Thứ 7, 23/11/2024, 00:42[GMT+7]

Họa nếp xưa

Thứ 2, 05/03/2018 | 08:49:47
711 lượt xem
Tục thờ chữ và rước chữ về nhà xưa kia chỉ có tầng lớp quý tộc, vua chúa mới thực hiện được, còn dân gian thì chơi chữ và xin chữ nơi các ông đồ cho chữ vào những dịp lễ hội xuân

Người xưa quan niệm đầu xuân năm mới “xin chữ” ông đồ là một việc làm trân trọng, thiêng liêng bởi vì chữ là cốt cách con người, chữ cũng có “hồn” và cũng vì thế mà người xưa thường “thờ chữ”. Tục thờ chữ và rước chữ về nhà xưa kia chỉ có tầng lớp quý tộc, vua chúa mới thực hiện được, còn dân gian thì chơi chữ và xin chữ nơi các ông đồ cho chữ vào những dịp lễ hội xuân. Chữ “cho” thường là thư pháp Hán Nôm, ngày nay có thêm thư pháp chữ quốc ngữ đều là nghệ thuật viết chữ đẹp, cách điệu, đầy sáng tạo và mang tính biểu cảm, nó giống hình thức hội họa nhưng thay vì vẽ cảnh vật, con người, thư pháp lấy chữ ra vẽ.

Nhân dịp xuân Mậu Tuất 2018, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển văn hóa Việt (Hà Nội) tổ chức hoạt động biểu diễn thư pháp ở hai loại hình thư pháp Hán Nôm và chữ quốc ngữ nhằm tạo sân chơi cho những người yêu chữ và hoài cổ về thư pháp Việt. 

Ba chàng trai trẻ quê ở Vũ Thư, Quỳnh Phụ là Nguyễn Văn Huỳnh, Lê Hữu Liêm và Nguyễn Thành Phúc đã lễ mễ ôm tre, nứa từ quê lên thành phố dựng “lều chõng”, trang trí “phố ông đồ” phục dựng nét xưa. Cả ba đều là thành viên Câu lạc bộ thư pháp trẻ Hà Nội tự mua giấy, mực rồi ngồi phóng bút “vẽ” chữ, cho chữ. Ai xin chữ cũng cho. Chữ mà ba ông đồ trẻ cho ngoài thư pháp Hán Nôm còn có thư pháp quốc ngữ, loại hình thư pháp mới rất được giới trẻ yêu thích. Nhìn vào chữ “vẽ” của ba ông đồ trẻ người ta có thể thấy được hình ảnh làng quê sâu nặng và tình người bao la lung linh theo nét chữ. Ba ông đồ trẻ cùng những người tham gia viết thư pháp đã thổi hồn của làng quê Thái Bình vào nét chữ, đồng thời kiên nhẫn trong việc phóng bút làm toát lên vẻ đẹp của làng quê Thái Bình trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Biểu diễn thư pháp là một hoạt động văn hóa lành mạnh thông qua nghệ thuật “vẽ chữ” để các văn bản Hán Nôm, vốn di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ khá phong phú và sinh động còn tồn tại ở hơn 400 thiết chế văn hóa cổ và hơn 200 lễ hội làng của Thái Bình đã được các nghệ nhân thư pháp tỉnh nhà thể hiện dưới dạng chữ Chân, Triện, Khải phản ánh những nội dung khác nhau của lịch sử vùng đất và những thiên thần, nhân thần trên vùng đất Thái Bình từng có công lao với dân tộc. 

Ngắm những ông đồ trẻ biểu diễn thư pháp, nhìn những nụ cười tươi nguyên nét mực của người xin chữ đầu xuân năm mới càng khiến ta nhớ lại bốn câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua…”.

Nghệ nhân Phạm Hùng, thành viên Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh Hải Dương

Từ xa xưa dân tộc ta đã có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ, xin chữ. Người Việt đặc biệt nâng niu và trân trọng chữ từ bao đời nay. Những bức hoành phi, câu đối Hán Nôm trong những đình chùa, miếu mạo hay trong mỗi gia đình vẫn được sử dụng và luôn được đặt ở những nơi trang trọng và linh thiêng nhất. Như vậy để thấy, vai trò của ông đồ là rất có ý nghĩa quan trọng, ông đồ vừa dạy chữ “thánh hiền” vừa trao truyền nghệ thuật thư pháp, một hình thức văn hóa xem trọng chữ nghĩa.
Chị Trần Thị Bình, Trưởng phòng Kiểm kê - Bảo quản, Bảo tàng tỉnh

Nắm bắt được nhu cầu của giới trẻ yêu nghệ thuật thư pháp tỉnh nhà, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển văn hóa Việt (Hà Nội) tạo “sân chơi” văn hóa nhằm thu hút thanh thiếu niên và quần chúng yêu nghệ thuật đến với thư pháp ngày xuân. Cứ mỗi dịp xuân về, du khách trong và ngoài nước cùng những người yêu nghệ thuật thư pháp không kể già trẻ, gái trai đều mong muốn đến thăm Bảo tàng tỉnh nơi lưu giữ những hiện vật về lịch sử một vùng đất, đồng thời sau khi tham quan Bảo tàng, du khách vừa xem các ông đồ “vẽ” chữ vừa thưởng lãm và tận hưởng không khí ngày xuân.

Ông Nguyễn Đức Siêng, Câu lạc bộ thư pháp huyện Quỳnh Phụ

Về thăm Bảo tàng tỉnh lại được đắm chìm trong không khí ngày hội thư pháp tôi lại thấy mình như được sống trong tiết xuân của ngày xửa ngày xưa, cái ngày xưa ấy ông đồ khăn đóng, áo dài thâm, quần chúc bầu trắng, chòm râu bạc phất phơ thật cốt cách, trải chiếu ngồi mài mực trên vỉa hè. Đằng sau ông giăng đầy những chữ Thần, chữ Phúc và những câu đối viết trên giấy màu đỏ khổ to. Bên nghiên mực là mấy chiếc bút lông, có ông đồ nằm bò trên giấy chăm chú thảo những dòng chữ Hán, chữ Nôm như rồng bay phượng múa.
Anh Nguyễn Văn Huỳnh, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, thành viên Câu lạc bộ thư pháp trẻ Hà Nội

Văn hóa hội nhập khiến hình ảnh về khu phố “ông đồ” cũng có nhiều đổi thay. Bên cạnh những ông đồ cao niên đã xuất hiện rất nhiều ông đồ với tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí có ông đồ chỉ ở độ tuổi đôi mươi. Bên cạnh biểu diễn thư pháp Hán Nôm thì các ông đồ trẻ ngày nay còn “vẽ” cả chữ quốc ngữ. Người già thường hay xin chữ Hiếu, chữ Đức về cho con, người trẻ có hiếu hay xin chữ Phúc tặng bố mẹ, ông bà. Người đi làm công sở thường xin chữ Nhẫn, du khách nước ngoài hoặc các anh, các chị thường hay xin chữ Hạnh Phúc, với những người buôn bán thường hay xin chữ Phát, chữ Lộc. Đối với chữ Tâm là chữ được nhiều tầng lớp xin nhất, thường đi kèm với chữ Tâm có hàng chữ lạc khoản “Phúc Tự Tâm Sinh”, nghĩa là do cái “tâm” của mình mà sinh ra cái “phúc”.

Quang Viện