Thứ 2, 25/11/2024, 04:53[GMT+7]

Góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng máy cơ khí nông nghiệp

Thứ 2, 14/05/2018 | 08:37:40
884 lượt xem
Với tốc độ cơ giới hóa ngành Nông nghiệp, ngày càng có nhiều loại máy nông cụ được nông dân trên địa bàn tỉnh đưa vào sử dụng. Để phát huy hiệu quả sử dụng các loại máy, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn giúp nông dân làm chủ máy móc, sử dụng máy hiệu quả cũng như cách bảo dưỡng, sửa chữa những sự cố thường gặp.

Thực hành sửa chữa trên máy.

Ông Hà Văn Hải, Giám đốc Trung tâm cho biết: Mặc dù ngày càng có nhiều loại máy nông cụ được nông dân trên địa bàn tỉnh đưa vào sử dụng nhưng người vận hành các loại máy lại hầu như chưa qua các lớp đào tạo, thường tự học và học qua kinh nghiệm của những người đã sử dụng, do đó chưa hiểu hết được nguyên lý hoạt động và cấu tạo của máy. Trước thực trạng đó, những năm qua Trung tâm đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp cho bà con bằng nguồn vốn khuyến công nhằm nâng cao trình độ, sử dụng máy hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng tuổi thọ của máy. Bên cạnh việc không phải đóng học phí, các học viên còn được Trung tâm hỗ trợ sửa chữa, thay thế thiết bị, hỗ trợ kinh phí xăng xe đi lại trong thời gian tập huấn. Đặc biệt, các học viên còn được mang máy đang sử dụng tới để giảng viên hướng dẫn sửa chữa. Nhờ đó, nhiều chủ máy lần đầu tiên đã được khám phá về nguyên lý hoạt động, cấu tạo máy cũng như thực hành cách tháo dỡ, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa trên chính chiếc máy quen thuộc của mình. Chính vì thế các lớp tập huấn đã được người dân, chính quyền các địa phương đánh giá cao không chỉ ở hiệu quả mà còn ở việc triển khai lớp học bài bản, phù hợp với nhu cầu thực tế của học viên.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: Các lớp tập huấn do Trung tâm tổ chức rất cần thiết và hiệu quả cho nông dân trong tỉnh. Nhận biết rõ điều này, thời gian qua, các cấp hội nông dân đã phối hợp tổ chức giúp các hội viên hiểu và tích cực tham gia các lớp tập huấn để sử dụng các loại máy hiệu quả, người dân tự “bắt bệnh bốc thuốc’’ được những sự cố thường gặp của các loại máy nông nghiệp. Thời gian tới, các cấp hội nông dân tiếp tục tuyên truyền các hộ dân có máy tham gia lớp học không chỉ để tự sửa chữa mà còn giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, vận hành máy hiệu quả.

Năm 2018, Trung tâm tập trung rà soát ở những xã chưa triển khai để tổ chức lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp với mục tiêu sẽ mở 65 lớp đào tạo cho khoảng 2.200 lao động.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thái Thụy

Thái Thụy là một trong những địa phương đi đầu trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc ứng dụng máy móc phục vụ sản xuất của gia đình, các hội viên còn làm thêm cho các hộ dân ở trong và ngoài xã và tỉnh ngoài. Do đó, các chủ máy đều có việc làm ổn định, thu nhập thường xuyên hàng trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nhiều người lại không nắm rõ cách sử dụng máy hiệu quả cũng như cách thức bảo dưỡng, sửa chữa sự cố thường gặp trong khi phần lớn họ lại đang ở độ tuổi cao nên kiến thức về kỹ thuật cơ khí rất hạn chế. Vì thế, trong năm 2017 Hội đã đề xuất Trung tâm mở 18 lớp cho 630 lượt học viên theo học. Tôi khẳng định các lớp tập huấn rất có ích cho người dân và mong Trung tâm tiếp tục mở các lớp về địa bàn các xã vùng xa của huyện.

Ông Vũ Văn Thuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thăng Long (Đông Hưng)

Tôi rất đồng tình với phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, tâm huyết và khả năng truyền đạt giỏi. Qua thực tế các lớp tập huấn, các học viên đã tự sửa chữa những hỏng hóc thông thường, tự thay thế những chi tiết nhỏ, phát hiện kịp thời những sự cố, khắc phục được tình trạng máy hỏng phải đi mượn thợ, tiết kiệm được thời gian, chi phí cho người vận hành. Nhờ đó đã hạn chế được tình trạng bỏ ruộng, tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất trên cùng đơn vị diện tích.


Ông Đinh Tiến Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thống Nhất (Hưng Hà)

Toàn xã có 3 máy cày công suất lớn và 3 máy gặt đập liên hoàn và hơn 100 máy cày nhỏ được đưa vào sản xuất. Các chủ máy đều là nông dân chưa được đào tạo, không có kinh nghiệm trong việc bảo dưỡng, sửa chữa máy nên dẫn tới tiêu hao nhiều nhiên liệu, hiệu quả khai thác của máy chưa cao. Những hạn chế đó đã được khắc phục từ năm 2015 khi Trung tâm về mở lớp. Kết quả sau các lớp học người dân đã khai thác hết công suất của máy, máy ít hỏng hóc, hiệu quả lao động tăng, chi phí nguyên liệu giảm, tai nạn khi vận hành máy không còn.


Thu Thủy