Thứ 2, 25/11/2024, 15:41[GMT+7]

Nồng ấm hương vị ngày xuân

Thứ 3, 13/02/2018 | 13:32:40
785 lượt xem
Đến hẹn lại lên, những ngày giáp tết Nguyên đán, nhiều làng quê có nghề trồng hoa, cây cảnh, làm hương, làm bánh… ở Hưng Hà lại náo nức, tất bật vào mùa với mong muốn góp thêm hương vị đậm đà tình quê vào tết cổ truyền của dân tộc.

Làm bánh chưng ở phố Lẻ (Hưng Hà).

Đến làng nghề làm hương ở thôn Văn Quan, xã Duyên Hải (Hưng Hà) đâu đâu cũng thấy hình ảnh người làm hương say mê, cần mẫn se, nén từng que hương. Hương ở đây lâu nay đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và cả nước ngoài. 

Bà Hà Thị Sửu, thôn Văn Quan chia sẻ: Người dân trong thôn đã trải qua hàng trăm năm sống và gắn bó với nghề làm hương. Qua bao thăng trầm, sản phẩm hương có được những phẩm chất mà ít địa phương nào sánh được. Hương có mùi thơm thanh nhẹ đặc trưng mà lại phảng phất trong không gian rất lâu. Vì vậy, hương ở đây luôn được tiêu thụ với số lượng lớn, nhất là trong dịp lễ, tết. Bình quân mỗi năm gia đình tôi bán được vài chục vạn que hương truyền thống ra thị trường. Năm nay gia đình đã chuẩn bị nguyên liệu và làm hương từ tháng 5, tháng 6 âm lịch. Mặc dù năm nào người làm hương chúng tôi cũng chuẩn bị sớm và khá chu đáo nhưng vẫn không đủ hương để cung cấp cho thị trường.

Còn bà Đinh Thị Nga, thôn Văn Quan cho biết: Nguyên liệu chủ yếu  người dân trong thôn lấy để làm hương truyền thống là thân cây đỗ tương, cây hương bài đốt lấy tro. Dây keo được nghiền thành bột sau đó trộn lẫn với các loại thảo mộc như: xuyên quy, xuyên đại hoàng, trắc bách diệp, hoàng đàn, tùng bạch chỉ, đinh hương... Tùy từng thợ, tùy từng bí quyết pha chế của từng nhà mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau. 

Đặc biệt, người làm hương Văn Quan tránh đưa hương qua lửa vì như thế hương sẽ bị mất mùi thơm tự nhiên. Ngày thường về Văn Quan đã nhộn nhịp thì vào những ngày giáp tết không khí làng nghề lại càng náo nhiệt. Mùi thơm của hương lan tỏa khắp nơi. Nhà nhà, người người tranh thủ tập trung sản xuất mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bình quân 1 năm gia đình tôi tiêu thụ khoảng 40 - 50 vạn que hương. Để có hàng bán trong dịp tết Nguyên đán này, gia đình tôi đã chuẩn bị từ 1,5 - 2 tạ nguyên liệu làm hương và làm sẵn được 5 - 7 vạn que hương để phục vụ khách hàng.

Ngày tết, cùng với mùi hương thơm phảng phất thì bánh chưng xanh cũng là món không thể thiếu trong mâm cơm của mỗi gia đình. Đã từ lâu, nghề làm bánh chưng ở phố Lẻ, xã Phúc Khánh (Hưng Hà) được nhiều người biết đến. Với sự phát triển của xã hội, nhiều gia đình, nhất là người thành thị không có thời gian để gói bánh chưng. Từ làm bánh phục vụ chính mình, những người dân ở phố Lẻ đã từng ngày mở rộng sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường. 

Đưa chúng tôi đến thăm những gia đình làm bánh chưng ở phố Lẻ, anh Nguyễn Xuân Quyết, cán bộ văn hóa xã Phúc Khánh giới thiệu: Bánh chưng ở đây được các hộ gói bán quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là các dịp lễ, tết. Đặc biệt từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày 30 tết, lò luộc bánh của các gia đình ở đây lúc nào cũng rực lửa. Một ngày một gia đình có thể sử dụng nguyên liệu tới vài tạ gạo, sản xuất bánh cung cấp cho thị trường.

Những ngày này đi qua phố Lẻ ai cũng đều có thể bắt gặp những nồi bánh chưng nghi ngút khói trên bếp than hồng, những cửa hàng bày bán bánh nằm dọc hai bên đường. Các hộ làm bánh ở đây cho hay, bánh phố Lẻ thường được khách hàng đặt mua để làm quà tặng cũng như ăn tất niên. Có nhiều khách hàng còn đặt làm quà tặng người thân ở nước ngoài. Chỉ bằng những sản vật quen thuộc của địa phương như lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, người phố Lẻ đã làm ra đặc sản bánh chưng ngon nức tiếng gần xa.  

Ông Ngô Văn Chuyên, Bí thư Chi bộ thôn Văn Quan, xã Duyên Hải (Hưng Hà)

Hiện nay ở Văn Quan có 475 hộ sản xuất hương, góp phần vào việc giữ gìn, phát triển nghề truyền thống và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Nghề làm hương ở Duyên Hải không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn thân thiện với môi trường. Nhiều năm nay, những người làm hương ở Văn Quan vẫn lưu giữ được bí quyết truyền thống để bảo đảm cho chất lượng hương ngày càng tốt mà không phải sử dụng bất cứ hóa chất nào, góp phần đưa hương truyền thống của quê hương ngày càng bay xa.
Bà Nguyễn Thị Oanh, phố Lẻ, xã Phúc Khánh (Hưng Hà)

Gia đình tôi làm bánh chưng đã mấy chục năm. Tết Nguyên đán năm 2017, gia đình gói 1 vạn cái bánh chưng cung cấp cho thị trường. Năm nay, ngày bình thường gia đình sử dụng nguyên liệu để gói bánh khoảng 50 - 60kg gạo, ngày nhiều thì gói cả tạ gạo. Để phục vụ tết Nguyên đán năm 2018, gia đình đã chuẩn bị được 4 tấn gạo nếp, 1 tấn đỗ xanh, 20 con lợn (trên 1 tạ/con) và mua khoảng 50 triệu tiền lá dong để sẵn sàng gói bánh phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Ngọc Hân

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày