Thứ 7, 23/11/2024, 08:00[GMT+7]

Quản lý an toàn thực phẩm trong ngành Công Thương

Thứ 3, 27/02/2018 | 09:28:22
1,008 lượt xem
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), Sở Công Thương đã thực hiện các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch của trung ương, của tỉnh về quản lý ATTP đồng thời ban hành các văn bản, điều hành các phòng, đơn vị chuyên môn thực hiện tốt chính sách, pháp luật về quản lý ATTP.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn của công nhân.

Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt lĩnh vực ATTP, chỉ tính riêng từ năm 2011 đến năm 2016 đã ban hành 6 quyết định, 1 chỉ thị về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh, phê duyệt kế hoạch bảo đảm ATTP tỉnh, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành... Ngoài ra, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh còn ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo việc thực hiện tháng hành động vì chất lượng VSATTP hàng năm, bảo đảm VSATTP trong dịp tết Nguyên đán, tết Trung thu, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề, liên ngành nhằm bảo đảm VSATTP trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện sự chỉ đạo đó, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện công tác quản lý ATTP thuộc lĩnh vực được phân cấp quản lý như: tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật về ATTP đến UBND các huyện, thành phố để cập nhật thông tin kịp thời, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về ATTP tại địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường, đặc biệt là vào dịp lễ, tết, tháng hành động vì chất lượng VSATTP. Ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về ATTP.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Công Thương, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc như việc phổ biến kiến thức về ATTP cho các đơn vị thuộc ngành quản lý chưa được sâu rộng do thiếu kinh phí. Công tác lấy mẫu phân tích chất lượng chưa thực hiện được do không đủ điều kiện về con người và cơ sở vật chất. Việc thuê đơn vị phân tích mẫu cũng do không có kinh phí nên ảnh hưởng đến việc phòng ngừa, ngăn chặn các đơn vị sản xuất sử dụng nguyên liệu, lưu hành sản phẩm kém chất lượng trên thị trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý ATTP thuộc ngành Công Thương ở cấp huyện, cấp xã còn yếu. Công tác quản lý ATTP ở tuyến huyện chủ yếu là kiêm nhiệm, không đúng chuyên môn. Sự phân cấp quản lý nhà nước chưa triệt để bởi việc phân cấp quản lý mới tới cấp sở, còn cấp phòng thuộc các huyện không được đề cập đến trong khi đây lại là đơn vị có khả năng tiếp cận, quản lý, nắm bắt thông tin của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm một cách chính xác và kịp thời nhất. Mặt khác, ở tuyến xã không có mạng lưới cán bộ quản lý nên ảnh hưởng nhiều đến kết quả quản lý ATTP của ngành.

Kết quả, từ năm 2011 đến nay, ngành Công Thương đã kiểm tra 2.645 vụ, xử lý 1.142 vụ vi phạm với số tiền phạt hành chính trên 1,4 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 94 đơn vi; tổ chức tiêu hủy hàng nghìn mặt hàng, chủ yếu là bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá, mì chính, sữa, thức ăn gia súc, thực phẩm... Năm 2017, Sở đã giao Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã kiểm tra, xử lý 16 vụ vi phạm, xử phạt 8 triệu đồng, tịch thu 297,5 lít rượu các loại trị giá gần 12 triệu đồng.

Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra các sản phẩm rượu ngoại tại các cửa hàng kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn rà soát, nắm bắt tình hình, hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh thuộc trách nhiệm quản lý của ngành để phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về ATTP; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn kiến thức về ATVSTP cho chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện đúng các quy định để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP thuộc lĩnh vực ngành quản lý.

Thu Thủy