dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu Thủ đô và tòa đại sứ Mỹ.

Ông Bảy Sơn nhấn mạnh: Trong đợt tổng tiến công này, lực lượng và vũ khí đã rải đi các mục tiêu. Đồng thời, tất cả các điểm tiến công đều hợp đồng giữ mục tiêu trong hai tiếng để chờ tiếp ứng của đại quân. Trong tất cả các mục tiêu, dinh Độc Lập được coi là mục tiêu quan trọng nhất bởi đây là thủ phủ của tổng thống ngụy và bọn tay sai của Mỹ. Mục tiêu này được giao cho Đội 5, do đồng chí Tô Hoài Thanh (còn có những bí danh khác là Hoàng Trọng Thanh, Tô Văn Phó, Ba Thanh) chỉ huy. Các chiến sĩ có nhiệm vụ tiến đánh, chiếm lĩnh các cổng ra vào, mở cổng để đón đại quân ta về chiếm thủ phủ, giải phóng Sài Gòn. Mỗi mục tiêu có một cơ sở cung cấp vũ khí. Theo bố trí thì hầm vũ khí bí mật ém chứa nhiều loại nhất như súng ngắn, AK, đại liên, B40, bộc phá, lựu đạn… ở nhà Năm Lai nằm ở số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 10, quận 3 hiện nay) chỉ để đánh dinh Độc Lập. Nhưng sau phải san cho các mục tiêu khác.

Đúng 2 giờ 30 phút ngày 31/1/1968 (mùng 2 tết Mậu Thân), Đội biệt động số 11 gồm 17 chiến sĩ do ông Ngô Thanh Vân (Ba Đen) chỉ huy dùng xe du lịch có hỏa lực B40 yểm trợ tiến thẳng vào cổng tòa đại sứ Mỹ. Bốn quân cảnh Mỹ gác ở cổng bị diệt gọn. Các chiến sĩ biệt động dùng thuốc nổ phá thủng tường, tiến vào bên trong, chiếm gần hết tầng 1 rồi nhanh chóng đánh thẳng lên tầng 2 và 3. Theo phương án chiến đấu thì nhiệm vụ quan trọng là phải bắt sống viên đại sứ Bunker nhưng không thực hiện được vì các nhân viên an ninh sứ quán Mỹ đã đưa ông ta rời biệt thự bằng một chiếc xe bọc thép đến ẩn nấp trong một hầm bí mật ở một địa điểm khác. Chừng 20 phút sau khi quân ta nổ súng, một toán quân cảnh Mỹ đến cứu viện nhưng bị biệt động đánh chặn nên không vào được cổng chính. Cuộc chiến đấu trong sứ quán diễn ra quyết liệt. Mãi đến 7 giờ sáng ngày mùng 2 tết (31/1/1968), một trung đội quân cảnh Mỹ mới lọt được vào cổng chính. Đến 9 giờ sáng hôm đó, quân Mỹ đã đổ được một bộ phận lực lượng lính dù xuống sân thượng. Rất tiếc là lực lượng tăng viện của quân giải phóng không đến được như kế hoạch hiệp đồng. Các chiến sĩ biệt động ngoan cường chiến đấu đến giây phút cuối cùng, 16/17 chiến sĩ đã hy sinh, chỉ còn một mình Ngô Thanh Vân bị thương ngất xỉu và bị bắt. Quân Mỹ thiệt hại nặng nề: 5 lính Mỹ chết tại chỗ, 17 chết tại quân y viện, 124 bị thương.

Sự kiện lực lượng đặc công của quân giải phóng đánh chiếm và trụ lại trong tòa Đại sứ Mỹ tới hơn 6 giờ đồng hồ đã gây tiếng vang lớn, làm chấn động nước Mỹ và dư luận quốc tế. Tất cả các cấp chỉ huy quân sự, ngoại giao ở Sài Gòn và cả nước Mỹ bàng hoàng, sửng sốt. Công chúng Mỹ cho rằng cộng sản đã đánh vào Đại sứ quán Mỹ giữa trung tâm Sài Gòn thì họ có thể tiến công bất cứ nơi nào.

Sự thực đúng như vậy. Trong tết Mậu Thân 1968, quân Giải phóng đã đồng loạt tiến công mạnh mẽ vào nhiều mục tiêu trọng yếu của chính quyền Sài Gòn đồng thời đã tiến công và nổi dậy tại khắp các tỉnh, thành ở miền Nam Việt Nam.

Tuy thắng lợi của chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 chưa thật trọn vẹn như kế hoạch đề ra nhưng đã tạo những tiền đề mang tính quyết định dẫn đến chiến dịch tổng tiến công giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân 1975.

Nguyễn Thanh

(Vũ Qúy, Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày