Thứ 4, 24/07/2024, 04:18[GMT+7]

Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thủy sản

Thứ 3, 13/02/2018 | 09:47:01
343 lượt xem
Hiện toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 15.208ha, trong đó nước mặn 3.040ha, nuôi nước lợ 3.622,6 ha, nuôi nước ngọt 8.546ha và hệ thống sông ngòi có khả năng khai thác diện tích mặt nước để nuôi thủy sản bằng lồng bè. Về khai thác thủy sản có 1.168 phương tiện hoạt động nghề cá với tổng công suất 107.995,8CV.

Khai thác thủy sản ở Thái Thụy.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tổng sản lượng thủy sản năm 2017 ước đạt 213,5 nghìn tấn, tăng 8,4% so với năm 2016, tốc độ tăng trưởng giá trị thủy sản tăng 7,05% so với năm 2016. Để đạt được kết quả như trên, ngay từ đầu năm Chi cục Thủy sản đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, chủ động tham mưu ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo phát triển sản xuất phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, tăng cường quản lý tài nguyên, nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tham mưu xây dựng các đề án, chương trình nhằm đẩy mạnh phát triển đồng bộ lĩnh vực thủy sản như: quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chương trình bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020; đề án phát triển ngao giống phục vụ cho nuôi trồng thủy sản trong tỉnh và các tỉnh lân cận, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; đề án phát triển nuôi tôm nước lợ ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Tham mưu triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ phát triển khai thác xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ; Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của UBND tỉnh Thái Bình. Chủ động hướng dẫn, đôn đốc các địa phương và hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện tốt công tác cải tạo ao đầm nuôi thủy sản, lịch thời vụ thả giống, chăm sóc quản lý thủy sản nuôi theo từng đối tượng và mùa vụ nuôi trên cả 3 loại hình mặt nước mặn, lợ, ngọt. Đến nay, mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, mô hình nuôi tôm VietGAP cũng đang được các địa phương tích cực triển khai, diện tích đã tăng lên hàng trăm héc-ta, mang lại hiệu quả cao.

Chi cục cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản; sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; cơ sở sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ, đóng sửa tàu cá; cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; nuôi trồng thủy sản thâm canh. Năm 2017 đã xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản 2 tổ chức, 15 cá nhân, thu nộp ngân sách nhà nước 95,3 triệu đồng. Công tác chuyển giao khoa học, công nghệ được tăng cường nhằm hỗ trợ hoạt động khai thác xa bờ, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, các mô hình sử dụng vốn khuyến ngư đều cho hiệu quả, được ngư dân áp dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế là mức độ và tần suất chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh ngày càng tăng, đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người dân; người dân chưa mạnh dạn đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nên chậm hình thành các vùng nuôi thâm canh, nuôi VietGAP, công nghệ cao các đối tượng có giá trị kinh tế. Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại và thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Chi cục Thủy sản Thái Bình chủ trương triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: tích cực tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2017; triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ người dân yên tâm bám biển; hỗ trợ tư vấn và chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản VietGAP, hỗ trợ sau đầu tư các loại máy móc thiết bị khi thực hiện mô hình công nghệ cao; huy động toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức tăng cường bám sát cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động sản xuất; tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung nuôi cá lồng trên sông tại một số địa phương; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch nuôi tôm nước lợ trên địa bàn; tham mưu cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề nghiệp từ các nghề cấm, nghề hạn chế phát triển (nghề lưới kéo) sang các nghề khác; tăng cường công tác phối hợp quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản; đầu tư về trang thiết bị, xây dựng quy trình quan trắc, tập huấn cho cán bộ và triển khai kịp thời công tác dự báo, cảnh báo môi trường cho người nuôi trồng thủy sản; rà soát, nắm chắc số lượng tàu cá, theo dõi và cập nhật thông tin tình hình thời tiết, về tai nạn tàu cá, người lao động quản lý có hiệu quả trong mùa mưa, bão để bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động tại các ngư trường; tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ; hướng dẫn người dân xây dựng quy trình nuôi trồng thủy sản mới, quản lý dịch bệnh, cải tạo môi trường nuôi, chuẩn bị con giống đạt tiêu chuẩn cho vụ nuôi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản; chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành, địa phương nhằm quản lý có hiệu quả hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hoàng Minh Giang

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày