Thứ 7, 23/11/2024, 03:21[GMT+7]

Đông Kinh phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ 2, 16/04/2018 | 09:19:49
753 lượt xem
Khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên được Ban Chăn nuôi và Thú y xã hướng dẫn kỹ thuật, cấp phát vắc-xin miễn phí để tiêm phòng dịch bệnh. Ngoài ra, hàng tháng các thành viên còn được tham dự các lớp tập huấn miễn phí. Đây chính là tiền đề để duy trì và phát triển ngành chăn nuôi của xã theo hướng bền vững.

Gia đình ông Dịch thường xuyên vệ sinh chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh.

Toàn xã Đông Kinh (Đông Hưng) có 128 hộ chăn nuôi trên 4.700 con lợn. Để bảo đảm cho đàn lợn phát triển tốt, ngay sau tết Nguyên đán, Ban Chăn nuôi và Thú y xã đã chỉ đạo các hộ chăn nuôi bắt tay ngay vào việc vệ sinh chuồng trại, tìm mua con giống để tái đàn.

Gia đình ông Bùi Huy Dịch (thôn Kinh Nậu) có kinh nghiệm chăn nuôi lợn gần 5 năm nay. Với diện tích chuồng trại 3.600m2, ông Dịch duy trì nuôi 300 con lợn. Là người được mệnh danh “đi tắt, đón đầu” trong chăn nuôi lợn của xã nên năm vừa qua, mặc dù giá lợn xuống thấp nhưng gia đình ông vẫn thu lãi gần 50 triệu đồng do chọn được thời điểm bán thích hợp. Thời điểm hiện tại, gia đình ông đã tái đàn lứa một trong năm, duy trì tổng đầu lợn 300 con với 50 con lợn nái và 250 con lợn thịt. 

Ông Dịch cho biết: Ngoài việc bảo đảm thức ăn cho đàn lợn, gia đình tôi thường xuyên chú trọng vệ sinh chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh, nhất là ở thời điểm thời tiết giao mùa như hiện nay. Hiện tại, giá lợn hơi đã có dấu hiệu tăng trở lại, dao động từ 32.000 - 36.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi bắt đầu thu hồi được vốn. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, giá lợn hơi thời gian tới rất khó dự đoán do vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Như mọi năm, ngay sau khi xuất bán hết lứa lợn dịp tết, gia đình anh Lại Cao Khổn (thôn Lãm Khê) bắt tay ngay vào việc vệ sinh chuồng trại, tìm mua con giống để tái đàn cho vụ sản xuất mới. Tuy nhiên, năm nay, gia đình anh lại thực hiện tái đàn muộn. 

Chia sẻ về vấn đề này, anh Khổn cho biết: Năm nay, gia đình tôi rất thận trọng trong việc tái đàn để tránh rủi ro. Mặc dù giá lợn hơi đã có dấu hiệu tăng trở lại song vẫn khá bấp bênh. Hiện tại, gia đình tôi nuôi 6 con lợn nái và 30 con lợn thịt.

Đông Kinh là xã có truyền thống chăn nuôi. Chiếm 49% giá trị ngành nông nghiệp, chăn nuôi trở thành hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của xã. Năm 2014, xã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi theo hướng VietGAP, thu hút 37 hộ tham gia. Khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên được Ban Chăn nuôi và Thú y xã hướng dẫn kỹ thuật, cấp phát vắc-xin miễn phí để tiêm phòng dịch bệnh. Ngoài ra, hàng tháng các thành viên còn được tham dự các lớp tập huấn miễn phí. Đây chính là tiền đề để duy trì và phát triển ngành chăn nuôi của xã theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên đàn lợn như lở mồm long móng, đóng dấu, tụ huyết trùng..., đặc biệt, thời điểm hiện tại, dịch tai xanh đang có diễn biến hết sức phức tạp, Ban Chăn nuôi và Thú y xã đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân thấy được tính chất đặc biệt nguy hiểm của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, từ đó sử dụng các biện pháp phòng tránh như tiêm vắc-xin phòng bệnh, dùng vôi bột khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; dùng màn quây và xịt thuốc để chống muỗi, phát quang bụi rậm...

Ông Phan Văn Bắc, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Đông Kinh cho biết: Nếu như trước đây việc xuất bán lợn khá bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái thì hiện nay, để bảo đảm đầu ra cho bà con, xã vận động người chăn nuôi cải tạo đàn nái, nâng cao chất lượng lợn thương phẩm. Bên cạnh đó, địa phương có những cơ chế, chính sách nhằm thu hút các thương lái đến thu mua lợn, bảo đảm đầu ra tốt nhất cho bà con, hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, địa phương luôn khuyến cáo các hộ chăn nuôi nghiên cứu kỹ thị trường để duy trì chăn nuôi số lượng hợp lý, tránh tình trạng cung vượt cầu như thời gian vừa qua.

Thu Trang