Thứ 4, 08/01/2025, 11:22[GMT+7]

Điểm cao 384: 10 ngày quyết tử

Thứ 2, 16/04/2018 | 08:50:48
6,601 lượt xem
“Tất cả các đồng chí quàng khăn quyết tử lên đầu”. Ngày hôm nay sẽ diễn ra những trận đánh ác liệt nhất. Trong trận quyết chiến một mất một còn này, anh em ta sẽ có thể hy sinh hết. Nhưng chính lúc này là lúc Đảng, nhân dân và Tổ quốc yêu cầu chúng ta nhiều nhất. Các em có làm được điều anh nói không?

Ảnh minh họa.

Đó là cuộc hội ý khi Trung đội chốt chỉ còn lại 4 tay súng và trong trận đánh quyết tử này Chuẩn úy Nguyễn Tiến Liễu, một người con ưu tú của quê hương Đồng Phú (Đông Hưng) đã anh dũng hy sinh. 

Xin được trích ghi lại 10 ngày quyết tử trên điểm cao 384 địa bàn xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định từ ngày 9/4/1972 đến ngày 18/4/1972 qua nhật ký của cựu binh Dương Văn Minh, người duy nhất còn lại sau trận đánh.

Người viết cuốn nhật ký điểm cao 384 là cựu binh Dương Văn Minh, quê xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, người đã cùng với 11 đồng đội với vũ khí bộ binh thông thường thực chiến quyết tử 10 ngày đối mặt với một tiểu đoàn lính đánh thuê Nam Triều Tiên được trang bị vũ khí hiện đại của Mỹ và sự yểm trợ của máy bay ném bom, pháo kích của địch, quyết giữ điểm cao 384 (địa bàn xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Kìm chân Sư đoàn “Mãnh hổ” Nam Triều Tiên không cho chúng ứng cứu chiến trường Bắc Bình Định và Tây Nguyên.

Ngày mùng 9 tháng 4 năm 1972

...Sau hai ngày cắt rừng lội suối, hôm nay tới đây Suối Đồng Tre. Trung đội trưởng Liễu bảo anh em chúng tôi “cố gắng ngủ nốt buổi chiều còn lại kẻo lên chốt rồi muốn ngủ cũng không ngủ được nữa”. Chạng vạng tối, Trung đội lại hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đường lên điểm cao 384 cheo leo vô cùng hiểm trở, dốc đá dựng đứng, lối mòn luồn giữa dây rợ chằng chịt, 8 anh em lầm lũi bám nhau leo lên điểm cao, trên lưng người ít nhất cõng 45kg vũ khí đạn dược, lương khô, nước uống, riêng Nông Văn Thu to khỏe mang tới 60kg mà vẫn đi trước đội hình, lên tới đỉnh 384 điểm lại Trung đội đủ cả 8 anh em: Liễu, Thu, Khương, Bình, Du, Hiển, Thực, Ninh. Anh Liễu quán triệt: Tuyệt đối giữ bí mật. Anh chỉ tay về phía mỏm núi phía Đông Nam trận địa và nói các cậu đã nhìn thấy thằng Sô Đô rồi chứ? Kẻ thù chính của anh em ta đó. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là không còn kịp để rút kinh nghiệm đâu. Cấm nói to, cấm va động mạnh, cấm phát ra ánh sáng. Phải tuyệt đối giữ bí mật đến giờ G ngày N và mệnh lệnh tiếp theo của Trung đội trưởng Liễu là đào công sự chuẩn bị chiến đấu.

Ngày mùng 10 tháng 4...

Buổi sáng, tập trung ngụy trang thật khéo để che mắt thằng Sô Đô nằm ngay trước mặt chỉ cách chốt non nghìn mét. Buổi chiều, địch bắn pháo vào khu vực chiến trường, dọc hai bên đường 19 có vài ba quả pháo rơi trên sườn trước 384. Xẩm tối, anh Soạn Đại đội trưởng và Chính chiến sĩ liên lạc lên chốt, quân số Trung đội tăng lên 10 người. Tôi được lệnh sẵn sàng chiến đấu, cảnh giới cho toàn chốt. Bây giờ mới có dịp quan sát kỹ chiến trường. Con đường 19 chạy từ Đông sang Tây dọc hai bên đường các chốt điểm của địch nằm cách nhau đều đặn: Trái Tim, Mâm Xôi, Hòn Ngang, Hòn Kiểng… Đối diện với 384 phía Đông Nam là thằng Sô Đô với một tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên và như vậy chỉ về lực lượng thôi chúng tôi một phải chọi với 15 - 20 tên địch. Đêm xuống Đại đội trưởng Soạn phổ biến tình hình và xác định quyết tâm chiến đấu. Cuối buổi họp anh Liễu bật mí: “Đêm nay chính thức là đêm N giờ G là không giờ ngày 11 tháng 4. Tin tuyệt mật chỉ lính chốt mới được biết”.

Ngày 11 tháng 4...

Lại qua một đêm thức trắng làm công sự cật lực nữa, đến sáng nay chúng tôi đã thiết kế xong hệ thống phòng ngự, hầm tránh pháo, công sự chiến đấu của các tổ, tất cả liên kết với nhau bằng thông hào hình vành khăn khép kín trên đỉnh 384… Đêm qua tiếng súng mở màn đã nổ, các trận địa pháo địch bắn như điên như dại vào mọi phía. Đường 19 chính thức đã bị cắt huyết mạch giao thông quan trọng của địch nối Tây Nguyên với đồng bằng và ngược lại đã bị quân ta bóp chẹt. Gần trưa pháo địch nã vào 384, ngồi trong hầm tránh pháo, ngón tay trỏ bịt chặt nòng súng sợ cát rơi làm súng hóc, mắt vẫn phải căng theo dõi ra ngoài nếu giấy rơi loạn xạ là địch bắn pháo giấy cho bộ binh tấn công, phải lập tức đứng dậy mà đánh trả, hoặc pháo chuyển làn phải trở lại vị trí chiến đấu. Tiếng pháo của địch gầm rú xé màng nhĩ, mảnh đạn bay kêu vo vo như muỗi, nhớ ra rồi. Việc nó, nó bắn. Bắn nhiều chưa chắc đã trúng, trúng nhiều chưa chắc đã bị, bị nhiều chưa chắc đã bị nặng. Bị nặng chưa chắc đã chết. Yên chí, đâu khắc có đó mà.

Ngày 12 và ngày 13 tháng 4...


Vẫn là những chờ đợi căng thẳng chiếc trực thăng HV.IA chở đầy bọn lính Nam Triều Tiên bí mật luồn qua các vách núi, bất ngờ xuất hiện trước mắt chúng tôi, hạ dần độ cao, một vài tên lính xuất hiện nơi cửa. Tôi xách AK nhảy ra ngoài công sự, nhả đạn xối xả vào khoang cửa máy bay. Ba, bốn tên lính ăn đạn ngã nhào xuống đất…

Ngày 14 tháng 4...

Trung đội được tăng cường thêm 2 tay súng là Kiều Minh Toán và một người khác nữa nhưng người này đã thoái thác nhiệm vụ dọc đường. Hạ sĩ Kiều Minh Toán mới 21 tuổi, đảng viên quê ở Ba Vì, Hà Tây, nhìn dáng dấp của Toán tôi cảm phục anh và sớm nghĩ rằng anh có thể làm nên chuyện ở điểm cao này... Có tiếng đề pa đầu nòng và tiếng rít rợn người. Pháo, sau một ngày rưỡi đi vắng trở về vẫn món thường ngày, kẻ thù đang trút bão lửa lên Trung đội chốt 384 và những tên lính Nam Hàn lố nhố xuất hiện trên bãi bom, một số tên núp trong bụi rậm phía xa đủ tư thế: đứng, ngồi, khom thấp, khom cao trước họng súng chúng tôi. Bắn! Tiếng Đại đội trưởng Đồng Xuân Soạn vang lên, toàn trận địa rền vang tiếng súng, khói, lửa. Tiếng người gào thét ầm ầm náo động. Những âm thanh đặc biệt của chiến trận chỉ có người thực chiến mới hiểu mà thôi. Tiếng trung liên của Du gầm lên đĩnh đạc, thêm phát B41 của Toán một tốp địch bị quét ngã nhào, sườn 384 nhan nhản xác giặc. Không gian trên đỉnh 384 bị băm nát.

Ngày 15 tháng 4...

Sau một ngày quần nhau với lũ Nam Hàn và thêm một đêm mất ngủ củng cố trận địa. Mệt, thèm ngủ, khát nước và không thèm ăn, lương khô khét mùi thuốc đạn. Trung đội trưởng Liễu bảo: “Hãy cố mà ăn đi các em, phải ăn mới có sức mà trụ giữ chốt, nếu không ăn thì sao giữ nổi chốt nữa”. Tôi ngồi cảnh giới giữa tan hoang xơ xác của trận địa, ngụy trang lên người bằng cách đái vào đất bột rồi xoa lên đầu, lên người cho hợp màu đất trận địa. Địch lại tiếp tục oanh tạc, nghe tiếng đạn bay, đạn nổ có gì đó khang khác lúc đục, lúc trầm. Anh Liễu nói khẽ: Chỉ còn thiếu bom nguyên tử là chúng chưa bắn nữa thôi... Sang chiều, lũ Nam Hàn lại tấn công lên chốt, chúng chia thành nhiều tốp tiếp sức cho nhau, quấn chiếu ào lên chiếm chốt. Tất cả các đợt tấn công của địch đều bị bẻ gẫy. Tổn thất đã đến với Trung đội, Trung sĩ Nông Văn Thu, chàng trai người Tày ở Bản Nọng, Phú Lương, Bắc Thái hy sinh và tiếp đến Trung sĩ Nguyễn Văn Du xạ thủ trung liên, Hà Văn Bình và y tá Đào Duy Hiển cũng nằm lại chiến hào 384. Chúng tôi lặng lẽ cúi đầu vĩnh biệt 4 đồng đội thân yêu.

Ngày 16 tháng 4...

Trung đội 12 người 5 người hy sinh, 1 bị thương, Đại đội trưởng Soạn đi họp vắng chốt còn lại 5 người. Bảy giờ sáng địch lại tấn công, chúng dùng lựu đạn cay ném gần công sự và chiếm được một đoạn hào, dồn chúng tôi về một phía. Kiều Minh Toán chớp thời cơ vòng sau tung lựu đạn vào đoạn hào có địch rồi dùng AK quất thẳng nhiều tên giặc rú lên, số còn lại bỏ chạy. Toàn chốt lấy lại thế cân bằng. Buổi trưa, sau trận nã pháo của địch vào trận địa, bọn Nam Hàn lại tràn lên tấn công. Toán giữ cánh phải, anh Liễu hướng chính diện, tôi và Thực giữ cánh trái, Khương với khẩu B41 cơ động. Lợi dụng bờ đất Toán bò nhanh như sóc, một phát B41 khẩu trung liên của địch câm họng. Anh Liễu nói: Khi B41 phát hỏa địch sẽ tháo chạy, chờ chúng đứng dậy ta nhất loạt nổ súng và như dự đoán của Trung đội trưởng, những cái bia sống đang giãy dụa ngổn ngang chỉ cách chúng tôi chưa đầy trăm mét. Lại thêm Khương bị thương, Trung đội còn lại 4 tay súng. Đêm xuống, anh Liễu xuống núi nhận chỉ thị, Toán và Thực cũng xuống núi cõng thêm đạn cho trận chiến tiếp theo, mình tôi ở lại giữ chốt bên thi thể các đồng đội hy sinh chưa mai táng được. Thôi khất, sau trận sẽ khâm liệm các đồng đội tử tế…

Ngày 17 tháng 4… 

Thế là 9 ngày quần nhau liên tục với bọn Nam Hàn và đêm thứ 10 thức trắng lo củng cố công sự, cả 4 anh em mệt mỏi, đầu tóc phờ phạc, quần áo rách nát bẩn thỉu. Tôi nhận phần gác cho 3 người tranh thủ ngủ. Nhìn Trung đội trưởng Liễu tôi thấy yêu quý anh vô cùng, anh Liễu tuổi 42 với tập thể chốt anh là anh cả, trước khi đi đánh giặc anh là thầy giáo, anh Liễu đĩnh đạc và gan dạ chỉ huy chiến đấu bình tĩnh, anh là chỗ dựa tinh thần, là ngọn cây cao để chúng tôi noi theo. Với quân thù anh là con hùm xám, từng gieo nỗi kinh hoàng lên đầu quân giặc, có mặt ở vị trí nào là phía đó lũ giặc bị anh trừng trị. Với tôi, anh Liễu là người thầy, người anh, người chỉ huy, người đồng đội có một không hai trong đời chiến binh.

Ngày 18 tháng 4...

Từ 3 giờ sáng Trung đội trưởng Liễu xuống núi nhận chỉ thị vừa lên chốt là họp. Phiên họp đặc biệt chỉ có 4 người. Anh Liễu bảo chúng tôi không còn có lực lượng chi viện nữa, “tất cả các đồng chí quàng khăn quyết tử lên đầu”. Ngày hôm nay sẽ diễn ra những trận đánh ác liệt nhất. Trong trận quyết chiến một mất một còn này, anh em ta sẽ có thể hy sinh hết. Nhưng chính lúc này là lúc Đảng, nhân dân và Tổ quốc yêu cầu chúng ta nhiều nhất. Các em có làm được lời anh nói không? Tất cả chúng tôi chít khăn lên trán và nắm chặt tay người chỉ huy thân yêu… Buổi sáng lại thêm Thực bị mảnh pháo văng vào đầu, chốt chỉ còn 3 người. Địch tấn công, lần này chúng tản rộng hò nhau xông lên. Bất chấp các loại đạn bắn về phía mình, Trung đội trưởng Liễu gác chân khẩu trung liên lên bờ hào đĩnh đạc nổ súng. Bọn giặc vẫn liều chết xông lên hướng chính diện, khẩu trung liên bị hóc, anh Liễu đứng thẳng lên bờ hào AK trong tay quất chính diện vào quân thù “điềm tĩnh, hiên ngang và dũng mãnh”. Khi những viên đạn cuối cùng từ khẩu AK của anh Liễu nã vào kẻ thù thì một loạt đạn đại liên của địch đã bắn trúng đầu anh, một nửa phần đầu bay đi mất. Anh Liễu từ từ quỵ xuống trong tư thế hiên ngang lúc đó là 15 giờ chiều ngày 18 tháng 4 năm 1972... Toán nói với tôi: Tao cảnh giới cho mày đặt anh Liễu nằm tạm chiến hào để anh yên nghỉ. Ngày 18 tháng 4 tôi mất thêm 2 đồng đội nữa là Đại đội trưởng Đồng Văn Soạn sau khi xuống núi trở về chỉ huy chốt và Kiều Minh Toán người đồng đội chiến đấu gan dạ và dũng cảm... Cả chốt còn lại một mình, tôi tận dụng hết nguồn sinh lực còn lại, cho dù trận này là trận cuối, nếu mình hy sinh thì địch phải chết nhiều hơn. Một tiếng nổ rung công sự .Tôi không hề hay biết gì nữa và khi tỉnh lại thấy mình đang nằm giữa bãi đất bột, hé ra một khoảng trời nho nhỏ trên đầu. Còn lại bao chút bình sinh tôi trườn người ra khỏi hố bom rút xuống tổ thông tin K63... Để có hôm nay viết những dòng nhật ký điểm cao 384 này kể về Trung đội trưởng Nguyễn Tiến Liễu và những người đồng đội của tôi đã phải chọi quân thù trong 10 ngày giữ chốt 384, họ mãi mãi nằm lại chiến trường vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)