Thứ 6, 03/01/2025, 04:18[GMT+7]

Hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ

Thứ 4, 04/04/2018 | 08:28:52
2,973 lượt xem
Để hạn chế cỏ trong canh tác lúa, thay vì các biện pháp thủ công, nhiều năm trở lại đây, nông dân Thái Bình nói riêng, nông dân cả nước nói chung đã sử dụng thuốc trừ cỏ. Không chỉ trên diện tích gieo thẳng, thuốc trừ cỏ được nông dân sử dụng rộng rãi trên cả lúa cấy, trên bờ ruộng, bờ mương máng. Việc lạm dụng thuốc trừ cỏ không chỉ làm tăng chi phí mà còn ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, môi trường, là rào cản cho xuất khẩu lúa gạo.

Sử dụng thuốc trừ cỏ dọn sạch bèo trên sông.

Có mảnh ruộng hơn 2 sào nằm ven quốc lộ 39B, để dọn sạch cỏ ven bờ, tránh nơi trú ngụ của chuột, gia đình ông Đỗ Xuân Hậu, xã Phú Châu (Đông Hưng) lựa chọn cách phun thuốc trừ cỏ. Bởi theo ông đây là cách tiết kiệm thời gian, công sức mà cỏ lại lâu mọc lại. Đối với cấy lúa, cũng nhiều năm nay ông không còn làm cỏ thủ công, sau khi cấy từ 3 - 5 ngày, ông mua thuốc diệt cỏ về phun hoặc trộn với cát để rắc. Không chỉ riêng ông Hậu, nhiều nông dân đã và đang lạm dụng thuốc trừ cỏ trong canh tác nhằm giảm công lao động. Không khó để bắt gặp hình ảnh người nông dân mang bình phun thuốc trừ cỏ trên bờ ruộng, bờ mương.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ xuân năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 8.000ha lúa gieo thẳng sinh trưởng chậm, lá gốc đỏ, cây còi cọc. Một trong những nguyên nhân tình trạng lúa chậm phát triển do ngộ độc thuốc trừ cỏ. Việc sử dụng thuốc trừ cỏ không theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng lúc, đúng cách), lạm dụng thuốc trừ cỏ đang ngày càng gia tăng,

Mục tiêu của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến. Một trong những yếu điểm của phương pháp gieo thẳng trong canh tác lúa chính là sử dụng nhiều thuốc trừ cỏ. Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật làm giảm tính cạnh tranh của lúa gạo. Chính vì vậy, giảm dần diện tích gieo thẳng, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ sản xuất lúa theo hệ thống canh tác cải tiến SRI, 3 giảm 3 tăng, hàng rộng, hàng hẹp được khuyến khích từ vụ xuân năm 2018.

Bà Phạm Thị Hiên, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Để hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ, trong canh tác lúa cần thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp cây lúa khỏe, át sinh trưởng của cỏ dại. Khâu làm đất cần làm sớm, kỹ, vệ sinh đồng ruộng tốt; xử lý tàn dư trên đồng ruộng bằng các chế phẩm. Điều tiết nước cho cây lúa cũng đóng vai trò quan trọng, giai đoạn đầu vụ, khi vừa gieo cấy, lúa chưa kịp phát triển, dinh dưỡng để dư thừa, ánh sáng nhiều, nếu ruộng không có nước kết hợp làm đất “xổi” cỏ sẽ mọc nhanh, nhất là ruộng lúa gieo thẳng. Vì vậy, đối với lúa gieo thẳng cần giữ ẩm đến khi cây lúa lên được trên 2 lá có thể cho nước láng chân, tuyệt đối không để ruộng khô hạn; tùy từng giai đoạn sinh trưởng của lúa mà điều tiết nước theo công thức nông - lộ - phơi. Việc bón phân cân đối, vừa đủ sẽ hạn chế lượng dư thừa, cắt nguồn dinh dưỡng của cỏ dại. Từng bước chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ để vừa có sản phẩm sạch, vừa duy trì môi trường sinh thái bền vững là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Bên cạnh đó cần nêu cao vai trò của các đoàn thể trong việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc trừ cỏ nói riêng an toàn, hạn chế.

Những hệ lụy từ việc lạm dụng thuốc trừ cỏ đối với sức khỏe con người, môi trường sinh thái chắc hẳn ai cũng rõ. Thiết nghĩ các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, tránh việc sử dụng thuốc tràn lan, đặc biệt là mua, sử dụng thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc, để tránh những thiệt hại cho sản xuất, môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày