Thứ 4, 24/07/2024, 01:18[GMT+7]

Gặp mặt thân nhân liệt sĩ và cựu chiến binh tiêu biểu trực tiếp chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa

Thứ 4, 14/03/2018 | 14:18:59
436 lượt xem
Sáng ngày 14/3, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tổ chức gặp mặt thân nhân liệt sĩ và CCB tiêu biểu trực tiếp chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cho thân nhân liệt sĩ và cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988.

Dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh, Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và thân nhân liệt sĩ, CCB tỉnh Thái Bình trực tiếp chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng của trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc ngày 14/3/1988. Cách đây 30 năm, vào giữa tháng 3/1988, các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và Trung đoàn Công binh 83 (Quân chủng Hải quân) được lệnh hành quân về cụm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa để làm nhiệm vụ. Sáng ngày 14/3/1988, các tàu chiến Trung Quốc lao đến dùng pháo lớn bắn vào tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, tàu HQ-605 ở đảo Len Đao và tàu HQ-505 ở đảo Cô Lin. Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Việt Nam, nổ súng vào bộ đội ta. Trong sự kiện 14/3/1988, Hải quân nhân dân Việt Nam tổn thất 3 tàu bị bắn cháy, chìm, 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương, 9 chiến sĩ bị bắt giữ 3 năm sau mới được trả về quê hương. 

Sự kiện chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 30 năm trôi qua, sự hy sinh của 64 chiến sĩ trong trận chiến Gạc Ma đã luôn nhắc nhở thế hệ trẻ về chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm. Sự cống hiến đó đã trở thành những tấm gương bất tử, sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, để thế hệ hôm nay và mai sau nguyện nối tiếp truyền thống vẻ vang của cha anh, kiên cường bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cho thân nhân liệt sĩ và cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Thái Bình là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, đóng góp nhiều sức người, sức của cho các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Toàn tỉnh có trên 52 nghìn người con quê hương đã hy sinh, 32 nghìn thương, bệnh binh đã hiến dâng một phần xương, máu, gần 5.500 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 50 nghìn gia đình có công với nước và gần 30 nghìn người nhiễm chất độc da cam/dioxin... Cuộc chiến đấu bảo vệ Trường Sa cách đây 30 năm là cuộc chiến đấu khốc liệt, điển hình cho sự chiến đấu quả cảm, anh dũng hy sinh quên mình của các cán bộ, chiến sĩ để giữ vững chủ quyền biển, đảo của nước ta. Chính sự hy sinh to lớn đó đã giữ cho Tổ quốc của chúng ta có được như ngày hôm nay. Buổi gặp mặt cũng như các hoạt động tri ân khác là dịp để chúng ta tưởng nhớ, ghi ơn công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ vì tự do của nhân dân, vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ sự mất mát, đau thương với các gia đình liệt sĩ, đã sinh ra những người con anh hùng của quê hương để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc; mong muốn các gia đình coi đây là niềm tự hào của gia đình và của quê hương, động viên con cháu tiếp tục vững bước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ. 

Đồng chí cũng đề nghị Hội CCB tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo tới các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, nhất là các gia đình liệt sĩ hy sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa; tạo mọi điều kiện tốt nhất để gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống. Các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là đoàn thanh niên làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng tới thế hệ trẻ hôm nay nhận thức sâu sắc về giá trị lịch sử, tiếp bước cha anh đi trước, góp sức xây dựng quê hương, đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.

Đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã kịp thời động viên, thăm hỏi, trao quà trong các dịp lễ, tết và hứa sẽ tiếp tục phát huy huy truyền thống gia đình, tích cực lao động sản xuất, công tác, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Lãnh đạo Hội CCB tỉnh trao kỷ vật của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Vũ Huy Lễ, nguyên Thuyền trưởng tàu HQ-505 cho Bảo tàng tỉnh.

Nhân dịp này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội CCB tỉnh, Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trao các phần quà cho gia đình liệt sĩ và CCB tham gia chiến đấu bảo vệ Trường Sa.


Ông Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Công tác “đền ơn, đáp nghĩa” là một trong những hoạt động thiết thực, thường xuyên của Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhằm phát huy phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, góp phần sẻ chia những hy sinh mất mát, khó khăn của những người lính đã hy sinh xương máu để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hoạt động còn thể hiện tấm lòng nhân ái của tập thể người lao động dầu khí trong công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và các CCB. Mỗi năm, ngoài tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà đối tượng chính sách nhân các dịp lễ tết, Hội đã phối hợp vận động xây dựng, sửa chữa trên 100 nhà tình nghĩa với trị giá 50 triệu đồng/căn tặng các gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn.


Bà Tô Thị Mín (mẹ liệt sĩ Mai Văn Tuyến), xã Tây An (Tiền Hải)

Mới đó mà đã 30 năm rồi. Tôi còn nhớ ngày con trai khoác balô lên đường nhập ngũ, nó nói: Bu ở nhà cứ yên tâm, hết giặc, con sẽ về, vậy mà nó đã mãi mãi ra đi ở tuổi 21, đến bây giờ cũng không đưa được hài cốt về với đất mẹ. Tôi hiến dâng đứa con thân yêu cho Tổ quốc để có được như ngày hôm nay đó cũng là niềm tự hào của tôi, gia đình tôi và những người mẹ, người vợ như tôi.


Ông Nguyễn Văn Thuyến, nguyên chiến sĩ cơ điện tàu HQ-505, xã Mê Linh (Đông Hưng)

Là người lính trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Trường Sa trên con tàu HQ 505 tròn 30 năm trước, chứng kiến sự tàn bạo của quân xâm lược và sự hy sinh anh dũng của anh em đồng đội, chúng tôi đã biến lòng căm thù bằng hành động, kiên quyết bảo vệ tàu, bảo vệ đảo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để gìn giữ hải đảo của Tổ quốc mà trong đó có phần máu thịt của đồng đội tôi. 30 năm trôi qua sức khỏe có phần giảm sút, không còn được minh mẫn do chấn thương, có chuyện tôi nhớ, có chuyện tôi đã quên nhưng trận chiến đấu ngày 14/3/1988 luôn là kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời mà tôi không bao giờ quên được.


Anh Trần Hoài Nam (con  trai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Đức Thông), xã Minh Hòa (Hưng Hà)

Đến nay đã 30 năm rồi, dù bận mải công việc nhưng năm nào chúng tôi cũng dành thời gian từ Hà Nam về quê để làm giỗ cho bố cũng đồng đội của bố vào ngày 27/1 (âm lịch). Tôi rất xúc động khi được tham dự buổi gặp mặt hôm nay. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh luôn là động lực để chúng tôi vượt qua mất mát, đau thương; đồng thời cũng là dịp để chúng tôi chia sẻ những kỷ niệm, ký ức về người cha, người anh của mình. Đối với bố tôi, chúng tôi luôn tự hào về bố - người lính Hải quân nhân dân Việt Nam.


Chị Nguyễn Thị Thơm, Phó Bí thư Tỉnh đoàn

Được cùng các CCB ôn lại những câu chuyện lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ Trường Sa cách đây 30 năm, tôi hiểu rõ hơn về từng tấc đất biển, đảo nơi Trường Sa thân yêu có được hôm nay đã thắm máu đào lớp lớp những người đi trước như thế nào. Đặc biệt hơn, được tận mắt nhìn thấy những kỷ vật, tư liệu lịch sử được các nhân chứng hiến tặng Bảo tàng tỉnh, tôi càng thấy trân quý giá trị của hòa bình. Những kỷ vật đó sẽ là nơi giáo dục sức mạnh dân tộc, tinh thần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.


Thiên Ân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày