Thứ 4, 24/07/2024, 04:26[GMT+7]

Tập trung chăm sóc lúa xuân

Thứ 5, 08/03/2018 | 09:34:49
485 lượt xem
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản gieo cấy xong toàn bộ diện tích lúa xuân. Để bảo đảm thắng lợi trong sản xuất, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tập trung hướng dẫn nông dân chăm sóc và thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện, chủ động các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại.

Nông dân huyện Đông Hưng tỉa dặm, bắt ốc bươu vàng trên lúa xuân.

Có mặt trên cánh đồng thôn Lương Phú, xã Tây Lương (Tiền Hải) những ngày này, chúng tôi thấy được không khí tấp nập, khẩn trương chăm sóc lúa xuân của nông dân nơi đây. Ông Ngô Văn Quân cho hay: Vụ xuân này tôi cấy trên 2 mẫu, nhờ gieo cấy đúng khung thời vụ cộng với thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho lúa bén rễ, hồi xanh nhanh và đang bật lá nõn. Theo khuyến cáo của cán bộ HTX, tôi tiến hành tỉa dặm, bón thúc lần 1, đồng thời thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện các đối tượng gây hại cho lúa như chuột, ốc bươu vàng.

Là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề của bệnh lùn sọc đen ở vụ mùa năm 2017, Thái Thọ (Thái Thụy) đã hoàn thành gieo cấy 300ha lúa xuân trước ngày 25/2. 

Ông Phạm Văn Cao, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho việc gieo cấy và chăm sóc lúa xuân, nông dân đã hoàn thành bón nhử đối với lúa, đang tập trung tỉa dặm để bảo đảm mật độ trước khi lúa đẻ nhánh. Rút kinh nghiệm từ vụ mùa vừa qua, để phòng, trừ bệnh lùn sọc đen xuất hiện, gây hại trở lại, ngay từ khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cho gieo cấy lúa xuân đã được chính quyền, HTX quan tâm chỉ đạo. Trước khi gieo vãi, HTX đã chỉ đạo nông dân tổ chức phun phòng rầy trên tất cả bờ mương, bờ ruộng; một tuần sau khi gieo phun cho lúa bằng các loại thuốc nội hấp. Tổ bảo vệ thực vật gồm 5 người duy trì hoạt động kiểm tra đồng ruộng vào thứ ba hàng tuần, khi vào chiến dịch phun trừ sâu bệnh kiểm tra 2 buổi/tuần, vào thứ ba và thứ sáu để kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại.

Bám sát chỉ đạo của ngành Nông nghiệp, huyện Vũ Thư đã chỉ đạo và triển khai tập huấn, tuyên truyền để người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu giống sang các giống chất lượng cao, thay đổi phương thức, tập quán canh tác đồng thời chỉ đạo triển khai gieo cấy đúng khung thời vụ. Đến ngày 25/2, các địa phương trong huyện cơ bản hoàn thành gieo cấy, trong đó 55% là giống lúa chất lượng cao, còn lại là giống lúa năng suất cao như TBR225, Thái Xuyên 111… Huyện chỉ đạo các địa phương khuyến cáo nông dân tập trung chăm sóc lúa đúng quy trình kỹ thuật theo từng giống lúa, các đơn vị thủy nông, HTXNN có kế hoạch bơm nước tưới dưỡng cho lúa kịp thời, hợp lý, tạo thuận lợi cho việc tỉa dặm, chăm sóc, giúp lúa đẻ nhánh tập trung.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Đối với cây lúa, bà con thực hiện chăm sóc và bón phân theo phương châm cân đối giữa đạm, lân và kali; bón “nặng đầu, nhẹ cuối”, tập trung bón thúc lần 1 xong trước ngày 10/3, sau đó tùy theo từng trà, từng giống lúa, từng chân đất có biện pháp chăm sóc bổ sung đối với ruộng lúa sinh trưởng kém, biểu hiện thiếu dinh dưỡng để thúc đẩy sinh trưởng và khả năng đẻ nhánh của lúa. Bảo đảm đủ nước dưỡng lúa, tạo điều kiện tối đa cho lúa đẻ nhánh. Nông dân cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng, trừ sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn và đặc biệt chú ý tới bệnh lùn sọc đen, khi thấy có cây lúa bị lùn, lá dày xanh đậm, đâm chồi nhiều cần nhổ bỏ và vùi ngay xuống bùn để diệt nguồn bệnh, phun thuốc trừ rầy bằng các loại thuốc nội hấp; tiếp tục chiến dịch diệt chuột và ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công và hóa học.

 Lưu Ngần


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày