Thứ 7, 23/11/2024, 05:54[GMT+7]

Xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động

Thứ 6, 27/04/2018 | 11:14:25
1,369 lượt xem
Những năm qua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong tỉnh được nâng lên rõ rệt về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, qua đó vị thế, vai trò của CNVCLĐ ngày càng được khẳng định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Trần Việt An, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh về vấn đề xây dựng đội ngũ CNVCLĐ trong giai đoạn hiện nay.

Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh luôn quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể cho biết khái quát về đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh hiện nay?

Ông Trần Việt An: Tính đến hết năm 2017, tổng số CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh trên 139.000 người. Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đội ngũ CNVCLĐ cũng có sự chuyển dịch tích cực, chất lượng đội ngũ CNVCLĐ trực tiếp sản xuất đã được nâng lên rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp song tỷ lệ lao động có trình độ bậc cao còn ở mức thấp. Đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 15 người học hàm giáo sư, phó giáo sư, 73 người có trình độ tiến sĩ, 1.193 người có trình độ thạc sĩ…

Về tình hình việc làm, mặc dù có sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng với cơ chế, chính sách của nhà nước và của tỉnh đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động nhưng do sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp khó khăn nên vẫn còn trên 1.000 công nhân lao động thiếu việc làm, tập trung ở một số doanh nghiệp trong ngành xây dựng, công thương và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương trong tỉnh. Đối với vấn đề tiền lương và thu nhập, thu nhập khối hành chính sự nghiệp ổn định, tính tại thời điểm tháng 6/2017, thu nhập bình quân tháng của một người lao động trong tỉnh đạt 3,7 triệu đồng; thu nhập bình quân tháng của một người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước đạt 4,8 triệu đồng; trong các đơn vị sự nghiệp đạt 4,3 triệu đồng; trong các doanh nghiệp nhà nước đạt 4,3 triệu đồng; trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 3,3 triệu đồng; trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,2 triệu đồng. Nhìn chung mặt bằng tiền lương và thu nhập của công nhân lao động ở Thái Bình thấp so với mặt bằng các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Phóng viên: Để xây dựng đội ngũ CNVCLĐ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), chính quyền các cấp, tổ chức công đoàn và các đoàn thể đã vào cuộc như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Việt An: Để xây dựng đội ngũ CNVCLĐ, cấp ủy, chính quyền, tổ chức công đoàn và các đoàn thể đã chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để mỗi cán bộ, đảng viên và công nhân lao động ngày càng nhận thức sâu sắc về bản chất, vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”. Tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong CNVCLĐ.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ doanh nghiệp và công nhân lao động trong những năm qua ở tỉnh ta luôn được quan tâm về mọi mặt, vừa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng. Tỉnh ta đã ban hành các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động tại địa phương, nhất là lao động nữ, lao động nông thôn; chính sách về công tác đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng đội ngũ công nhân lao động; hỗ trợ kinh phí, khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo nghề cho công nhân lao động. Trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề của đội ngũ công nhân lao động từng bước được nâng lên. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho công nhân lao động có những chuyển biến tích cực; các cơ sở dạy nghề được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, phát triển mạnh về số lượng và quy mô, đội ngũ giáo viên, giảng viên từng bước được chuẩn hóa, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho công nhân lao động trong tỉnh.

Phóng viên: Theo ông, trong xu thế hội nhập hiện nay, đội ngũ CNVCLĐ và hoạt động của tổ chức công đoàn tỉnh nhà đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì?

Ông Trần Việt An: Hiện tại, đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh còn bộc lộ những yếu kém như: trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức của một số công nhân lao động về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân; việc am hiểu về chính sách, pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật, giác ngộ giai cấp, tác phong công nghiệp còn hạn chế, nhất là công nhân lao động ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Còn khá lớn công nhân lao động ở các khu công nghiệp do sức ép về thời giờ làm việc nên ít được sinh hoạt chính trị, tư tưởng, nhận thức về Đảng; công đoàn còn hạn chế, ít được tiếp cận với thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật; không có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao. Tình trạng vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, nợ lương ở một số doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Việc tập hợp người lao động để tiến hành các hoạt động do công đoàn tổ chức trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn...

Phóng viên: Nhằm phát triển đội ngũ CNVCLĐ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH, theo ông, thời gian tới công đoàn các cấp trong tỉnh cần có những biện pháp gì để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra?

Ông Trần Việt An: Trước tiên, cần phải tạo động lực để giai cấp công nhân phát triển, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ của sự nghiệp CNH, HĐH. Đối với người lao động, động lực trực tiếp là lợi ích vật chất và tinh thần như: việc làm, thu nhập, đời sống, mức độ thụ hưởng chính trị, văn hóa, tinh thần... Do đó, cần môi trường lao động bền vững, đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần cho công nhân. Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN… để bảo đảm quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân.

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề đáp ứng kịp thời trình độ phát triển của khoa học, công nghệ. Cần đổi mới hệ thống dạy nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế, nhằm bảo đảm sự cân đối ngay trong hệ thống giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân tự học, tự đào tạo, để không ngừng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ. Xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo nghề hợp lý; đồng thời rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, tinh thần sáng tạo, đổi mới trong lao động sản xuất.

Xây dựng môi trường lao động hiện đại cho công nhân để tránh tình trạng việc làm của công nhân lao động không ổn định, thời gian làm việc kéo dài và cường độ làm việc cao, điều kiện làm việc ít được cải thiện dẫn đến tai nạn lao động gia tăng...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường