Thứ 4, 25/12/2024, 08:03[GMT+7]

Ngành ngân hàng: Ưu tiên vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ 6, 27/04/2018 | 10:07:01
1,038 lượt xem
Là tỉnh nông nghiệp nên thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh luôn tập trung cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.

Hoạt động giao dịch ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Tiền Hải.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 55, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh bố trí nguồn lực, củng cố phát triển mạng lưới hoạt động phục vụ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; tổng hợp kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 55 để xử lý, tháo gỡ kịp thời. Các sở, ngành, địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các công việc liên quan đến việc thực hiện Nghị định để người dân sớm được vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh cũng chỉ đạo các TCTD thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân nhanh chóng có vốn phát triển sản xuất. 

Đến ngày 31/3, tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ ước đạt 15.650 tỷ đồng, tăng 1,8% so với thời điểm 31/12/2017, chiếm 34,5% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn với gần 118.000 khách hàng đang vay vốn. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã giúp khách hàng mở rộng sản xuất, tăng năng suất và sản lượng lương thực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, khu chăn nuôi tập trung và xây dựng nông thôn mới.

Nông dân xã An Ấp (Quỳnh Phụ) phát triển chăn nuôi lợn từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Cùng với việc tập trung nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn tỉnh còn tích cực đồng hành cùng các địa phương trong cho vay xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 31/3, toàn ngành đã cho trên 207.000 doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân khu vực nông thôn vay vốn xây dựng nông thôn mới với tổng dư nợ cho vay ước đạt gần 16.750 tỷ đồng, với mức lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến 6,5 - 7%/năm; trung hạn và dài hạn phổ biến từ 8 - 10,5%/năm. 

Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn tỉnh còn triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra như: điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND, trong đó mức lãi suất dưới 10%/năm có tỷ lệ dư nợ chiếm 73,3%, tăng 0,3% so với thời điểm 31/12/2017; thực hiện gia hạn nợ cho trên 600 khách hàng; miễn, giảm gần 3 tỷ đồng lãi tiền vay cho khách hàng vay vốn… Đồng thời, chú trọng phát triển công tác thanh toán và dịch vụ ngân hàng hiện đại, từ đó phục vụ kịp thời nhu cầu thanh toán của khách hàng. Đến ngày 31/3, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt 143 máy ATM, 443 máy POS, phát hành trên 831.000 thẻ thanh toán các loại phục vụ nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của cán bộ và nhân dân; thực hiện trả lương qua tài khoản cho 1.770 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn (trong đó có 1.525 cơ quan hành chính sự nghiệp) với gần 320.000 lao động nhận lương qua tài khoản.

Ông Đinh Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh

Để nông dân sớm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở rộng mạng lưới hoạt động về khu vực nông thôn. Đến nay, toàn ngành đã phát triển mạng lưới hoạt động với 538 chi nhánh, phòng giao dịch và điểm giao dịch hoạt động ngân hàng tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 83,28% tổng số điểm hoạt động ngân hàng trong toàn tỉnh.
Ông Phạm Hữu Chuyên, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Tiền Hải

Là ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn nên thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Tiền Hải đặc biệt ưu tiên nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, để tăng trưởng, mở rộng tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chi nhánh đã bám sát định hướng phát triển kinh tế, các chương trình, đề án tái cơ cấu của tỉnh và huyện để tập trung cho vay; phối hợp với chính quyền, các tổ chức, đoàn thể phân tích, đánh giá thế mạnh của từng địa phương, đưa ra các gói tín dụng phù hợp. Đồng thời vận dụng linh hoạt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ đó đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của nhân dân. Đến thời điểm 31/12/2017, tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chi nhánh theo Nghị định số 55 của Chính phủ đạt 1.059,843 tỷ đồng, chiếm 93,1% tổng dư nợ cho vay với 11.909 khách hàng đang vay vốn.
Chị Đỗ Thị Tuyết Thanh, thôn Cao Mộc, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ

Gia đình tôi có được kết quả như hôm nay là do Quỹ Tín dụng nhân dân Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) tin tưởng cho vay vốn với thủ tục vay vốn đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng; thời hạn vay, lãi suất vay ưu đãi và hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình phát triển sản xuất ổn định và vững chắc. Với số tiền được vay từ Quỹ, gia đình tôi đã đầu tư phát triển kinh doanh thức ăn chăn nuôi, từ đó mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày