Thứ 7, 23/11/2024, 04:32[GMT+7]

Hướng tới phát triển ngành thương mại văn minh, hiện đại

Thứ 2, 12/02/2018 | 09:19:15
1,102 lượt xem
Những năm qua, thương mại của tỉnh đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa, làm cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Sự tăng trưởng của ngành thương mại còn là động lực cho sự phát triển kinh tế, tác động tích cực đối với phân công lao động xã hội.

Siêu thị điện máy Trần Anh thu hút người tiêu dùng.

Để phát huy tốt hơn nữa lĩnh vực này, Sở Công Thương đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển thương mại đến năm 2025, tầm nhìn tới năm 2035, trong đó đưa ra nhiều giải pháp để hướng tới phát triển ngành thương mại văn minh, hiện đại.

Theo đánh giá mới nhất của Sở Công Thương, từ năm 2011 - 2016 giá trị tăng thêm ngành thương mại tăng bình quân 6,64%/năm, thấp hơn tốc độ tăng của GRDP chung cả tỉnh và ngành dịch vụ. So sánh với cả nước trong những năm qua cho thấy cả về tốc độ tăng và tỷ lệ đóng góp vào ngành dịch vụ cũng như GRDP chung của tỉnh đều thấp hơn so với mức đóng góp của ngành trên phạm vi cả nước. Điều đó cho thấy vai trò của thương mại trong tỉnh vẫn chưa phát huy được hiệu quả cao nhất. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp thương mại, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ. Tuy nhiên, những năm gần đây số lượng các doanh nghiệp bán lẻ tăng lên nhanh chóng, bình quân 9,74%/năm. Sự phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ phần nào khẳng định thị trường bán lẻ của tỉnh đã có sự chuyển biến và hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai.

Về hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, toàn tỉnh hiện có 221 chợ, gồm 4 chợ hạng I, 38 chợ hạng II, 179 chợ hạng III, trong đó 22 chợ tập trung trên địa bàn thành thị, còn lại tập trung chủ yếu ở địa bàn nông thôn. Xét về tổng thể, cơ sở vật chất của mạng lưới chợ còn sơ sài, chưa tương xứng với vị trí và vai trò của chợ, chưa đáp ứng được nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân. Hiện tại chỉ có 22 chợ được xây dựng kiên cố, còn lại đa số là chợ được xây dựng bán kiên cố và vẫn còn 7 chợ trong tình trạng lều lán, thậm chí còn họp ngoài trời. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn có 10 siêu thị, 1 trung tâm thương mại có số lượng hàng hóa đa dạng, phong phú bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, thuận tiện cho khách hàng tới tham quan mua sắm.

Nhiều cửa hàng, showroom kinh doanh ô tô đi kèm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phát triển mạnh ở Thái Bình trong ba năm gần đây.

Để xây dựng phát triển ngành thương mại theo hướng văn minh, hiện đại vấn đề đặt ra hàng đầu hiện nay là cần phải hoàn thiện hơn về kết cấu hạ tầng ngành thương mại, nâng cao năng lực của doanh nghiệp thương mại. Bên cạnh đó, để thay đổi những đặc trưng của các kênh, luồng hàng hóa vào, ra trong giai đoạn tới cần phải có chuyển biến hơn về cơ cấu kinh tế, tăng cường quan hệ thị trường và tạo lập các mối quan hệ, liên kết sản xuất với các vùng, các tỉnh khác. Bởi trên thực tế, sự liên kết giữa Thái Bình với các tỉnh, thành phố trong vùng còn nhiều hạn chế như còn mang tính tự phát, sự liên kết giữa các doanh nghiệp tham gia hệ thống phân phối còn lỏng lẻo, kém hiệu quả. Ngoài ra, vấn đề cần được quan tâm là tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhằm tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp thương mại và thực thi các chính sách phát triển ngành phù hợp. Các khâu trong mạng lưới phân phối cần được hoàn thiện hơn nữa từ năng lực của doanh nghiệp thương mại đến kết cấu hạ tầng ngành thương mại. Sự kết nối giữa doanh nghiệp thương mại, người sản xuất, các nhà khoa học và nhà quản lý cần được tạo dựng và duy trì phát triển nhằm tạo ra được sản phẩm có sản lượng cao, chất lượng tốt đưa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Quan trọng hơn đó là nguồn vốn ngân sách dành cho phát triển thương mại còn hạn chế nên mới chủ yếu tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực hoặc hỗ trợ một phần trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, do đó rất cần huy động xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này.

Trước thực trạng và những vấn đề đặt ra như trên, thời gian tới Sở Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo phát triển ngành thương mại theo hướng xuất nhập khẩu hàng hóa, tổ chức lưu thông theo từng ngành hàng, phát triển các dịch vụ phụ trợ và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại. Tiếp tục phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu của các giao dịch thương mại quy mô lớn, tần suất cao, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Phấn đấu giá trị tăng thêm ngành thương mại giai đoạn 2017 - 2020 bình quân tăng 8 - 9%/năm và trên 9% giai đoạn 2021 - 2025.

Thu Thủy