Thứ 6, 27/12/2024, 18:03[GMT+7]

Thông cáo báo chí: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân

Chủ nhật, 20/05/2018 | 20:44:38
1,187 lượt xem
Ngày 20/5, tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với công nhân khu công nghiệp các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng đối thoại với người công nhân.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, đúng vào dịp Tháng Công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân lao động, sau các cuộc đối thoại rất thành công với công nhân tại phía Nam năm 2016 và miền Trung năm 2017.

Khoảng 1.000 công nhân tham dự đối thoại với Thủ tướng. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường; lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu mở đầu chương trình, Thủ tướng cho rằng, đây là dịp tốt để trao đổi, đối thoại, cùng nhau giải quyết, xây dựng thành công thiết chế văn hóa công đoàn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp có đông công nhân.

“Tôi muốn lắng nghe trực tiếp ý kiến của công nhân một cách cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, phản ánh thẳng thắn tâm tư nguyện vọng của mình trên mục tiêu chung “năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”. Chúng ta thảo luận xem vấn đề gì mà Đảng, Nhà nước cần phải đặt ra để hỗ trợ công nhân thời gian đến”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng lắng nghe những ý kiến của người công nhân.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền sẽ thường xuyên đối thoại, qua đó giải quyết hết được với lộ trình, bước đi phù hợp các vấn đề công nhân đặt ra, không phải chỉ gặp gỡ, đối thoại 1 lần là xong.

Thủ tướng cho rằng, thành công của đất nước không thể không có vai trò của công nhân, vì thế cần củng cố, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam mạnh về số lượng, tốt về chất lượng, có cuộc sống tốt hơn.

Tại buổi đối thoại, các công nhân đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới việc tiếp tục học tập, nâng cao trình độ; các giải pháp để đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; vấn đề nhà ở, tiền lương, việc cấp điện cho các khu trọ công nhân…

Trước phát biểu của công nhân Vũ Xuân Đạt- công ty Kefico (Hải Dương) về nhu cầu học tập nâng cao trình độ và anh đang tích góp để có máy tính tốt hơn, Thủ tướng thay mặt đoàn đại biểu Trung ương quyết định tặng ngay cho gia đình công nhân này một bộ máy vi tính. Thủ tướng mong muốn bản thân anh Đạt có phương tiện để học tập tốt hơn, khuyến khích những trường hợp tương tự như anh Đạt và mong muốn tất cả công nhân cần có khát vọng vươn lên.

Đánh giá cao nỗ lực của anh Đạt từ nông dân đi làm thợ hồ rồi thành công nhân kỹ thuật và có khát vọng cao hơn trong cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng cho rằng, “nếu các bạn có khát vọng, có niềm say mê để tiến bộ thì Đảng, Nhà nước, người chủ doanh nghiệp và gia đình luôn luôn tạo mọi điều kiện và tôi tin sẽ có nhiều phần quà hơn nữa cho các bạn có khát vọng”.

Cũng theo Thủ tướng, ông “rất vui khi được nghe các em chủ động trao đổi về những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra”. Điều này thể hiện nhận thức, thái độ của một bộ phận công nhân là rất chủ động, sẵn sàng đón nhận và đối diện, quan tâm đến những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm tiếp cận của Chính phủ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc. Chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Vấn đề là phải biến thách thức thành cơ hội. Nhiều việc làm mất đi nhưng phải làm xuất hiện những việc làm mới tốt hơn. Đồng thời, Thủ tướng cũng đặt vấn đề các công nhân đã chuẩn bị gì cho cuộc cách mạng này.

Cũng tại đối thoại, công nhân Trần Thị Thanh - Công ty TNHH Vietinak (Hưng Yên) cho rằng Nghị định 49 năm 2013 đang chuẩn bị được sửa đổi, trong đó có việc bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, dễ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ép tiền lương anh em công nhân.

Lắng nghe tâm tư của công nhân, Thủ tướng khẳng định: Vấn đề lương trong doanh nghiệp đã được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương với định hướng:  Tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Qua ý kiến của anh chị em, tôi đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động”, Thủ tướng nêu rõ.

Trước ý kiến công nhân đề cập đến gánh nặng nhà ở, chi phí học hành, nơi giữ trẻ…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vấn đề nhà ở, trường học cho công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ  đạo thực hiện. Tại 2 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân ở Đồng Nai (2016) và Đà Nẵng (2017), Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này. Đến nay nhiều địa phương, bộ, ngành đã tích cực vào cuộc và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của anh chị em công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. Nhiều địa phương cần áp dụng mô hình xây dựng khu thiết chế công đoàn, bán nhà ở giá rẻ đối với công nhân. Thủ tướng yêu cầu phải có hệ thống nhà trẻ để con em công nhân có chỗ ở nhà trẻ đạt tiêu chuẩn. Việc xây dựng nhà trẻ bằng phương thức xã hội hóa, tạo điều kiện tối đa cho công nhân. Thủ tướng cũng chỉ đạo không riêng Hà Nội, các địa phương cũng cần dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Thủ tướng cũng khẳng định việc những ông chủ nhà trọ yêu cầu công nhân trả tiền điện, nước cao hơn quy định là trái pháp luật. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành giải đáp việc này.

Thủ tướng và đồng chí Trưởng Ban dân vận Trung ương tặng quà cho các công nhân.

Ông Dương Quang Thành cho biết việc cung ứng điện cho các khu nhà trọ đã được quy định tại Thông tư 16 của Bộ Công Thương. “EVN sẽ phối hợp địa phương kiểm tra việc áp giá, các quy định của Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời…”, ông Thành khẳng định; nếu công nhân gặp khó khăn hoặc bị tăng giá điện sai quy định có thể gọi đến tổng đài 19006768 để phản ánh

Nói thêm về việc này, Thủ tướng yêu cầu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN, kiểm tra xử lý nghiêm việc các chủ nhà trọ thu giá điện, nước sai quy định.

Sau khoảng 100 phút đối thoại, giải đáp hàng loạt nguyện vọng, thắc mắc của công nhân, Thủ tướng cho rằng công nhân nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số vấn đề lớn mà công nhân đặc biệt quan tâm, bức xúc chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để. Bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải quyết các kiến nghị của công nhân, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ công nhân thì vẫn còn một số bộ, ngành và địa phương chưa tích cực tham mưu, chỉ đạo và tập trung giải quyết các nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động.

Để nâng cao năng suất và phúc lợi cho người lao động, các doanh nghiệp cần phải tập trung ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ đi đôi với đào tạo đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề để làm chủ khoa học - công nghệ…

Đối với các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần có chính sách và giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động. Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng năng suất và nâng cao phúc lợi ở từng doanh nghiệp thông qua việc tham mưu thể chế, lắng nghe doanh nghiệp và người lao động, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.

Thủ tướng và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tặng quà cho công nhân.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Bùi Văn Cường đã trao học bổng cho 65 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp của 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng. Thủ tướng Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng quyết định hỗ trợ 18 “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

Trước buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm trong Triển lãm “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam khu vực đồng bằng sông Hồng”, nghe giới thiệu về sản phẩm, trò chuyện và khích lệ tinh thần lao động sáng tạo của chủ nhân các sản phẩm tiêu biểu.

Thủ tướng tặng Nhà mái ấm công đoàn cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt.

Cũng trong chuyến công tác tại Hà Nam, ngày 19/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát dự án xây dựng thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam và thăm khu trọ của công nhân tại xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên./.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày