Thứ 6, 03/01/2025, 05:16[GMT+7]

Tập trung chăm sóc lúa xuân

Thứ 2, 19/03/2018 | 09:01:15
1,008 lượt xem
Lúa cấy cần chủ động làm cỏ, giữ mực nước hợp lý, xử lý cỏ dại tại các bờ vùng, bờ thửa. Đồng thời, khuyến cáo nông dân cách phòng, trừ dịch bệnh cho lúa ngay từ khi mới phát sinh. Chỉ đạo đài truyền thanh cơ sở tăng cường thông tin về một số sâu bệnh thường phát sinh ngay từ đầu vụ để bà con nông dân nắm bắt, chủ động trong việc chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh.

Nông dân xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) chăm sóc lúa xuân.

Sau khi hoàn thành gieo cấy 11.700ha lúa xuân, thời điểm này, nông dân Quỳnh Phụ đang tập trung chăm sóc đồng thời chủ động phòng, trừ sâu bệnh, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Vụ xuân năm 2018, trong tổng số 375ha lúa xuân của xã Quỳnh Hoàng, HTX DVNN Tân An chiếm 156ha. Không quản những ngày giáp tết, chấp hành đúng khung lịch thời vụ, từ ngày 14 - 28/2, xã viên HTX đã tập trung xuống đồng gieo cấy với cơ cấu chính gồm các giống Thiên ưu 8, BC15, TBR-1, TBR225. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa xuân của HTX đang đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt, nông dân địa phương đang tập trung diệt trừ ốc bươu vàng và bọ trĩ xuất hiện trên một số diện tích. Trên cánh đồng thôn Ngõ Mưa, ông Trần Quang Thảo chia sẻ: Vụ xuân năm nay gia đình tôi cấy 9 sào, chủ yếu là giống lúa TBR-1 có năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Do thời tiết vụ xuân thuận lợi, HTX làm tốt công tác thủy nông, nông dân chấp hành tốt đề án sản xuất, đồng thời tập trung chăm sóc ngay sau cấy nên lúa của gia đình đang sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay tôi đang bón bổ sung NPK để giúp lúa đẻ nhánh tập trung. Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của HTX, bà con nông dân chú ý duy trì mực nước ruộng hợp lý, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, bắt ốc bươu vàng, kịp thời phòng, trừ sâu bệnh hại lúa.

Một màu xanh no ấm của 214ha lúa xuân với các giống BC15, TBR225, TBR-1, Thiên ưu… đang phủ kín các xứ đồng xã Quỳnh Khê. Ông Hoàng Xuân Pha, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Từ ngày 12 - 26/2, nông dân Quỳnh Khê tập trung xuống đồng gieo cấy, đến thời điểm này toàn bộ diện tích lúa xuân của địa phương sinh trưởng và phát triển tốt, lúa đang tập trung đẻ nhánh rộ. Hiện tại, bà con nông dân đang tập trung tỉa dặm cho các diện tích gieo vãi, trừ ốc bươu vàng, bọ trĩ xuất hiện trên lúa xuân đồng thời đẩy mạnh công tác diệt chuột đúng đợt theo chủ trương của HTX. Bên cạnh đó, các tổ nông giang và các trạm bơm điều tiết nước hợp lý giúp lúa sinh trưởng, đẻ nhánh thuận lợi. Vụ xuân năm 2018 thời tiết khá thuận lợi, kết hợp với việc chấp hành tốt đề án sản xuất, làm tốt công tác thủy nông, dịch vụ nông nghiệp…, chúng tôi tin chắc sẽ giành thắng lợi.

Cùng chung niềm tin ấy, ông Vũ Văn Tân, thôn Trung Linh chia sẻ: Gia đình tôi cấy 2 mẫu lúa xuân gồm các giống BC15 và Thiên ưu 8. Nhờ tự trang bị máy nông cụ nên sản xuất vụ xuân năm nay tiết kiệm được nhiều thời gian, sức lao động, nâng cao năng suất. Ngay sau khi cấy xong, ngoài việc chủ động giữ nước cho lúa, tôi tập trung bón thúc khi lúa bén rễ hồi xanh để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ cho biết: Phát huy thành tích năm 2017, năng suất lúa xuân toàn huyện đạt 72,54 tạ/ha, là vụ xuân đạt năng suất lúa cao nhất tỉnh, ngay sau khi hoàn thành gieo cấy lúa xuân, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật tăng cường bám sát cơ sở, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh hại lúa cho nông dân các địa phương, tạo tiền đề quan trọng để Quỳnh Phụ giành thắng lợi trong sản xuất vụ xuân năm 2018.

Nông dân Tiền Hải tập trung chăm sóc lúa xuân.

* Huyện Tiền Hải có 10.230ha lúa xuân được gieo cấy trong khung thời vụ, lúa đang phát triển tốt. Hiện nay, Tiền Hải đã và đang tích cực tuyên truyền đến nông dân thường xuyên thăm đồng, tổ chức chăm sóc lúa xuân giai đoạn đầu.

Ông Hoàng Minh Tản đang tập trung chăm sóc cho 8 sào lúa BC15 của gia đình tại cánh đồng thôn Thượng (Tây Lương) chia sẻ: Để bảo đảm cho lúa xuân phát triển tốt, thời gian qua, tôi đã tích cực thăm đồng, tập trung bón phân cân đối cho lúa phát triển. Bước vào sản xuất vụ xuân gia đình tôi và bà con nông dân đã được HTX tổ chức các lớp tập huấn về cách chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân như cách chăm bón giai đoạn đầu bảo đảm lúa bén rễ, hồi xanh không bị ngộ độc và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.

Ông Phan Đình Du, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Nam Thắng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND xã, thời gian qua HTX đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất. Trước khi bước vào sản xuất vụ xuân, HTX chủ động kiểm tra, tu sửa máy bơm, nạo vét mương máng, khơi thông dòng chảy các sông trục, sông dẫn. Phối hợp với các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc lúa xuân, sử dụng phân bón NPK, thuốc bảo vệ thực vật, trong đó HTX đã nhập 40 tấn phân bón NPK, đạm urê... và thuốc bảo vệ thực vật cung ứng cho bà con nông dân để chủ động chăm sóc cho 281ha lúa xuân.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Vụ xuân thường chịu tác động không thuận về thời tiết, nhất là tình trạng thiếu nước và hay bị nhiễm mặn tại một số xã ven biển. UBND huyện chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh cơ sở thông tin kịp thời diễn biến của thời tiết, tình hình sản xuất để nhân dân biết và thực hiện. Chủ động ứng phó với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở một số xã ven biển bảo đảm cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển nhanh, an toàn. Ngoài ra, Tiền Hải đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các lớp tập huấn về quy trình chăm sóc lúa xuân, sử dụng phân bón giúp nông dân nắm vững kiến thức chủ động trong sản xuất. Yêu cầu các HTX có kế hoạch lấy nước hợp lý, không để lãng phí nước, đặc biệt là các xã cuối nguồn. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương tổ chức bơm nước bảo đảm nguồn nước tốt cho nông dân chăm sóc lúa xuân. 

Đối với diện tích gieo sạ được bố trí gọn vùng, chủ động nguồn nước tưới thích hợp, tiến hành tỉa dặm đúng mật độ tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh sớm; bón phân thúc đợt 1 khi lúa đạt 4 - 5 lá. Lúa cấy cần chủ động làm cỏ, giữ mực nước hợp lý, xử lý cỏ dại tại các bờ vùng, bờ thửa. Đồng thời, khuyến cáo nông dân cách phòng, trừ dịch bệnh cho lúa ngay từ khi mới phát sinh. Chỉ đạo đài truyền thanh cơ sở tăng cường thông tin về một số sâu bệnh thường phát sinh ngay từ đầu vụ để bà con nông dân nắm bắt, chủ động trong việc chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, bảo đảm cho cây lúa phát triển an toàn trong thời kỳ đẻ nhánh. Ngoài ra, các địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về buôn bán hàng giả, hàng không có trong danh mục được phép lưu hành.


Trịnh Cường - Mạnh Thắng



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày