Vũ Hạ lưu ký
Thời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210), xóm nhỏ làng Hạ dân cư dần đông đúc, để tiện cai quản đất đai, nhân sự, các bô lão trong xóm liền đệ trình quan huyện cho tách xóm, lập ấp. Được sự đồng ý của quan huyện Đa Dực, xóm nhỏ làng Hạ ấy được chuyển thành ấp, lấy tên là ấp Mụa nhưng vẫn trực thuộc Vạn Đường trang…
Tương truyền vào đầu triều Lý, đất Vạn Đường là thực ấp vua Lý ban thưởng cho một hoàng thân quốc thích trong triều vì có công đánh thắng quân Tống xâm lược. Trải qua triều đại Lý - Trần, xóm nhỏ thuộc Vạn Đường trang (tiền thân của làng Vũ Hạ nay) tách ra khỏi Vạn Đường trang và được quan huyện cho phép lập ấp, lấy tên là ấp Mụa (theo tên nôm Mụa nghĩa là mía, ấp trồng mía). Ấp Mụa ngày ngày được nhân dân khai khẩn, mở mang thành những cánh đồng thâm canh lúa nước, hoa màu tốt tươi đóng góp khối lượng quân lương lớn cho triều đình. Những cánh đồng màu mỡ như đồng Thiên, đồng Khuôn, đồng Đống, đồng Mai, đồng Túc, đồng Bái, đồng Yến, đồng Gia, đồng Tước… gợi nhớ một thuở hào hùng của dân tộc “thực túc, binh cường”.
Thời nhà Mạc thế kỷ XVI, nhằm khai thác lợi thế đất đai trù mật, dân cư đông đúc lại tiện đường phòng thủ, triều đình nhà Mạc bắt dân chúng khai sâu lạch nước giữa Vạn Phúc và ấp Mụa thành con sông Cô để lập tuyến phòng thủ. Sông Cô vô tình chia tách ấp Mụa với Vạn Đường trang. Rồi nhà Mạc thất thủ phải chạy lên Cao Bằng, công trình quân sự giao thông thủy bị bỏ dở nhưng con sông Cô đã vĩnh viễn chia cắt ấp Mụa khỏi Vạn Đường trang, làng Vũ Hạ cũng hình thành từ thuở ấy.
Vũ Hạ là tên gọi bắt nguồn từ bốn chữ vàng “Vũ ấp dân nghĩa” mà Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ban tặng nhân dân ấp Mụa đã có công lớn trong việc huy động quân lương giúp Hưng Đạo Đại Vương và nhà Trần ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Sơ khai là một xóm nhỏ của làng Hạ (1176) sau hơn 5 thế kỷ, đến thế kỷ XVI làng Vũ Hạ đã chính thức là một làng riêng biệt. Quá trình mở ấp, lập làng, hội tụ dân cư kéo dài nhiều thế kỷ đã tạo dựng dáng vẻ cổ kính của một làng quê.
Theo ngọc phả của làng, trong quá trình hội tụ dân cư, người dân bản địa luôn sẵn lòng đón đồng bào từ các nơi đến lập nghiệp, sinh sống, cùng nhau lao động chuyên cần, xây dựng làng ngày thêm trù phú. Làng thờ nhị vị thành hoàng là Lý Rong Xuyên và Trần Lôi Nhạc. Thành hoàng làng thứ nhất Lý Rong Xuyên đại vương đời Lý Cao Tông (1176 - 1210).
Tương truyền, mới 10 tuổi ngài đã học hành tinh thông, thi đỗ làm quan. Bấy giờ trong nước thường xảy ra lụt lội do đê điều bị vỡ, đường sá sụt lở nhiều nơi. Ngài vâng mệnh vua đem quân đi trị thủy, ngang qua Vạn Đường trang ngài dừng chân ở ấp Mụa thấy phong tục tốt đẹp, dân chúng no đủ bèn dựng doanh trại ở đây. Trị thủy xong, ngài về triều báo công rồi mất. Triều đình ban sắc phong làm Phúc thần, tôn hiệu là Rong Xuyên đại vương, sắc phong dân trang ấp Mụa dựng đền thờ, phong thành hoàng. Vị thành hoàng thứ hai là Trần Lôi Nhạc. Ngài tên húy là Ngạn, thi đỗ Cao đệ năm Bính Dần (1266), đời vua Trần Thánh Tông, được triều đình phong chức quan Đại phu. Làm quan được một thời gian, ngài cởi bỏ mũ áo từ quan, xin vua cho về sống ở ấp Mụa. Trước đó, ngài đã từng theo vua đi dẹp giặc Chiêm. Khi giặc Nguyên - Mông tràn sang cướp nước ta, ngài được cử làm Đốc tướng, có công đánh giặc giải vây cho vua Trần Nhân Tông ở Đông Bộ đầu. Sau đó ngài lại cùng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn giăng lưới sắt ở Lục Đầu Giang, chém được tướng giặc Nguyễn Bá Linh. Ngài về sống với dân ấp Mụa, hôm ấy ấp Mụa mở hội, đang cuộc vui bỗng dưng trời nổi giông gió, mây đen ùn ùn kéo đến, mưa như trút nước, đến đêm mưa gió yên hàn, dân làng không thấy ngài đâu, sáng ra thấy ngài đã hóa ở gốc đa ngoài quán.
Thời Nguyễn, làng Vũ Hạ thuộc tổng Vọng Lỗ, huyện Thái Ninh, quyền tự trị của làng lúc này được mở rộng, làng có hội đồng kỳ mục do nhân dân cử ra để điều hành công việc trong làng. Làng được chia làm bốn giáp gồm Đông, Tây, Nam, Bắc.
Khoảng những năm 1920 (thế kỷ XX) làng Vũ Hạ tiến hành công cuộc cải cách hương thôn do cụ Nguyễn Như Châu (nhân dân gọi cụ với cái tên thân mật là cụ Bá Châu) khởi xướng theo hướng của phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Hội đồng kỳ mục của làng được sắp xếp lại. Dòng họ nào cũng có người tham gia, mối đoàn kết trong làng được tăng cường, không xảy ra tình trạng bè phái giữa các dòng họ.
Đặc biệt, năm 1932, hội đồng kỳ mục của làng đã soạn được bản hương ước gồm 32 điều, trình lên quan tri huyện Phụ Dực, được quan Tổng đốc Thái Bình và quan Công sứ Thái Bình (người Pháp) chỉnh lý và phê chuẩn. Hiện bản hương ước của làng được lưu trữ tại Viện Hán Nôm. Kết quả thực hiện cải cách hương thôn theo hướng của phong trào Đông Kinh nghĩa thục, làng Vũ Hạ đã giảm bớt được một số sưu thuế, lệ ngạch phiền hà bất lợi cho nhân dân.
Vũ Hạ còn được biết đến là làng hát tuồng. Thập niên 60 của thế kỷ XX, đội tuồng Vũ Hạ có danh mục 23 vở diễn cả tuồng, chèo, có một số vở tiêu biểu như: Tam quốc diễn nghĩa (5 hồi), Phụng Nghi Đình, Mộc Quế Anh, Tiết Linh Sơn, Tiết giao đàn ngọc, Sơn Hậu (3 hồi), Thất huyền quyền, Bách đao từ hải thọ, Quân sư Dự Nhượng, Chiêu quân cống Hồ, Đề Thám, Lưu Bình - Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Trương Viên... Ngoài ra, Vũ Hạ còn có trò đánh gậy bảy, gậy ba và tục kể vè ngày tết. Tương truyền, trò đánh gậy tái hiện quá trình luyện quân của Hưng Đạo Đại Vương ở ấp Mụa.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Làng Vũ Hạ được nhân dân trong vùng biết đến bởi có gánh hát tuồng cổ. Theo ngọc phả của làng, cách ngày nay khoảng 500 - 600 năm làng đã có những gánh hát tuồng đi biểu diễn ở các làng, tổng trong huyện Phụ Dực và sang biểu diễn ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Từ xưa, Vũ Hạ nổi tiếng trong vùng vì giới nho sĩ trong làng có khả năng chơi chữ uyên thâm và nhân dân có tục nói lái. Trò đánh gậy làng Vũ Hạ là một môn võ thuật cổ truyền độc đáo, xuất phát từ quá trình luyện quân của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Thi đánh gậy đã trở thành trò chơi dân gian trong lễ hội làng được tổ chức vào dịp tết hoặc hội làng tháng 3 âm lịch. Ông Nguyễn Văn Tý, Bí thư Chi bộ thôn Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ Thời điểm năm 1945, làng Vũ Hạ chỉ có 107 hộ với 531 nhân khẩu. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làng Vũ Hạ có 21 người tham gia du kích, 51 người tham gia bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực, 21 người đã anh dũng hy sinh. Chính phủ đã tặng nhiều huân chương, huy chương kháng chiến các loại trong đó có 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và một số bằng khen. Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, làng có 130 thanh niên gia nhập quân đội, 2 chiến sĩ thanh niên xung phong, 32 người đã anh dũng hy sinh. Nhà nước phong tặng 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trao tặng 7 Huân chương Độc lập cho cán bộ, nhân dân làng Vũ Hạ đã có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước… Ông Nguyễn Xuân Triển, Trưởng thôn Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ Làng Vũ Hạ được UBND tỉnh công nhận “Làng văn hóa cấp tỉnh” năm 1999. Hiện nay, làng Vũ Hạ đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Từ xa xưa, nhân dân Vũ Hạ đã tạo nên truyền thống quý báu về lịch sử, văn hóa và đấu tranh chống giặc ngoại xâm, làng Vũ Hạ đã có một thời vàng son là một làng có cảnh quan đẹp và trù phú, nhân dân cần cù lao động, có trí thông minh, sáng tạo đời sống văn hóa, môi trường an lành, đoàn kết. Ông Cao Văn Nhậm, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ Xưa mỗi khi bị hạn hán, các xã phải rước thành hoàng làng về đền Bách Linh lập đàn đảo vũ cầu mưa, lần nào cũng vậy khi kiệu rước của làng Vọng Lỗ (cùng xã) đi đến ngã tư Vũ Hạ tự nhiên cứ lao thẳng vào đình Vũ Hạ, người khiêng kiệu không thể điều khiển được, sau một tuần lễ, kiệu của hai làng cùng về đền Bách Linh. Tương truyền, trong một trận chiến chống giặc ngoại xâm, thành hoàng làng Vọng Lỗ bị giặc bao vây. Thành hoàng làng Vũ Hạ cải trang thành một người con gái, dùng kế mỹ nhân giải vây cho thành hoàng làng Vọng Lỗ. Các vị cùng về vùng Phụ Phượng tìm đất để hiển linh, một người ở Vọng Lỗ và một người ở Vũ Hạ. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kết quả bàn thắng Bayern Munich vs Augsburg: 3-0 (Vòng 11 Bundesliga 2024/25) 23.11.2024 | 08:23 AM
- Kết quả bàn thắng PSG vs Toulouse: 3-0 (Vòng 12 Ligue 1 mùa giải 2024/25) 23.11.2024 | 08:23 AM
- Kỷ niệm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 23/11Phát huy vai trò của tổ chức xã hội nhân đạo 23.11.2024 | 08:23 AM
- Nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát 23.11.2024 | 08:24 AM
- Cách làm càng ghẹ rang me siêu ngon tại nhà 22.11.2024 | 19:07 PM
- Kiến Xương: Tổng kết công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân năm 2024 22.11.2024 | 19:04 PM
- Thành phố: Tăng cường bảo đảm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường 22.11.2024 | 19:06 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- VFF đặt mục tiêu giành 2 suất dự World Cup trong năm 2025 22.11.2024 | 17:10 PM
- Hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại thuốc lá 22.11.2024 | 17:06 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh