Thứ 2, 25/11/2024, 07:37[GMT+7]

Thảo luận tại hội trường về Đề án cải cách chính sách tiền lương

Thứ 5, 10/05/2018 | 07:58:05
758 lượt xem
Chiều 9/5, ngày làm việc thứ ba, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thảo luận tại hội trường về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận (Ảnh: ANH TUẤN)

Với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ, thẳng thắn, các ý kiến phát biểu tại Hội trường đã bám sát thực tiễn chính sách tiền lương thời gian qua, tập trung phân tích, thảo luận những quan điểm cơ bản, nội dung trọng tâm trong Đề án về cải cách chính sách tiền lương. Các đại biểu nhất trí đánh giá, Đề án được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, phản ánh khách quan thực trạng tiền lương hiện nay, nhất là những bất cập và các vấn đề đặt ra cần thiết phải cải cách. Đề án có cách tiếp cận mới, đồng thời kế thừa những mặt tích cực của chính sách tiền lương hơn trong 30 năm đổi mới.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, tiền lương là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, do đó việc cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động làm cơ sở tăng lương, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước.

Nêu rõ thực trạng của chính sách tiền lương hiện nay, nhiều đồng chí cho rằng, mặc dù đã qua nhiều lần điều chỉnh, nhưng chính sách tiền lương còn bất cập, bình quân, cào bằng, chưa thật sự tạo động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhất là phụ cấp theo nghề và hệ số tiền lương tăng thêm, phát sinh nhiều bất hợp lý, làm mất vai trò đòn bẩy của tiền lương. Chưa có giải pháp gắn cải cách tiền lương với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Việc đổi mới tổ chức và quản lý, cơ chế tài chính đối với khu vực sự nghiệp công lập chưa đáp ứng yêu cầu,... Đối với khu vực doanh nghiệp, quy định tiền lương tối thiểu chưa cụ thể, tiêu chí xác định còn nhấn mạnh vào nhu cầu sống tối thiểu. Cần sớm thực hiện ngay chính sách cải cách tiền lương theo chế độ lương mới, chứ không đợi đến năm 2021 như đề án dự kiến. Nhưng nguồn lực ở đâu, huy động như thế nào cũng là vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn.

Đại biểu phát biểu ý kiến thảo luận Đề án cải cách chính sách tiền lương

Bám sát gợi ý, chỉ đạo của Tổng Bí thư tại phiên khai mạc, là cải cách chính sách tiền lương lần này phải thật sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, hầu hết các đại biểu nhất trí cần ban hành một nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Trong đó nhấn mạnh các giải pháp, như gắn cải cách tiền lương với đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Lý do là, một trong những bất cấp của chính sách tiền lương hiện nay là bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước quá lớn và ngày càng tăng, nhất là biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dẫn đến tổng quỹ lương và phụ cấp từ ngân sách ngày càng lớn, chiếm khoảng 20% chi ngân sách nhà nước. Nếu thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế sẽ có cơ sở tốt cho việc cải cách tiền lương. Đồng thời phải tích cực xây dựng và thực hiện vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; hoàn thiện hệ thống pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức,...

Nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương nhấn mạnh, để có thêm nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương cần thực hiện quyết liệt các giải pháp về tài chính, ngân sách như: cơ cấu lại thu ngân sách, bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách ở mức phù hợp; cơ cấu lại chi ngân sách, chi một số một số lĩnh vực sự nghiệp công gắn với điều chỉnh giá, phí đối với các dịch vụ sự nghiệp công. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn từ ngân sách nhà nước. Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan đơn vị; khoán các chế độ ngoài lương, như xe ô-tô, nhà ở, khám, chữa bệnh; đẩy nhanh chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp theo hướng Nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời gắn với chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách,… Mặt khác phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các nghị quyết của Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Từ đó sẽ có nguồn lực quan trọng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương,…

Theo: nhandan.com.vn