Thứ 6, 22/11/2024, 20:23[GMT+7]

Tín dụng chính sách: Góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 02/05/2018 | 09:51:26
806 lượt xem
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM

Đông Phương (Đông Hưng) ngày càng đổi mới, phát triển.


Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp

  • 4.000 hộ nghèo được vay vốn thoát nghèo, 1.211 lao động được vay vốn có việc làm, 1.094 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập, 339 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở, 34.555 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới...
  • Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020 tại địa phương từ 4,61% (cuối năm 2016) xuống còn 4,01% (cuối năm 2017).


Hàng năm, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn tín dụng CSXH cho 100% các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác, chủ tịch UBND và ban giảm nghèo cấp xã. Bên cạnh đó, phát động sâu rộng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 tới toàn thể cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống; đồng thời, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương dành một phần kinh phí từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

Năm 2017, UBND các cấp đã chuyển 7,3 tỷ đồng sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (cấp tỉnh 5 tỷ đồng, các huyện, thành phố 2,3 tỷ đồng). Ngoài ra, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các hội, đoàn thể, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cơ sở danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bố trí nguồn vốn một cách kịp thời. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh đăng ký hỗ trợ xây dựng NTM đối với xã Thụy Dũng (Thái Thụy) và huyện Tiền Hải.

Nông dân xã Tây Lương (Tiền Hải) phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Đến ngày 31/3, tổng doanh số cho vay xây dựng NTM của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đạt 227,948 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 2.574,266 tỷ đồng, chiếm 95,92% tổng dư nợ cho vay toàn Chi nhánh; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,11%. 98.572 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Chính phủ trong các lĩnh vực như: giải quyết việc làm; cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển sản xuất, kinh doanh của gia đình… Nhờ đó, cuộc sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao, góp phần cùng các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.

Ông Tạ Tiến Khẩn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh

Để tiếp tục hỗ trợ chương trình xây dựng NTM, thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn cho các xã đang dồn lực về đích NTM, tiếp tục hỗ trợ kinh phí thông qua các hoạt động cụ thể đối với xã Thụy Dũng (Thái Thụy) và huyện Tiền Hải mà Chi nhánh đã đăng ký. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cũng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ tại các xã, thị trấn, nhất là tại các xã chưa về đích NTM để nhân dân hiểu và sớm tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện cho vay vốn gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn phương pháp tổ chức kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và chất lượng tín dụng trên địa bàn.
Ông Hoàng Anh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Lương (Tiền Hải)

Đến ngày 31/3/2018, xã Tây Lương có tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH 14,373 tỷ đồng với 637 hộ đang vay vốn. Từ nguồn vốn này, người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã có cơ hội phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nhiều em học sinh tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập. Có thể nói, vốn vay ưu đãi từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH đã trợ giúp rất đắc lực cho người dân Tây Lương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từ đó xây dựng thành công NTM. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo hơn 3%, tỷ lệ hộ cận nghèo 2,64%.
Chị Tạ Thị Phương Lan, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình

Do không có việc làm ổn định nên thu nhập của tôi rất bấp bênh. Được Chi hội Phụ nữ tổ 6, phường Phú Khánh tin tưởng bình xét cho vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, tôi đã dùng để mua sắm trang thiết bị cần thiết để mở cửa hàng gội đầu trị liệu hỗ trợ điều trị các bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu… Mặc dù mới mở được hơn 1 năm nhưng lượng khách đến với cửa hàng tôi ngày một đông hơn, trung bình mỗi ngày thu nhập từ 250.000 - 300.000 đồng.

Minh Hương