Thứ 4, 21/05/2025, 00:13[GMT+7]

Nhìn bạn...ngẫm ta

Thứ 3, 13/02/2018 | 10:03:30
537 lượt xem
Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng suy đi tính lại, tôi vẫn muốn viết, chỉ với một ước mong nho nhỏ, là làm sao để khoảng cách khập khiễng ấy càng gần nhau càng tốt.

Giao thông ở Thủ đô London (Vương quốc Anh).

Trong lần đi hội thảo nghiên cứu thực tế tại Mỹ, đoàn công tác chúng tôi may mắn có được người lái xe là đồng hương, vì vậy suốt trong quá trình làm việc đi hội thảo và nhất là thời gian đi tham quan ông vừa làm lái xe và làm phiên dịch luôn cho đoàn. Ông bảo là công dân Mỹ hay công dân Việt Nam cũng giống nhau thôi, vì ở đâu cũng thế nếu chấp hành đúng pháp luật thì mình sẽ được tự do thoải mái trong sinh hoạt và trong cuộc sống. Học lái xe ở Mỹ tốn ít thời gian hơn ở Việt Nam, nhưng việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ thì nghiêm hơn rất nhiều. Đã làm nghề lái xe thì tốt nhất là không uống rượu bia, lái xe đi đúng phần đường, làn đường, đúng tốc độ, sử dụng còi cũng phải đúng lúc, đúng nơi và đặc biệt là dừng đỗ xe nhất định phải đúng nơi, đúng chỗ. Mọi quy định rất cụ thể, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng và không có chuyện xin cho như ở nhà. Ví dụ qua trường học, bệnh viện không được bóp còi xe. Không được đỗ xe vào nơi dành cho xe của người khuyết tật. Đỗ xe ven đường, vào hàng ăn phải đăng ký giờ, nếu quá giờ phải nộp phạt… Ông kể: Hồi mới sang trong một lần đến thăm nhà bạn, ông để xe ở bên đường, sau khoảng 30 phút ra thì không thấy xe đâu, tưởng mất ông liền gọi cho người bạn hỏi xem sao, ngược lại với thái độ lo sợ của ông thì người bạn lại rất thản nhiên, anh rút điện thoại vào mạng internet, lúc sau gọi ông lại bảo: Xe của ông đỗ quá giờ nên đã bị xe cảnh sát cẩu về bãi cách đây gần 100km, sau đó hai người cùng nhau đến bãi tập kết nộp tiền phạt qua thẻ điện tử, với số tiền đã được ghi trên tem dán vào xe, rồi lấy xe ra về. Ông bảo nếu không trả tiền cũng vẫn lấy được xe ra, nhưng khi trả tiền phải trả cả lãi và không thể không trả vì ở Mỹ họ quản lý phương tiện rất chặt, không thể trốn chạy.

Vẫn chuyện lái xe ở Mỹ. Ông bảo hồi mới sang ông vẫn còn thói quên như ở nhà. Hôm ấy chở mấy người bạn đi chơi, xe đang chạy trên đường cao tốc, với tốc độ trên 100km/giờ thì người bạn nhìn thấy những cánh đồng hoa bên đường đẹp quá bèn bảo ông dừng lại, chiều bạn ông dừng xe để mọi người xuống ngắm hoa, chụp ảnh nhưng chưa đầy hai phút sau xe cảnh sat đã ập đến yêu cầu mọi người không được tự động dừng xe trên đường cao tốc. Cuộc vui chưa kịp đã phải dừng, sau đó mọi người mới hiểu ở Mỹ không phải chỗ nào cũng dừng xe được, nhất là trên đường cao tốc, chỉ khi nào xe đến trạm dừng nghỉ thì lái xe mới được dừng xe. Chuyện ở Mỹ là vậy còn ở thủ đô Luân Đôn, vương quốc Anh vì là thành phố cổ nên đường phố rất chật, người dân tham gia giao thông lại đông nhưng giao thông vẫn thông suốt và rất ít ách tắc, chính quyền thành phố quy định những tuyến đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp. Người đi bộ qua đường không phải chờ đèn tín hiệu giao thông như ở ta mà sẽ tự điều khiển đèn tín hiệu khi qua đường. Trên các tuyến đường giao thông lượng người tham gia giao thông rất đông, xe cộ phương tiện qua lại tấp nập nhưng vẫn đúng luồng, đúng tuyến, đúng làn quy định, không có va chạm nên rất ít thấy cảnh sát giao thông. Đi du lịch trên đất nước Anh, người ta đi nhiều bằng xe buýt, những chiếc xe buýt hai tầng chạy dọc ngang thành phố, đưa khách đến các điểm du lịch thật nhộn nhịp, mà không hề xảy ra ách tắc giao thông.

Người dân Hà Nội “đánh vật” với ùn tắc giao thông.

Xem bạn mà buồn, nói về giao thông ở Việt Nam có thể dùng cụm từ “càng lớn, càng bé”. Trẻ em khi vào học ở các trường mầm non đã được các cô dạy khá kỹ về Luật Giao thông đường bộ, việc dạy được thực hiện trên sa bàn, các cháu mới 4 - 5 tuổi đã được đóng thành công an, lái xe, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân để tham gia giao thông, người nào việc ấy, các cháu học và hành rất thành thục, về nhà lại hướng dẫn bố mẹ, anh chị. Nhưng buồn thay ở nước ta, càng lên lớp lớn thì số giờ học về luật giao thông càng “bé” tỷ lệ thuận với điều đó là số trẻ vi phạm luật giao thông càng nhiều, hình ảnh trẻ em tham gia giao thông đi xe đạp hàng hai, hàng ba là chuyện bình thường. Rồi đi xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm cũng là chuyện bình thường. Thậm chí nhiều ông bố, bà mẹ chở con tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm cũng bình thường... 

Và sẽ còn rất nhiều chuyện vi phạm luật giao thông mà người lớn cho là bình thường như thế nên đã dẫn đến chuyện người tham gia giao thông ở nước ta không bình thường như nước bạn. Mỗi người khi tham gia giao thông chưa cần phải học ngay các nước tiên tiến trên thế giới mà hãy học ngay chính con mình, cháu mình, nếu được như vậy chắc chắn Luật Giao thông đường bộ sẽ đi vào cuộc sống. Ước gì người lớn khi tham gia giao thông cũng được như con trẻ thì giao thông ở Việt Nam sẽ chẳng thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới.

Tuấn Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày