Chủ nhật, 05/01/2025, 08:28[GMT+7]

Thái Thụy, Kiến Xương: Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Thứ 2, 09/04/2018 | 09:02:53
1,422 lượt xem
Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh lây lan, bảo đảm sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, hiện nay, các xã, thị trấn trong huyện Thái Thụy, Kiến Xương đang đồng loạt triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2018.

Tiêm vắc-xin phòng các bệnh đỏ cho lợn tại xã Thụy Dương (Thái Thụy).

Cũng như nhiều hộ chăn nuôi ở xã Thụy Dương, hàng năm, cứ vào thời điểm giao mùa, gia đình anh Bùi Văn Thiều, thôn Đoài luôn chủ động thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại, đồng thời thực hiện tiêm phòng đúng định kỳ cho đàn lợn theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Nhờ vậy mà đàn lợn của gia đình anh luôn có sức đề kháng tốt để phòng, chống các loại dịch bệnh vào thời điểm giao mùa. 

Anh Thiều cho biết: Từ năm ngoái tới nay, do giá lợn hơi sụt giảm mạnh nên tôi đã giảm quy mô chăn nuôi lợn thịt từ 70 - 100 con/lứa trước đây xuống còn hơn 30 con/lứa hiện nay. Tuy nhiên, dù có nuôi với số lượng ít hơn tôi vẫn luôn chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn. Trong đợt tiêm phòng này, tôi đã tiêm vắc-xin phòng các bệnh đỏ cho cả đàn lợn gồm: bệnh tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, đóng dấu lợn. Đây là những bệnh mà đàn lợn rất thường hay mắc phải nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, tôi còn chủ động tiêm thuốc bổ trợ để tăng sức đề kháng cho đàn lợn nuôi.

Xã Thụy Dương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn tại huyện Thái Thụy với gần 2.000 con lợn, hơn 32.000 con gia cầm, 100 con trâu, bò... 

Ông Bùi Văn Dôi, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2018, toàn xã tiêm vắc-xin phòng bệnh đỏ cho đàn lợn với tỷ lệ đạt trên 95%; tiêm vắc-xin cho đàn gia cầm phòng các bệnh newcastle, dịch tả cho toàn đàn; đàn trâu, bò tiêm bệnh tụ huyết trùng, long móng lở mồm và tiêm phòng bệnh dại cho đàn cho chó,mèo trên tổng toàn đàn. Từ ngày 26/3, địa phương đã tiếp nhận vắc-xin từ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện để thực hiện tiêm phòng, đến nay đạt gần 60% trên tổng đàn vật nuôi. 4 tổ tiêm phòng do UBND xã thành lập đang tiếp tục tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên toàn xã và phấn đấu hoàn thành kế hoạch tiêm phòng trước ngày 15/4.

Chăn nuôi lợn tại Thái Thụy.

Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Thái Thụy đạt gần 1 triệu con, trong đó đàn lợn 76.115 con, đàn trâu, bò 5.837 con, đàn gia cầm 822.437 con, đàn chó, mèo 22.211 con. Theo kế hoạch, các địa phương trong huyện sẽ thực hiện đồng loạt tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2018 từ ngày từ 25/3 đến 15/4/2018. Ngoài ra, các địa phương tổ chức tiêm bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm nuôi mới, đến tuổi tiêm phòng và tiêm sót trong đợt tiêm chính. Đợt tiêm phòng này, toàn huyện phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng các bệnh đỏ cho đàn lợn đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò, bệnh dại chó mèo tăng từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm 2017; tỷ lệ tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc đạt 90% trở lên. Đối với đàn gia cầm tiêm phòng các bệnh newcastle, dịch tả cho toàn đàn và tiêm phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn gia cầm giống, đẻ trứng của các trang trại và nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Theo bà Đàm Thị Việt Anh, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thái Thụy: Để công tác tiêm phòng diễn ra thuận lợi, Trạm đã chủ động cung ứng, quản lý, hướng dẫn, cấp phát vắc-xin cho các địa phương theo tiến độ tiêm phòng, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định trong việc vận chuyển, bảo quản và sử dụng. Đến nay, Trạm đã cấp phát các loại vắc-xin cho 48 xã, thị trấn trong huyện gồm: 29.965 liều vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn, 7.935 liều phòng bệnh tụ dấu, 18.490 liều phòng bệnh phó thương hàn, 8.900 liều phòng bệnh lở mồm long móng, 590 liều tụ huyết trùng trâu, bò, 4.200 liều phòng bệnh dại. Trong những ngày tới, Trạm sẽ tiếp nhận thêm các loại vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu, bò, bệnh dại để tiếp tục cấp phát cho các xã, thị trấn để tổ chức tiêm phòng theo đúng kế hoạch đề ra.

Để kết quả tiêm phòng vắc-xin vụ cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2018 đạt kết quả cao, huyện Thái Thụy đã và đang tích cực chỉ đạo ngành chức năng phân công cán bộ chuyên môn xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức công tác tiêm phòng, đồng thời kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai, thực hiện tiêm vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kế hoạch tiêm phòng để nhân dân nắm được, nâng cao nhận thức và tự giác thực hiện.  

Tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng cho đàn trâu, bò.

Cứ vào thời điểm giao mùa (xuân hè), nguy cơ dịch bệnh lại bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm. Ông Nguyễn Minh Vượng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kiến Xương cho biết: Một số dịch bệnh theo mùa thường xuất hiện trong vụ xuân hè: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, đóng dấu, phó thương hàn ở đàn lợn, trâu, bò, dê; bệnh dại ở đàn chó, mèo và bệnh cúm ở đàn gia cầm. Để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, duy trì nghề chăn nuôi và bảo đảm việc làm, thu nhập cho bà con nông dân, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất.

Tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện Kiến Xương hiện có hơn 115.000 con lợn, trong đó có 29.573 con lợn nái; 5.333 con trâu, bò và hơn 1 triệu con gia cầm, thủy cầm các loại. Trước khi tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh, các địa phương đã triển khai thống kê và phân loại đối tượng thuộc diện phải tiêm và thông báo lịch tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi để phối hợp thực hiện. 

Ông Bùi Quang Hưng, thôn Hưng Đạo, xã Bình Minh (Kiến Xương) chia sẻ: Qua nghe đài truyền thanh xã tôi hiểu được ý nghĩa, tác dụng của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Biết hôm nay cán bộ thú y xã đi tiêm, tôi chủ động ở nhà để tổ chức tiêm phòng cho đàn lợn nái và lợn thịt theo quy định. Được nhà nước hỗ trợ vắc-xin tiêm phòng bệnh lở mồm long móng và các bệnh đỏ cho đàn lợn và bệnh lở mồm long móng  cho đàn trâu, bò, dê, bà con chúng tôi rất phấn khởi.

Để công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả, UBND huyện Kiến Xương đã sớm triển khai kế hoạch và yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức thực hiện đồng loạt tiêm đại trà từ ngày 25/3 - 15/4. Các địa phương chủ động bảo đảm vật tư, phương tiện và nhân lực tổ chức tiêm phòng theo hình thức “cuốn chiếu” nhằm tránh bỏ sót đàn. Quá trình tiêm phòng, chú trọng việc bảo quản vắc-xin an toàn; tiêm đúng, đủ lượng thuốc theo từng đối tượng gia súc, gia cầm theo quy định. 

Ông Bùi Xuân Trường, cán bộ thú y xã Bình Minh chia sẻ: Nhận thức của các hộ chăn nuôi về công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm được nâng lên nên việc triển khai tiêm phòng rất thuận lợi và nhanh chóng. Toàn xã có 400 con lợn nái, 250 con lợn thịt, 50 con trâu, bò và khoảng 400 con chó, mèo thuộc diện phải tiêm phòng. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành tiêm phòng trước ngày 10/4 bảo đảm trước mùa phát sinh dịch bệnh.

Ở các xã có nghề chăn nuôi phát triển như Bình Định, Vũ Hòa, Thanh Tân, Quốc Tuấn, Vũ Công, Quang Trung... công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm diễn ra nhanh, đúng quy trình kỹ thuật, an toàn, hiệu quả. Đến nay, đã có hơn 60% đàn gia súc, gia cầm được tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh. Hiện nay huyện Kiến Xương đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn tập trung tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi, phấn đấu kết thúc đợt tiêm đại trà có từ 90% đàn gia súc, gia cầm được tiêm đủ các loại vắc-xin theo quy định. Hàng tháng, tiếp tục tiêm bổ sung đối với đàn gia súc, gia cầm chưa tiêm và đàn nhập nuôi mới để hạn chế tới mức thấp nhất dịch bệnh phát sinh. 

Ông Nguyễn Minh Vượng cho biết thêm: Ngoài tổ chức tốt công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăm sóc và vệ sinh, tiêu độc khử trùng lán trại, môi trường chăn nuôi để phòng tránh dịch bệnh phát sinh gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

Trần Tuấn - Khắc Duẩn