Thứ 7, 23/11/2024, 03:56[GMT+7]

Nữ thương binh 4 lần gặp Bác Hồ

Thứ 6, 27/04/2018 | 14:33:47
2,640 lượt xem
Tham gia cách mạng từ thời niên thiếu, cả cuộc đời hiến dâng cho cách mạng đối với nữ thương binh Đỗ Thị Xoa (thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư) rất đỗi bình thường, thế nhưng 4 lần được gặp Bác Hồ lại chứa đựng cảm xúc vô cùng tự hào, hãnh diện trong trái tim bà.

Bà Đỗ Thị Xoa trong cuộc sống đời thường.

Bản lĩnh của nữ thương binh

Chúng tôi tìm về căn nhà cấp 4 thoáng mát dưới chân đê Trà Lý của bà Xoa. Dù đã ở tuổi 83, lại chỉ còn một cánh tay, bà vẫn tự mình làm mọi việc nấu cơm, giặt giũ, trồng rau và vẫn dành thời gian đọc báo, xem ti vi. 

Bà Xoa kể: Năm 1950, giặc Pháp đóng ở đồn bến Giống (Hiệp Hòa) và tràn vào càn quét, đốt làng Phương Cáp, căn nhà rạ của gia đình bà cũng bị giặc thiêu rụi. Căm thù giặc, ngày ấy, mới 15 tuổi, bà Xoa nằng nặc xin vào đội du kích. Theo quy định, 18 tuổi mới được vào du kích nhưng thấy cô bé Xoa năn nỉ nhiều quá, xã đành giao cho cô nhiệm vụ liên lạc bí mật. Làm tốt nhiệm vụ, tròn 18 tuổi cô được giao là trung đội trưởng nữ dân quân du kích của xã, hàng ngày tập luyện kỹ thuật chiến đấu và tích cực đào hầm, hào giao thông để nhân dân trú ẩn. Trong một lần tập luyện, một quả mìn bất ngờ phát nổ làm cô bị thương, mất hẳn bàn tay phải. Ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất cuộc đời, bất ngờ mất đi bàn tay, Xoa không khỏi lo lắng, sợ hãi, nhưng cô kiên trì tập viết chữ, học làm mọi việc bằng bàn tay trái còn lại và vẫn quyết tâm tham gia các hoạt động cách mạng. Hạnh phúc tưởng chừng mỉm cười với Xoa khi cô có 1 người chồng chở che, nhưng rồi người đàn ông ấy đã không vượt qua được nỗi lo lắng về trách nhiệm gánh vác, chăm lo suốt đời cho 1 người phụ nữ thương tật. 

Vượt qua thiệt thòi trong cuộc sống riêng, bà Xoa dồn sức cống hiến cho cách mạng. Những năm sau đó, bà được phân công đảm nhận công tác cán sự xã, Hội trưởng Hội phụ nữ xã Hiệp Hòa. Bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm trong công việc nên bà Xoa được cán bộ các cấp tín nhiệm, nhân dân tin tưởng. Năm 1966, ở tuổi 31, bà Xoa được bầu vào Ban Thường vụ Huyện ủy, giữ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách nội chính huyện Thư Trì, sau đó đảm nhận công tác kiểm tra của Huyện ủy Thư Trì... 

Sau gần 40 năm bị thương, đến năm 1995 khi đã nghỉ hưu, bà Xoa mới được công nhận là thương binh hạng 3/4, dù vậy bà chưa từng than thở mà vẫn một lòng cống hiến trọn vẹn cho cách mạng.

Vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ

Tuy gian khó, vất vả nhưng nhờ tham gia hoạt động cách mạng, trong cuộc đời mình, bà Đỗ Thị Xoa có may mắn hơn nhiều người khác đó là vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ. Dẫu thời gian đã trôi qua nhiều năm nhưng nhắc đến Bác, ánh mắt bà Xoa vẫn long lanh, chứa đựng niềm tự hào, những nếp nhăn trên gương mặt dường như cũng giãn ra. 

Bà Xoa cho biết: Lần đầu tiên bà được gặp Bác là năm 1958 tại sân vận động thị xã Thái Bình khi bà là Hội trưởng Hội phụ nữ xã Hiệp Hòa; lần thứ hai bà được gặp Bác khi tham dự Đại hội phụ nữ toàn quốc năm 1961; năm 1962 tại xã Đông Lâm (Tiền Hải) bà may mắn được gặp Bác lần thứ ba; lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng bà Xoa được gặp Bác là ngày 1/1/1967 ngay trên chính mảnh đất Phương Cáp quê hương mình. 

Thời đó, do đất nước còn chiến tranh, hành trình công tác của Bác được giữ bí mật, không được báo trước, vì vậy cả 4 lần bà Xoa đều rất bất ngờ, vỡ òa sung sướng khi được tận mắt ngắm dáng hình Bác, được nghe giọng nói ấm áp, cử chỉ ân cần của Người.

Bà Xoa xúc động kể: Do hội nghị rất đông đại biểu, nhân dân nên lần thứ nhất và lần thứ hai, tôi chỉ được đứng cách Bác một khoảng khá xa. Lần thứ ba là năm 1962. Tôi nhớ rõ, chúng tôi chỉ được thông báo là về Đông Lâm để họp công tác sản xuất, có đại biểu Trung ương về dự. Tôi và một số đại biểu của huyện Thư Trì đạp xe xuống Đông Lâm từ chiều hôm trước (chiều ngày 25/3/1962), mang cơm nắm đi ăn. Đêm hôm đó, mọi người nghỉ luôn tại bờ ruộng trên cánh đồng diệc mạ xã Đông Lâm. Sáng hôm sau, mọi người tập trung để gặp đại biểu, chúng tôi mới bất ngờ thấy Bác xuất hiện. Tôi được đứng khá gần Bác, thấy Bác gầy. Vẫn giọng nói ấm áp, Bác nói về công tác sản xuất, nhắc nhở, phê bình một số thói quen sinh hoạt xấu trong đời sống như lãng phí trong ma chay, cưới hỏi, đánh chửi vợ con, tảo hôn… Sau đó Bác bắt nhịp, mọi người cùng hào hứng hát vang bài hát “Kết đoàn”, tôi cảm thấy Bác vô cùng gần gũi, thân thương… Ấn tượng nhất với tôi là lần cuối cùng được gặp Bác ngày 1/1/1967 ngay tại đình Phương Cáp quê hương. Khi đó tôi đang là Phó Chủ tịch phụ trách nội chính huyện Thư Trì, dù vậy tôi cũng không biết là mình sẽ được đón Bác. Từ đêm ngày 31/12/1966, chúng tôi được lệnh triệu tập họp ở Hợp tác xã Tân Phong (Việt Hùng), đến tờ mờ sáng chúng tôi được thông báo thay đổi địa điểm họp tại đình Phương Cáp (Hiệp Hòa). Khi Bác đến, tôi và tất cả mọi người đều vô cùng ngạc nhiên, xúc động. Khi đó, Bác gầy và sức khỏe có vẻ giảm sút nhiều. Bệ chắn cửa ở đình Phương Cáp khá cao, tôi thấy đồng chí Tố Hữu và đồng chí Hoàng Anh phải dìu, đỡ Bác bước qua bệ cửa. Bác vào chào hỏi mọi người xong, quan sát một lượt thấy có rất ít phụ nữ, chị em lại e dè ngồi tận phía sau, Bác nói “các cô phụ nữ ngồi hàng ghế trên cho dễ nghe”. Rồi Bác nhìn về phía các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy nhẹ nhàng bảo “các chú triệu tập hội nghị thiếu thành phần!”. Mọi người nhìn nhau không hiểu ý Bác, Bác cười và nói “Thiếu các em thiếu nhi!”. Trong suốt buổi nói chuyện, ngoài khen ngợi, động viên, căn dặn nhân dân và cán bộ toàn tỉnh về công tác sản xuất, xây dựng Đảng, phấn đấu đưa Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt…, Bác không quên nhắc nhở, phê bình thói xấu đánh chửi vợ của nam giới. Kết thúc buổi nói chuyện, mọi người quây quần bên Bác để chụp ảnh lưu niệm tại sân đình. Bác bảo các đồng chí nam giới nhường cho chị em phụ nữ ở hàng trên để không bị che khuất mặt. Thấy tôi ngồi hàng thứ hai nhưng ngồi hơi thấp, Bác vỗ vai tôi bảo: “Cháu ngồi chống chân cao lên kẻo chú Tố Hữu che mất mặt”. Tôi cũng cố ngồi cao hơn nhưng quả thật về sau ngắm ảnh, gương mặt tôi vẫn bị khuất, chỉ nhìn thấy chỏm đầu, tôi cứ tiếc mãi… Là phụ nữ, lúc đó vô cùng tự hào, xúc động khi Bác dành cho phụ nữ và trẻ em sự quan tâm sâu sắc, nhân văn và cũng rất tinh tế, nhẹ nhàng.

Bốn lần được gặp Bác và mỗi lời Bác huấn thị là động lực tiếp thêm sức mạnh giúp bà Xoa chiến thắng thương tật, vươn lên công tác tốt, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến chống Pháp. 

Giờ đây, ở tuổi 83 và gần 60 năm tuổi đảng, bà Xoa còn là tấm gương sáng giúp các thế hệ cán bộ, đảng viên trẻ, con cháu học tập noi theo về nghị lực vượt khó và tinh thần cống hiến cho cách mạng.

Quỳnh Lưu