Thứ 7, 23/11/2024, 03:01[GMT+7]

UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến về đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông và tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thứ 6, 20/04/2018 | 14:14:35
4,140 lượt xem
Sáng ngày 20/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về Đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2018; tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Với chủ trương gieo cấy hết diện tích đất lúa trước ngày 20/7; mở rộng diện tích cấy máy, loại bỏ phương thức gieo thẳng và cấy các giống lúa nhiễm bệnh bạc lá, nhiễm rầy, vụ mùa năm 2018 toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 79.000ha, năng suất đạt 61 tạ/ha trở lên, trong đó có khoảng 25.000ha lúa mùa sớm để tạo quỹ đất trồng cây vụ đông. Diện tích gieo trồng cây vụ đông năm 2018 phấn đấu đạt 36.000ha trong đó chú trọng các cây trồng theo lợi thế của từng địa phương. Để giành thắng lợi trong vụ mùa, vụ đông, một trong những giải pháp chủ đạo mà ngành Nông nghiệp đề ra là áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh lùn sọc đen một cách đồng bộ, quyết liệt.

Báo cáo tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 chỉ rõ, năm 2017 tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng. Các cơn bão, áp thấp nhiệt đới tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến Thái Bình nhưng gây ra nhiều đợt mưa lớn, nước dâng rất bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt từ việc xây dựng phương án, kế hoạch; chuẩn bị cơ sở vật chất, đôn đốc chăm lo tu bổ, sửa chữa công trình đê điều, công trình thủy lợi, công tác tuyên truyền, công tác tiền phương, hậu phương, cứu hộ cứu nạn, phòng chống úng đến việc triển khai ứng phó với mưa bão được thực hiện khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra…

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai, công tác phòng chống lũ, bão, thiên tai năm 2018 phải đặc biệt chú trọng, nhằm bảo đảm an toàn đê điều với mục tiêu ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai để bảo vệ thành quả trong xây dựng quê hương và bảo đảm cho sự phát triển kinh tế bền vững, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trong tỉnh.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận những bài học rút ra từ thực tế sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2017, vụ xuân năm 2018 từ đó đề ra những giải pháp để thực hiện thành công đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2018; đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng chống thiên tai năm 2017, kiến nghị các giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm 2018.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần tuân thủ nghiêm kỷ cương mùa vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác trong sản xuất vụ mùa; đặc biệt cần loại bỏ phương thức gieo thẳng, tăng cường áp dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học, đưa cơ giới hóa vào các khâu của quá trình sản xuất. Đồng chí đề nghị ngành Nông nghiệp, các địa phương nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất; tăng cường bám sát đồng ruộng; làm tốt công tác quản lý thị trường kinh doanh, cung ứng vật tư nông nghiệp; chú trọng chỉ đạo các địa phương hình thành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Để làm tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị khẩn trương kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng đề án, kịch bản để chủ động phòng chống trong mọi tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”. Các huyện, thành phố tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn trong cán bộ, nhân dân về kiến thức phòng chống thiên tai và hướng dẫn kỹ thuật ứng phó với bão lũ; chủ động kiểm tra, phân loại các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, xây dựng phương án hộ đê, tổ chức thực hiện việc xử lý các sự cố đê kịp thời, bảm đảm an toàn trong lũ, bão. Kiểm tra lực lượng, vật tư, phương tiện và kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống lũ, bão; công tác bảo đảm an toàn của các phương tiện làm ăn trên sông, biển; làm tốt cam kết trách nhiệm của chủ đầm, chủ bãi với việc di dời lao động khi có bão, lũ xảy ra. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập lực lượng canh coi, cừ sách, xung kích, ứng cứu… Hai đơn vị thủy nông khẩn trương kiểm tra, rà soát những vi phạm trong hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, xây dựng báo cáo gửi UBND tỉnh, các huyện, thành phố để chỉ đạo và tổ chức thực hiện xử lý trong tháng 5/2018; chủ động phối hợp với các đơn vị, lực lượng giải tỏa vật cản trên sông, trục. Các lực lượng vũ trang xây dựng, triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm thông tin liên lạc, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng phó tại các điểm xung yếu khi có điều động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là hình thức tuyên truyền lưu động khi có bão, lũ.

Lưu Ngần