Thứ 4, 08/01/2025, 11:28[GMT+7]

Hội Nông dân thành phố: Nhiều mô hình hợp tác hoạt động hiệu quả

Thứ 3, 22/05/2018 | 09:16:31
873 lượt xem
Thời gian qua, Hội Nông dân thành phố Thái Bình đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, trở thành những hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Cơ sở ấp nở trứng gia cầm của gia đình ông Hà Đức Hạnh tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.

Nhiều tổ chức hội cơ sở đã xây dựng mô hình tổ hợp tác sản xuất, trở thành đầu mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bảo đảm đầu ra giúp hội viên yên tâm sản xuất.

Khởi nghiệp từ năm 2001 với 6 sào ruộng chuyển đổi, ông Hà Đức Hạnh, thôn Trung Nghĩa, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi tổng hợp. Thời điểm đó, đầu ra của sản phẩm là một trong những khó khăn khiến ông trăn trở rất nhiều. Bởi nếu chỉ bán cho tiểu thương thì giá sản phẩm sẽ thấp, trong khi chi phí đầu tư lớn, chậm thu hồi vốn. Tham gia tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Hội Nông dân xã năm 2016, ông Hạnh được bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. 

Ông Hạnh chia sẻ: Nhờ có đầu ra ổn định cho sản phẩm mà gia đình tôi có vốn để đầu tư cho chăn nuôi. Thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng diện tích chuồng trại lên 7 sào, nuôi thêm gà sao, một số loại con đặc sản để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Ước tính hiện nay sau khi trừ chi phí gia trại cho thu nhập bình quân từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hòa cho biết: Đông Hòa hiện có 2 trang trại và 70 gia trại tổng hợp. Phát huy thế mạnh về chăn nuôi, năm 2016 Hội Nông dân xã đã thành lập tổ hợp tác sản xuất với mục đích là thu hút hội viên tham gia, xây dựng nguồn cung ứng nông sản sạch. Qua 2 năm triển khai, mô hình tổ hợp tác của Hội Nông dân xã Đông Hòa đã thu hút 12 hộ tham gia, chủ yếu các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Tổng diện tích chuồng trại được đầu tư bài bản, khép kín của các hội viên trong tổ lên đến hơn 2ha. Hoạt động của tổ hợp tác sản xuất không chỉ góp phần xóa bỏ một diện tích lớn vườn tạp mà còn tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Tiếp tục đưa tổ hợp tác sản xuất đi vào hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Đông Hòa sẽ xây dựng mô hình điểm trang trại tổng hợp từ 5 - 6ha để các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tạo điều kiện để các hộ có nhu cầu tiếp cận vốn vay tín chấp mở rộng sản xuất.

Không chỉ mô hình tổ hợp tác sản xuất của Hội Nông dân xã Đông Hòa hoạt động hiệu quả, trên địa bàn thành phố Thái Bình hiện còn nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như câu lạc bộ chăn nuôi của Hội Nông dân xã Vũ Đông thu hút 42 hội viên tham gia, tạo việc làm cho 84 lao động, thu nhập bình quân mỗi hộ trong câu lạc bộ đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm; mô hình tổ đào cảnh  của Chi hội Nông dân số 21, phường Hoàng Diệu thành lập thu hút trên 100 hội viên; câu lạc bộ chăn nuôi của Hội Nông dân xã Đông Mỹ thu hút 46 hội viên tham gia, tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương, nâng mức thu nhập của các gia đình hội viên bình quân đạt từ 150 - 500 triệu đồng/năm. Hiệu quả từ các mô hình liên kết sản xuất do Hội Nông dân thành phố tổ chức đã đem lại những lợi ích thiết thực cho hội viên, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh việc phát triển các mô hình, tổ hợp tác sản xuất, Hội Nông dân thành phố Thái Bình luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy, nhận thức của  hội viên, tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận nguồn quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng cho 4 dự án với 48 hội viên được vay phát triển kinh tế. Ngoài ra, Hội còn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 61 tỷ đồng cho hơn 12.000 hội viên vay đầu tư sản xuất. Nhiều hoạt động cung ứng thiết bị vật tư, cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi trả chậm đã thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Bà Trần Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: Hiện nay toàn hội đã xây dựng được 5 tổ hợp tác sản xuất, 2 câu lạc bộ chăn nuôi, phối hợp bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể cho 342 cán bộ hội góp phần đưa các mô hình hoạt động ổn định, bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ tham gia, tạo niềm tin và sức lan tỏa trong hội viên. Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên tiếp cận khoa học kỹ thuật, tổ chức cho hội viên đi tham quan mô hình tiêu biểu để hội viên nâng cao kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt. Hội sẽ chủ động kết nối thông tin, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, khai thác nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả, góp phần giúp đỡ hội viên nâng cao thu nhập, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Tiến Đạt