Chủ nhật, 24/11/2024, 12:31[GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Australia

Thứ 7, 17/03/2018 | 07:37:11
799 lượt xem
Chiều 16/3, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Australia, sự kiện xúc tiến đầu tư quan trọng nhất trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã diễn ra tại Sydney với sự tham dự của Ngài James McGrath (Giêm Mắc-Grát), Thượng nghị sỹ, Trợ lý Bộ trưởng Thủ tướng Australia và hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp Australia tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đặc biệt, ngay tại Diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức Chính phủ hai nước đã cùng chứng kiến 18 văn bản ghi nhớ hợp tác đầu tư được trao đổi giữa các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam–Australia. 

Diễn đàn do Cơ quan thương mại Australia phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức và được chia thành 2 phiên gồm: Đối thoại chính sách giới thiệu về chính sách pháp luật các lĩnh vực đầu tư, thương mại, tài chính và phiên kết nối doanh nghiệp. 

Trong phát biểu chào mừng, Thượng nghị sỹ James McGrath, Trợ lý Bộ trưởng Thủ tướng Australia, bày tỏ vinh dự cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp hai nước nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngài Thượng nghị sỹ cho rằng Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động và có mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Australia và Australia là đối tác lớn thứ 7 của Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới đây. Các nhà đầu tư Australia đã đầu tư 1,9 tỷ USD vào Việt Nam. 

Với việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, Thượng nghị sỹ James McGrath bày tỏ tin tưởng kim ngạch thương mại hai nước sẽ còn tiếp tục tăng. Cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa ký kết sẽ mang lại lợi ích toàn diện cho các bên tham gia và là lực đẩy để thúc đẩy cải cách kinh tế trên toàn khu vực. 

Là quốc gia hàng đầu về tài chính và ngân hàng, Australia có chuyên môn về quản lý vốn, khai khoáng. Bên cạnh đó Australia còn có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là khoa học nông nghiệp với khoảng 2/3 hàng hóa xuất khẩu từ thịt bò, rượu vang, sữa đều là sản phẩm chất lượng cao và có giá trị gia tăng cao. Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 về nông nghiệp của Australia. Người tiêu dùng Việt Nam rất ưa thích sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của các trang tại Australia. Một lĩnh vực khác cũng khẳng định sự gắn kết giữa hai nước là giáo dục với tỷ lệ ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập tại Australia và Việt Nam là nhóm sinh viên quốc tế đông thứ 4 của Australia. 

Thượng nghị sỹ James McGrath cũng cho rằng đã đến  lúc các doanh nghiệp của Australia cần nhanh chóng tìm hiểu thị trường Việt Nam, tránh bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Trong quá trình đó, 300.000 Việt kiều ở Australia là cầu nối ngắn nhất giúp hai bên kết nối, tìm hiểu lẫn nhau. Thượng nghị sỹ James McGrath bày tỏ mong muốn đón nhiều nhà đầu tư Việt Nam đến với Australia. 

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và gửi lời chào thân thiết đến các doanh nghiệp là người Australia và người Australia gốc Việt có mặt tại Diễn đàn. Cảm ơn và trân trọng trên 100 người dù không có chỗ ngồi nhưng vẫn đứng tham dự diễn đàn, Thủ tướng cho rằng điều này nói lên quy mô hợp tác hết sức tốt đẹp giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Australia. 

Bày tỏ vui mừng trước số lượng 18 văn kiện được trao đổi tại diễn đàn, trong số đó có kế hoạch mở đường bay thẳng của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet của Việt Nam đến Australia, Thủ tướng nhấn mạnh đây là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước. 

Đề cập đến 2 sự kiện quan trọng liên quan đến quan hệ thương mại hai nước là việc nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược và việc hai nước cùng ký kết Hiệp định CPTPP, Thủ tướng cho rằng, đây là những cơ sở thuận lợi để mở ra một chân trời mới trong hợp tác song phương trong thời gian tới. 

Thông tin đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự diễn đàn, Thủ tướng cho biết Australia thuộc top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, năm 2017 đạt kim ngạch khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016 và gia tăng nhanh chóng thời gian qua. Cán cân thương mại giữa hai nước là cân bằng. Các doanh nghiệp Australia đã đầu tư vào Việt Nam hơn 400 dự án với tổng số vốn trên 2 tỷ USD, vào các lĩnh vực như chế biến, chế tạo, nông lâm thủy sản, dịch vụ y tế giáo dục. Việt Nam là điểm đến ưa thích của khách du lịch Australia với tỷ lệ  năm 2017 đạt 400.000 người. Các đường bay liên tục được mở rộng, hạ tầng chất lượng du lịch được nâng cấp hứa hẹn làm tăng mạnh lượng du khách Australia đến với Việt Nam. 

Cho rằng thông tin về Việt Nam đến với doanh nghiệp Australia còn ít, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy giao lưu, quảng bá, trao đổi thông tin, rút ngắn quy trình, thủ tục để nhanh chóng hiện thực hóa tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa hai bên. 

Thủ tướng cho rằng kim ngạch thương mại hai chiều 6,5 tỷ USD là còn rất khiêm tốn so với tiềm năng hai nước và chính các doanh nghiệp, doanh nhân là những người sẽ giúp thúc đẩy tiềm năng này. Thủ tướng cũng cho biết còn nhiều doanh nghiệp thuộc top 500 của thế giới là người Australia chưa đến Việt Nam. Do đó, các cơ quan xúc tiến đầu tư hai nước cần quan tâm, thúc đẩy để có tổng mức đầu tư lớn hơn; sao cho tương xứng với tiềm năng và khát vọng phát triển của nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Australia đến với thị trường đầy triển vọng của Việt Nam. 

Nhấn mạnh đến thành tựu kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đang thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới với mức 6,81% năm 2017 và quý I/2018 là 7,41%, kỳ vọng cả năm 2018 đạt từ 7 đến 7,5%. Việt Nam đang nỗ lực duy trì mức tăng trưởng liên tục để mang lại các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Ngoài ra, với quy mô dân số trên 93 triệu người, Việt Nam có sức mua lớn. Đặc biệt là cấu trúc dân số trẻ nên có tính hấp dẫn đối với sản xuất hàng tiêu dùng. Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện tích cực và nhanh chóng, thể hiện ở dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng rất mạnh với 25.000 dự án với tổng vốn đăng ký trên 320 tỷ USD, tương đương 145% GDP. Năm ngoái FDI vào Việt Nam đạt gần 36 tỷ USD, cao nhất 10 năm qua. 

Bên cạnh đó, Việt Nam có nền tảng Internet mạnh, là cơ hội lớn để nhà đầu tư kết nối hàng hóa sản phẩm đến người tiêu dùng. Hiện Việt Nam có 54% dân số sử dụng Internet, đứng thứ 5 châu Á -Thái Bình Dương. Đến năm 2020 sẽ có 8/10 người sử dụng điện thoại di động… Một lợi thế nữa là chính sách ưu đãi. Hiện thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chỉ là 20% và sẽ giảm còn 15% theo lộ trình cải cách thuế sắp tới để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang áp dụng chính sách thuế ưu đãi dành cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao và những ngành, lĩnh vực giải quyết nhiều việc làm. Đáng chý ý, Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước tạo cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài tham gia nắm cổ phần chi phối và là nhà đầu tư chiến lược. 

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết giữ vững môi trường vĩ mô, ổn định các yếu tố như: Lạm phát, tỷ giá, sử dụng linh hoạt công cụ tài khóa và tiền tệ để nâng đỡ nền kinh tế; tiếp tục cải thiện chất lượng thể chế, thúc đẩy pháp quyền, nâng cao quản trị nhà nước nhằm duy trì nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. 

Việt Nam kêu gọi nhà đầu tư Australia hãy “nhanh chân đến Việt Nam”, “nhanh tay chọn lấy cho mình cơ hội kinh doanh đang rộng mở”. 

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao đổi 18 văn bản hợp tác và kinh doanh giữa các doanh nghiệp và cơ quan hai nước trong nhiều lĩnh vực như: Năng lượng, hợp tác xúc tiến đầu tư, thúc đẩy kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp hai nước; lĩnh vực hàng không; vận tải hàng hải; nông nghiệp, giáo dục, dịch vụ cảng…/. 

Theo: dangcongsan.vn