Chủ nhật, 22/12/2024, 19:34[GMT+7]

Tiền Hải: Vi phạm Luật Đê điều diễn ra phổ biến

Thứ 2, 02/04/2018 | 09:06:22
1,920 lượt xem
Trước mùa mưa bão năm 2018, huyện Tiền Hải đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra chất lượng các công trình đê, kè, cống. Theo đánh giá của các ngành chức năng, hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn huyện tương đối bảo đảm, đáp ứng công tác phòng, chống lụt, bão. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn huyện vẫn diễn ra phổ biến.

Tập kết rác trên mái đê cửa tả sông Hồng Hà đoạn qua địa phận xã Nam Hà (Tiền Hải).

Huyện Tiền Hải được bao bọc bởi hệ thống đê cửa sông, đê biển với tổng chiều dài khoảng 53km. Trong đó có 26km đê biển, còn lại là hệ thống đê cửa sông. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, hệ thống đê, kè, cống của huyện thường xuyên được đầu tư, tu bổ, đặc biệt là chương trình củng cố, nâng cấp và bảo vệ tại các điểm xung yếu trên tuyến đê biển số 5, số 6. Nhìn chung, tuyến đê biển số 5, số 6 có thể bảo đảm chống đỡ những cơn bão mạnh cấp 10 với mực nước triều cường trung bình. Đê cửa sông tả Hồng Hà và đê cửa sông hữu Trà Lý về cơ bản cũng đã đủ cao trình, mặt cắt. Tuy nhiên, trên đê cửa sông tả Hồng Hà đoạn từ cống Tân Lập đến K1 thuộc địa phận xã Nam Hải cao trình mặt đê còn thấp so với thiết kế từ 0,5 - 1m; trên đê cửa sông hữu Trà Lý đoạn từ K6+350 đến K6+800 thuộc địa phận xã Tây Lương mặt đê hiện rộng từ 4 - 5m, còn thiếu so với thiết kế từ 1 - 2m.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy vẫn còn một số xã ven sông, ven biển chưa chú trọng công tác bảo vệ đê, kè, cống, nhất là việc ngăn chặn vi phạm Luật Đê điều như để người dân tự ý làm nhà, hàng quán, đào xẻ đê; chất tải vật liệu xây dựng lên đỉnh kè, mái đê và cơ đê; đổ rác thải, đào lấy đất trong hành lang bảo vệ đê, trồng cây trên mái đê… Điển hình như tình trạng làm nhà, công trình phụ, lều quán trên mái đê và chân đê tại các xã Nam Hải, Nam Hồng thuộc đê cửa sông tả Hồng Hà. Tình trạng đào đất trong hành lang bảo vệ đê tại các xã Vũ Lăng, Đông Quý, Đông Trà thuộc đê cửa sông hữu Trà Lý. Xây tường dậu, mố cầu tại các xã Đông Hải, Đông Long, Đông Minh thuộc đê biển số 6. Tình trạng xe cơ giới chở hàng quá tải trọng cho phép chạy trên đê làm hư hỏng mặt đê tại các xã Tây Lương, Đông Quý, Đông Trà thuộc đê cửa sông hữu Trà Lý. Đổ rác thải lên mái đê tại các xã Nam Hải, Nam Hồng thuộc đê cửa sông tả Hồng Hà… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Đê điều hiện nay là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính quyền một số xã nơi có tuyến đê đi qua chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật; việc ngăn chặn, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết dẫn đến tình trạng nhiều vụ vi phạm cũ chưa được giải quyết dứt điểm đã phát sinh các vụ vi phạm mới.

Ông Dương Văn Quyền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Qua kiểm tra thực tế, huyện đã yêu cầu các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến của 15 trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê. Đối với các hư hỏng của công trình thủy lợi, đề nghị Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện có trách nhiệm sửa chữa xong trước ngày 30/4/2018. Bên cạnh đó, đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình theo dõi và xây dựng phương án xử lý đối với các công trình do Công ty quản lý. Để bảo đảm an toàn các công trình trong mùa mưa bão, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã nơi có hành vi vi phạm Luật Đê điều tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hành lang an toàn các tuyến đê đồng thời giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm Luật Đê điều. Trong thời gian tới, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở rộng cơ đê phía trong đồng để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê trong mùa mưa bão. Các ngành chức năng tiếp tục bố trí kinh phí để tu bổ, sửa chữa các trọng điểm xung yếu, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão năm 2018 và những năm tiếp theo.

Phạm Hưng