Thứ 7, 23/11/2024, 08:22[GMT+7]

Sáng chế vì nhà nông

Thứ 6, 09/02/2018 | 15:24:55
3,037 lượt xem
Nghiên cứu, sáng chế máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp tưởng chừng chỉ xuất hiện ở những kỹ sư, nhà khoa học. Thế nhưng, tại Thái Bình, với niềm đam mê nghiên cứu, nhiều thầy cô giáo và các em học sinh đã sáng tạo ra những mô hình, sản phẩm hữu ích phục vụ nông nghiệp. Họ được nhiều người gọi với cái tên trìu mến: “những nhà sáng chế không chuyên”.

Máy trồng cây màu hai hàng của thầy giáo Nguyễn Năng Khương, Trường THCS Thụy Hồng (Thái Thụy).

Tại lễ trao giải hội thi sáng tạo khoa học công nghệ và kỹ thuật tỉnh lần thứ VII và cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ III, năm 2016 - 2017, bên cạnh những đề tài, giải pháp, mô hình, sản phẩm sáng tạo phục vụ lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ khí, bảo vệ môi trường được trưng bày, xuất hiện khá nhiều các giải pháp, sản phẩm dành cho nông nghiệp. 

Trong số những sản phẩm đạt giải được trưng bày, nhiều người chú ý tới giải pháp thiết kế, chế tạo máy trồng cây màu hai hàng không động cơ (DK) của thầy giáo Nguyễn Năng Khương, Trường THCS Thụy Hồng (Thái Thụy). Mặc dù là giáo viên dạy mỹ thuật song với niềm đam mê khoa học, thầy Khương và các cộng sự đã sáng tạo ra máy trồng cây màu hai hàng không động cơ (DK). Với nguyên lý hoạt động đơn giản, dễ vận hành, máy mang lại hiệu suất lao động cao và có thể trồng được nhiều loại cây trồng khác nhau như ngô, đỗ tương, lạc… đồng thời cơ bản khắc phục được nhược điểm cồng kềnh, tốn nhiên liệu, khó di chuyển hay việc điều chỉnh khoảng cách khi trồng của một số loại máy có trên thị trường. Chi phí sản xuất máy thấp do có thể tận dụng được nhiều vật liệu cũ, tái chế như linh kiện xe đạp, sắt thép dư thừa và ống PVC. Sự ra đời của sản phẩm hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới cho người nông dân chuyên trồng cây màu.

Thầy giáo Nguyễn Năng Khương chia sẻ: Máy có thể điều chỉnh khoảng cách trồng linh hoạt từ 45cm đến 1m tùy và dễ dàng điều chỉnh độ nông sâu theo từng loại cây trồng. Cơ chế mở hố đất, cho cây xuống và vun đất vào gốc chính xác, bảo đảm kỹ thuật trồng. Mỗi lần di chuyển máy có thể trồng được hai hàng cây. Máy rất thân thiện với môi trường vì không dùng động cơ. Hiện máy đã trồng thử nghiệm tại cánh đồng màu xã Thụy Hồng và xã Thụy Trình (Thái Thụy), được người dân các địa phương đánh giá cao.

Hệ thống tự động điều khiển tưới nước cho cây trồng trong quá trình hoàn thiện.

Chủ đề nông nghiệp không chỉ thu hút sự quan tâm của các thầy cô giáo mà còn có sự tham gia của nhiều học sinh. Sinh ra và lớn lên ở miền quê thuần nông, nhiều học sinh quê lúa sớm thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Vì thế, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều em đã trăn trở phải làm gì đó giúp người nông dân vơi bớt nhọc nhằn. Đem suy nghĩ ấy vào cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ III, nhiều học sinh đã gặt hái được thành công. Trong 66 mô hình, sản phẩm đạt giải cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ III có tới 19 mô hình sáng chế dành cho nông nghiệp. Nhiều mô hình, sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn và hiệu quả kinh tế, xã hội cao như: máy cho tôm, cá ăn điều khiển từ xa; hệ thống tự động điều khiển tưới nước cho cây trồng; máy phun tưới cho hoa màu; máy báo mất khí trong nuôi trồng thủy sản…

Đạt giải nhất trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ III, hệ thống tự động điều khiển tưới nước cho cây trồng của nhóm tác giả Nguyễn Thành Vinh, Nguyễn Thị Hồng Nhung và Phạm Thu An, học sinh Trường THCS Vũ Hòa (Kiến Xương) thể hiện được nhiều tính năng ưu việt. Chỉ cần bỏ ra từ 300.000 - 400.000 đồng để sở hữu hệ thống tự động điều khiển tưới nước, người nông dân sẽ không phải vất vả, lo tưới nước cho cây trồng hàng ngày. Sử dụng cảm biến ánh sáng và cơ cấu chuyển đổi động, hệ thống tự động điều khiển tưới nước cho cây trồng có thể nhận biết được độ ẩm của đất trong vườn. Nếu trời mưa, độ ẩm cao hệ thống sẽ không cho máy bơm hoạt động, tránh lãng phí điện, nước và hạn chế những ảnh hưởng không tốt như tưới nhiều nước gây hại cho cây trồng. Sản phẩm đã thử nghiệm tại một số hộ trồng rau xã Vũ Vân (Vũ Thư) và trồng lan ở thành phố Thái Bình, nhận được sự đón nhận hào hứng của người dân. 

Bà Phạm Thị Nhót, xã Vũ Vân (Vũ Thư) chia sẻ: Gia đình tôi chuyên trồng rau màu. Vì vậy, mỗi khi đi xa tôi rất lo lắng khi ruộng rau không có người tưới nước. Vừa qua, các cháu học sinh Trường THCS Vũ Hòa có mang hệ thống tự động điều khiển tưới nước cho cây trồng lắp vào máy bơm chạy thử, tôi thấy sản phẩm rất hữu ích, giúp giảm sức lao động, tiết kiệm điện năng cho người nông dân. Nếu có thể nhân rộng, đây sẽ là sản phẩm được nhiều nông dân lựa chọn.

Thầy trò Trường THCS Vũ Hòa (Kiến Xương) thử nghiệm hệ thống tự động điều khiển tưới nước cho cây trồng.

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp bởi vậy không khó để có thể tìm kiếm các đề tài, giải pháp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong hội thi và cuộc thi vừa qua, chỉ tính tiêng các đề tài đạt giải đã có gần 30 đề tài, giải pháp, mô hình đạt giải liên quan tới nông nghiệp. Nhiều đề tài được ứng dụng đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn như: nghiên cứu, chọn tạo giống lúa thuần mới TBR225 phục vụ cho các tỉnh miền Bắc và miền Trung; ứng dụng vắc-xin cúm gia cầm sản xuất trong nước trong phòng bệnh cúm gia cầm và xây dựng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại Thái Bình...

Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu khắt khe của thị trường, Thái Bình đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điều này mở ra cơ hội song cũng là thách thức đối với các nhà nghiên cứu, sáng chế. Nghiên cứu, sáng tạo ra một đề tài, giải pháp, sản phẩm đối với một kỹ sư, nhà khoa học đã khó, với “những nhà sáng chế không chuyên” điều này càng khó gấp bội phần vì họ thiếu kinh nghiệm, bị hạn chế về thời gian và nguồn kinh phí. Để làm ra một sản phẩm, họ phải bỏ ra rất nhiều công sức, phải làm đi làm lại nhiều lần mới có thể thành công. Chính vì thế, sự sáng tạo của “những nhà sáng chế không chuyên” cần được quan tâm, khuyến khích. Mỗi đề tài, giải pháp, sản phẩm, mô hình nếu được ứng dụng và nhân rộng sẽ là nguồn động viên, khích lệ hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ trong nhân dân qua đó phát huy trí tuệ trong các tầng lớp nhân dân trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Như Hoàng