Thứ 3, 31/12/2024, 06:15[GMT+7]

Đông Hưng chăm sóc lúa xuân đúng cách, đúng thời điểm

Thứ 6, 16/03/2018 | 10:50:35
771 lượt xem
Ngay sau cấy xong, nông dân huyện Đông Hưng tập trung chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh để lúa phát triển thuận lợi, tạo tiền đề cho một vụ xuân thắng lợi.

Nông dân Đông Hưng tập trung làm cỏ, sục bùn, tạo điều kiện cho lúa phát triển.

Trên xứ đồng thôn Đà Giang (xã Nguyên Xá), nhiều nông dân đang tích cực tỉa dặm, bón thúc, làm cỏ, bơm nước, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân. 

Bà Nguyễn Thị Nụ cho biết: Do giai đoạn đầu ảnh hưởng của rét đậm nên lúa sinh trưởng chậm so với các năm trước. Tranh thủ thời tiết ấm, gia đình tôi tập trung ra đồng tỉa dặm, nhổ cỏ, bón thúc để lúa sinh trưởng, phát triển tốt. 

Trên các xứ đồng của các xã Mê Linh, An Châu, Phú Lương, bà con nông dân cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa xuân bảo đảm đúng thời điểm, đúng cách. Bà Phạm Thị Thơm, thôn Hậu (xã Mê Linh) cho biết: Gieo cấy xong 2 mẫu ruộng, tôi vẫn thường xuyên ra đồng để thăm lúa, giữ nước từ 2 - 3cm trên mặt ruộng. Bón thúc kết hợp làm cỏ, sục bùn cho mặt ruộng tơi xốp, thông thoáng, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển nhanh. Quy trình và lượng phân bón lúa tôi đều tuân thủ đúng hướng dẫn của HTX và của nhà sản xuất. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích lúa của gia đình đang phát triển tốt. Vụ xuân năm 2018, Mê Linh gieo cấy 367,5ha. Do chủ động bảo đảm đủ lượng giống, đổ ải sớm, chỉ đạo tốt khâu làm đất, gieo vãi và cấy lúa nên xã hoàn thành kế hoạch gieo cấy trước ngày 25/2. 

Ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vụ xuân năm nay Mê Linh giảm được 10% diện tích gieo thẳng so với vụ trước để giảm tình trạng phun thuốc trừ cỏ, góp phần bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của tỉnh. UBND xã cũng chỉ đạo HTX DVNN tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ngay sau cấy xong tập trung thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa theo đúng hướng dẫn, thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh, chuột phá hoại để phòng, chống kịp thời.

Hiện một số diện tích lúa ven đường lớn, gần các nhà máy, xí nghiệp, nghĩa trang… đã bắt đầu có hiện tượng chuột phá hoại. Bà con nông dân đã chủ động dựng hàng rào nilon để bảo vệ lúa xuân song đây chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất. 

Bà Đặng Thị Hòa, thôn Lê Lợi, xã Đông Xuân cho rằng: HTX DVNN xã phải đứng lên thuê đội chuyên diệt chuột để tổ chức đánh chuột đồng loạt khắp các cánh đồng bằng cả phương pháp đặt bả và bắt thủ công thì hiệu quả mới cao. Việc dựng hàng rào nilon hoặc các gia đình tự đặt thuốc diệt chuột vừa tốn tiền vừa mất nhiều thời gian mà không mấy hiệu quả.

Vụ xuân năm 2018, huyện Đông Hưng gieo cấy 11.626ha lúa, trong đó gieo thẳng 2.000ha. Thời tiết âm u như giai đoạn hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại phát sinh, lây lan trên diện rộng, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen, đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ… Vì thế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo nông dân cần tập trung chăm sóc, bảo vệ, duy trì mực nước trên mặt ruộng, không bón các loại phân có hàm lượng đạm cao khi nhiệt độ trung bình ngày dưới 150C. Khi trời ấm cần tranh thủ tỉa dặm và bón thúc theo phương pháp “nặng đầu nhẹ cuối” bằng các loại phân NPK chuyên thúc để lúa bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh thuận lợi. Với diện tích gieo thẳng từ khi gieo đến khi lúa 2,5 - 3 lá cho nước láng mặt ruộng và dùng đạm để bón nhử theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đặc biệt, HTX DVNN và bà con nông dân tích cực thăm đồng, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại lúa để có biện pháp phòng, trừ kịp thời, bảo đảm cho lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tạo tiền đề cho một vụ xuân thắng lợi cả về năng suất lẫn sản lượng.

Thu Hiền