Thứ 3, 24/12/2024, 01:58[GMT+7]

Thái Thụy: Đường đến chuẩn huyện nông thôn mới

Thứ 5, 24/05/2018 | 08:36:24
2,669 lượt xem
Hầu hết các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thái Thụy hiện đang gặp không ít khó khăn về nguồn lực, nhất là việc đấu giá quyền sử dụng đất, huy động nguồn xã hội hóa để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.

Xã Thái Hòa (Thái Thụy) xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng.

Là một trong những xã đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) năm 2018, đến nay Thái Hòa đã hoàn thành 15/19 tiêu chí; 4 tiêu chí còn lại phải thực hiện gồm: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo. Tổng nguồn vốn để thực hiện 4 tiêu chí trên khá lớn, gần 3 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã gần 2 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ. Ngoài ra, địa phương cần huy động hơn 4 tỷ đồng nữa để hoàn trả nợ đọng xây dựng cơ bản NTM, qua đó bảo đảm theo quy định của tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã: Nguồn vốn xây dựng NTM của xã chủ yếu dựa vào nguồn đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện xã đã quy hoạch 6 khu đất đấu giá, trong đó 5 khu thuộc đất 5% của xã và 1 khu thuộc diện tích đất cơ bản của nhân dân tại khu vực cánh đồng Diêm Điền, thôn Bắc Tân với tổng diện tích hơn 3.000m2/30 lô đất. Đây là địa điểm có nhiều tiềm năng nhất trong 6 khu đất đấu giá, dự kiến đấu được 5 tỷ đồng. Hiện tại khu này đã được quy hoạch, trích đo chi tiết, được thỏa thuận của các sở, ngành và nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018. Tuy nhiên, đây là diện tích đất cơ bản giao cho nhân dân nên phải giải phóng mặt bằng để thực hiện tiếp các bước thủ tục, hồ sơ đấu giá. Song hiện nay việc thỏa thuận giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn do người dân đòi giá bồi thường cao hơn quy định của tỉnh. Trong trường hợp xã vận động được các hộ dân chấp thuận nhận đền bù thì còn gặp khó khăn khi phải tìm nguồn vốn khoảng 350 triệu đồng để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cho nhân dân và đầu tư cơ sở hạ tầng khu đất đấu giá...

Ngoài Thái Hòa, hầu hết các xã đang xây dựng NTM của Thái Thụy cũng gặp phải những khó khăn trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn xây dựng hạ tầng NTM. Theo ông Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện: Các địa phương hoàn thành xây dựng NTM về sau ngày càng gặp khó về nguồn lực. Bởi đa số các địa phương xa trung tâm huyện, điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn lực xây dựng NTM phụ thuộc chủ yếu vào việc đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến 90% các xã này không còn quỹ đất 5% để quy hoạch đấu giá mà phải quy hoạch tại các khu đất giao cơ bản của nhân dân. Vì vậy, trước khi đấu giá đất phải thực hiện giải phóng mặt bằng cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng... Trong khi đó, các xã này đã khó khăn về nguồn vốn xây dựng lại phải tìm kiếm nguồn kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng... Để giải quyết những khó khăn này, UBND huyện kiến nghị tỉnh cho phép huyện vay vốn quỹ đầu tư tỉnh để các xã giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, trả kinh phí tiền bóc lớp đất mặt khi chuyển đổi đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp..., qua đó tạo nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, huyện kiến nghị tỉnh tăng vốn trực tiếp của chương trình xây dựng NTM cho các xã, cùng với đó là tăng mức hỗ trợ sự nghiệp để hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sau 7 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, Thái Thụy hiện có 32/47 xã hoàn thành 19 tiêu chí được tỉnh công nhận. Huyện phấn đấu hết năm 2019 trở thành huyện NTM. Năm 2018, huyện có 9 xã đăng ký về đích NTM. Trong đó, 4 xã đăng ký về đích NTM với tỉnh vì đủ điều kiện quy định nợ công gồm: Thái Hòa, Thái Đô, Thái Dương, Thụy Dũng. 5 xã còn lại thực hiện theo cơ chế tự về đích do không đủ điều kiện quy định nợ công gồm: Thụy Trường, Thụy Hải, Hồng Quỳnh, Thái Hưng, Thái Thọ. Bên cạnh khó khăn về tìm nguồn giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng thì việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất tại các xã đang xây dựng NTM hiện nay cũng tốn khá nhiều thời gian. Điều này khiến các xã khó bảo đảm tiến độ về đích NTM theo kế hoạch. Ngoài ra, tại các xã ven biển của huyện như: Thái Đô, Thụy Trường, Thụy Hải, Thụy Xuân hiện đang vướng mắc về quy hoạch do nằm trong khu kinh tế Thái Bình. Theo chỉ đạo của tỉnh, việc quy hoạch NTM tại các xã ven biển này phải phù hợp với quy hoạch trong khu kinh tế Thái Bình. Vì vậy, các xã ven biển đang chờ xin ý kiến của tỉnh về việc quy hoạch, đồng thời cho phép địa phương triển khai xây dựng các hạng mục công trình công cộng nếu nằm trong quy hoạch NTM cũng như việc đấu giá quyền sử dụng đất... Bên cạnh đó, quá trình xây dựng NTM tại các xã hiện gặp vướng mắc trong việc triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục được quy hoạch trong xây dựng NTM. Quy định của tỉnh yêu cầu việc xây dựng cơ bản phải không có nợ công thì mới được triển khai dự án và phải chỉ rõ nguồn vốn. Trong khi đó, hầu hết các xã đăng ký về đích hay tự về đích NTM của huyện ít nhiều đều có nợ công.

Từ những khó khăn trên cho thấy chặng đường về đích NTM của Thái Thụy còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là từ chính cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, qua đó tháo gỡ, giải quyết từng khó khăn, vướng mắc.

Trần Tuấn