Thuận Tân: Một làng hai xã
Lập làng nơi đồng hoang
Gần 44 năm đã qua nhưng bà Phạm Thị Xuyến (87 tuổi), thôn Thuận Tân vẫn nhớ như in một ngày tháng 7 âm lịch năm 1974 bởi đó là ngày vợ chồng bà dắt theo 4 đứa con thơ đến cánh đồng Ngần để khai hoang, lập nghiệp. Ông bà vốn gốc người làng Thuận Vi (Bách Thuận), nhà đông anh em, ruộng vườn chật hẹp. Trong khi đó, cánh đồng Ngần thấp trũng ở đất Tự Tân cách đó gần chục cây số ruộng đất bao la nhưng lại bị bỏ hoang. Năm 1974, có chủ trương của tỉnh, huyện, gia đình bà Xuyến cùng với gia đình ông Dịu và ông Tưởng là những hộ đầu tiên xung phong đến mảnh đất này.
Bà Xuyến chia sẻ: Ngày ấy, cả cánh đồng Ngần mênh mông chỉ toàn cỏ lăn, sậy, um tùm, hoang vắng. Ba gia đình bắt đầu công cuộc khai hoang. Ông nhà tôi cùng với các con hàng ngày đi phát cỏ hoang, dùng manh chiếu kéo đất chỗ nọ đắp lên chỗ kia, thành gò đất cao để dựng cái nhà rạ. Tôi trồng lúa, trồng khoai. Nhưng đồng trũng, làm nhiều mà chẳng thu được bao nhiêu, cả nhà quanh năm đói túng. Mấy năm sau, lác đác có một vài hộ đến khai hoang nhưng cuộc sống khổ cực quá, họ không chịu được nên bỏ đi. Riêng ba gia đình chúng tôi vẫn kiên trì bám trụ, vừa khai hoang để sản xuất vừa ổn định cuộc sống. 10 năm sau (năm 1984) thì có khoảng 20 hộ ở Thuận Tân. Cái tên làng Thuận Tân là sự kết hợp của Thuận Vi và Tự Tân.
Ông Trịnh Văn Minh, Bí thư Chi bộ thôn Thuận Tân cho biết, năm 1991 ông đưa gia đình từ làng quê Thuận Vi đến cánh đồng Ngần lập nghiệp. Những năm ấy, cả làng Thuận Vi mới vẫn thưa thớt, làng chưa có điện, chưa có đường đi, chỉ men theo những bờ ruộng để vào nhà. Gia đình ông Minh nhận hẳn 1 khu ruộng hoang rộng rãi, giữa cánh đồng để dựng nhà, làm ruộng, sau này nhiều người đến ở lập thành “xóm đảo”. Các gia đình đều kiên trì vượt khó quật lập, dần dần ruộng hoang hóa, chiêm trũng biến thành ruộng sản xuất, đất vườn thổ, ao thả cá, sự sống bắt đầu nảy nở ở mảnh đất này. Khoảng 20 năm trở lại đây, đông đảo các gia đình ở làng quê Thuận Vi (Bách Thuận) và một số hộ dân ở các xã Minh Lãng, Hiệp Hòa (Vũ Thư), thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) cũng quần tụ về làng lập nghiệp, tạo thành làng Thuận Vi mới - Thuận Tân trù phú, đông đúc với trên 80 hộ, thay thế cho cánh đồng hoang vu, hẻo lánh trước kia.
Dựng xây cuộc sống mới
Cái thế khó của đồng hoang, chiêm trũng không làm nhụt chí người dân Thuận Tân. Những năm đầu lập làng, bà con kiên trì cải tạo đồng ruộng dựng nhà ở và chăm chỉ sản xuất, cấy lúa, trồng đỗ, ngô, khoai, nuôi trâu, bò cải thiện cuộc sống.
Ông Trịnh Văn Minh cho biết thêm: Năm 1993, Chi bộ thôn Thuận Tân được thành lập với 3 đảng viên, từng bước lãnh đạo bà con phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Đến năm 2000, hệ thống điện được kéo về thôn, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Đặc biệt, năm 2004, chủ trương của tỉnh, huyện và xã khuyến khích bà con chuyển đổi ruộng trũng thành các mô hình vườn, ao, chuồng là một động lực lớn giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế. Đến nay, ngoài hơn 30ha lúa, người dân trong thôn có khoảng 10ha vườn, 4ha ao. Nghề trồng hoa truyền thống của quê hương Thuận Vi được bà con “kéo” về làng mới, hầu hết các hộ trồng hoa có thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng/hộ mỗi năm.
Anh Trịnh Văn Tình chia sẻ: Từ ruộng cấy kém hiệu quả, hơn 10 năm nay gia đình tôi chuyển đổi, lập gia trại nuôi gà, lợn, trồng hoa mẫu đơn và trồng 3 sào hoa cúc, thược dược, tổng thu nhập mỗi năm đạt từ 100 - 150 triệu đồng. Gia đình tôi có điều kiện xây dựng nhà cửa, mua sắm ti vi, tủ lạnh, máy giặt, cuộc sống khấm khá, khác xa thời bố mẹ tôi mới đến lập nghiệp ở làng.
Ông Trịnh Văn Khoa, Trưởng thôn Thuận Tân cho biết: Thôn hiện có 82 hộ với gần 300 nhân khẩu. Nếu trước kia đời sống bà con vô cùng nghèo khổ thì giờ đây 70% số hộ trong thôn vươn lên khá, giàu, hầu hết các hộ có đủ các đồ dùng, trang thiết bị gia đình hiện đại, 100% hộ sử dụng nước sạch, thôn chỉ còn 1 hộ nghèo. Từ năm 2003, nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn làm nơi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, những năm qua, bà con đồng thuận đóng góp từ 1 - 2,5 triệu đồng/khẩu để mở rộng, cứng hóa 100% tuyến đường trục thôn, đường rong, ngõ xóm theo tiêu chí nông thôn mới. Thay vì men theo bờ ruộng nhỏ hẹp như trước, giờ đây hệ thống đường giao thông của thôn rất khang trang, thuận tiện, diện mạo nông thôn đổi thay rõ nét. 5 năm liền (2012 - 2017) Thuận Tân đạt danh hiệu thôn văn hóa.
Nghĩa tình hai quê
Hầu hết người Thuận Tân có gốc từ làng Thuận Vi nên phong tục, tập quán, nét sinh hoạt, sản xuất mang đậm dấu ấn của người làng vườn. Dù cách xa gần 10km nhưng những ngày giỗ chạp, lễ, tết, người làng Thuận Tân vẫn trở về “trên quê”, tức làng Thuận Vi để sum vầy cùng họ hàng. Tuy không “bán anh em xa” nhưng người làng Thuận Tân vẫn chú trọng “mua láng giềng gần” với dân làng Phú Lễ Thượng, xã Tự Tân.
Bà Phạm Thị Xuyến chia sẻ: Suốt mấy chục năm qua, nhờ có sự động viên, giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất của bà con làng Phú Lễ Thượng nên người dân Thuận Tân mới vượt qua được khó khăn, xây dựng cuộc sống no ấm. Mỗi đám hiếu, hỉ, việc vui, buồn của mỗi gia đình ở hai thôn đều có sự sẻ chia với nhau, giúp tình người thêm ấm áp.
Ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận cho biết: Do vị trí địa lý của thôn nằm xa, cách biệt với địa bàn xã nên những năm qua người dân Thuận Tân cũng gặp một số khó khăn, trở ngại, nhất là khi thực hiện các thủ tục hành chính ở xã. Hiểu được điều này, địa phương luôn động viên, khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho bà con vươn lên phát triển kinh tế, thực hiện các thủ tục hành chính. Xã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các trường xã Tự Tân tạo điều kiện cho trẻ em trong thôn được theo học tại trường bạn. Ngoài xã Bách Thuận, mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự của thôn Thuận Tân còn có sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền xã Tự Tân. Thuận Tân - “một làng hai xã” vì lẽ đó.
Từ cánh đồng hoang, giờ đây Thuận Tân đã trở thành làng quê trù phú, tốt tươi. Những vườn hoa rực rỡ khoe sắc trong nắng xuân, thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng khang trang là minh chứng rõ nét cho tinh thần vượt khó của các thế hệ dân làng Thuận Tân.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Cách làm càng ghẹ rang me siêu ngon tại nhà 22.11.2024 | 19:07 PM
- Kiến Xương: Tổng kết công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân năm 2024 22.11.2024 | 19:04 PM
- Thành phố: Tăng cường bảo đảm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường 22.11.2024 | 19:06 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- VFF đặt mục tiêu giành 2 suất dự World Cup trong năm 2025 22.11.2024 | 17:10 PM
- Hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại thuốc lá 22.11.2024 | 17:06 PM
- Hội nghị tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Giá năm 2023 22.11.2024 | 17:04 PM
- Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số 22.11.2024 | 16:14 PM
- Tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm trên không gian mạng 22.11.2024 | 16:14 PM
- Tập huấn cán bộ chủ chốt hội cựu chiến binh toàn tỉnh 22.11.2024 | 16:15 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh