Thứ 7, 23/11/2024, 06:09[GMT+7]

Đạo đức và kỹ năng người làm báo thời 4.0

Thứ 2, 28/05/2018 | 09:39:48
3,680 lượt xem
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời gian qua, Báo Thái Bình đã có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động báo chí đòi hỏi những yêu cầu mới về rèn luyện đạo đức của người làm báo và kỹ năng làm báo trong xu thế mới.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tham quan trường quay của Báo Thái Bình điện tử. Ảnh: Thành Tâm

Rèn luyện kỹ năng làm báo trong xu thế mới

Trong hai năm 2016 - 2017, Báo Thái Bình đã triển khai xây dựng và thực hiện đề án nâng cấp Báo Thái Bình điện tử, tiến tới xây dựng Báo Thái Bình thành tòa soạn hội tụ. Thực hiện đề án, Báo Thái Bình đã có nhiều đổi mới, nâng cấp về trang thiết bị, các giải pháp công nghệ cho báo điện tử, từ một trang thông tin điện tử đã nâng cấp thành báo điện tử. Hệ thống sản xuất video clip, audio, thiết bị làm đồ họa cũng đã được Báo Thái Bình đầu tư hiện đại. 

Năm 2017, Báo đã đầu tư và đang hoàn thiện hệ thống trường quay với nhiều thiết bị hiện đại như trường quay ảo, hệ thống thu ghi và đạo diễn hình, camera trường quay. Đặc biệt, Báo Thái Bình điện tử đã có xe làm tin lưu động có thể làm các chương trình truyền hình trực tuyến theo yêu cầu. Bên cạnh đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền dẫn và lưu trữ dữ liệu đã được ứng dụng khai thác có hiệu quả; việc sử dụng internet cáp quang băng thông rộng, ứng dụng mạng 4G trong công việc chuyên môn, giúp nâng cao hiệu quả trong công việc, rút ngắn được thời gian sản xuất tin bài, độ chính xác cao, thông tin được cập nhật kịp thời.

Cùng với công tác chuyên môn, Báo còn chú trọng đào tạo nhân lực để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công việc mới, đồng thời tiếp thu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực về an toàn, an ninh thông tin để thực hiện nhiệm vụ ngày một tốt hơn. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên rèn luyện kỹ năng xử lý (viết, biên tập, đăng tải, sửa chữa) tin, bài; tích cực tham gia các hội thảo về chuyên môn, nghiệp vụ; tham quan, học tập kinh nghiệm làm báo từ các mô hình báo chí khác.

Báo Thái Bình đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai các kế hoạch về đầu tư công nghệ để tăng cường tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm xây dựng một môi trường làm việc khoa học, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thời kỳ công nghệ số, hiện đại hóa công nghệ thông tin - truyền thông, an toàn và đồng bộ. Chú trọng đào tạo, tuyển chọn nhân lực một cách kịp thời bám sát xu thế phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là phát triển nhân lực về an toàn, an ninh thông tin. Xây dựng quy trình tòa soạn khoa học đáp ứng yêu cầu trong xu thế mới, bảo đảm việc xuất bản tin, bài, ảnh, video clip và các chương trình truyền hình trực tuyến cho báo in và báo điện tử nhanh chóng, chính xác, hạn chế sai sót.

Lãnh đạo, biên tập viên, kỹ thuật viên Báo Thái Bình tại một chương trình truyền hình trực tuyến. Ảnh: NAP

Rèn luyện đạo đức người làm báo  

Thời gian qua, Báo Thái Bình đã chú trọng tuyên truyền, quán triệt tới cán bộ, phóng viên thực hiện nghiêm Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam của Hội Nhà báo Việt Nam. 

Đặc biệt, cuối tháng 12/2017, Báo phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội thảo “Báo chí tuyên truyền, đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc hại trên mạng internet”. Qua hội thảo, vấn đề cần phải thể hiện rõ vai trò của báo chí và nâng cao trách nhiệm nhà báo trong đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc hại trên mạng internet được khẳng định.

Sự ra đời và phát triển như vũ bão của internet đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho con người và quá trình phát triển của xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng mang đến nhiều hệ lụy khó lường, trong đó có nguyên nhân từ việc xuất hiện các thông tin xấu, độc hại. Việc phản ánh không đầy đủ, sai lệch, phiến diện, một chiều, thiếu khách quan, trung thực, chỉ ở phạm vi hẹp, suy diễn ra trên bình diện rộng dễ biến thành các thông tin xấu, gây tổn hại cho cá nhân, tổ chức và xã hội, gây ra những hậu quả khó lường. Trên thực tế, những thông tin xấu lại có sức lan tỏa mạnh mẽ. Sự lan tỏa thông tin xấu, độc không chỉ dẫn đến rối loạn thông tin mà còn dẫn đến mất ổn định chính trị, thiệt hại về kinh tế và các hệ lụy khác.

Tổ chức tọa đàm "Thi đua- Động lực để phát triển" tại trường quay của Báo Thái Bình điện tử. Ảnh : NAP

Một ví dụ gần đây nhất, ngày 15/4/2018, Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã đăng bài “Có hay không việc chi tiền làm “hình ảnh” về suất ăn bán trú của học sinh?” của phóng viên Bùi Hồng Hà. Đây là bài tiếp theo của Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống phản ánh về chất lượng suất ăn của các em học sinh Trường Tiểu học Kỳ Bá (thành phố Thái Bình). Điều đáng nói là trong bài viết tác giả Bùi Hồng Hà đã dẫn thông tin của  tài khoản facebook “Nguyễn Mai Anh” về việc chi 100 triệu đồng cho phóng viên Báo Thái Bình để “làm hình ảnh về suất ăn bán trú của học sinh”.

Ngày 2/5, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã có đủ căn cứ triệu tập Bùi Thị Thúy Hà, sinh năm 1974, trú tại số nhà 10, tổ 58, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình để làm rõ về việc trên tài khoản facebook “Nguyễn Mai Anh” đăng tải nội dung bịa đặt làm ảnh hưởng đến danh dự phóng viên và uy tín của Báo Thái Bình. Tại cơ quan điều tra, Bùi Thị Thúy Hà khai nhận mình là chủ tài khoản facebook “Nguyễn Mai Anh” và đã trực tiếp soạn thảo thông tin trên với nội dung hoàn toàn bịa đặt, do Hà nghĩ và tự viết ra. Bùi Thị Thúy Hà đã nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật của bản thân và tự gỡ bỏ bài viết sai sự thật trên đồng thời gửi lời xin lỗi tới phóng viên và cơ quan Báo Thái Bình.

Chiều ngày 20/4/2018, Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã gỡ bỏ bài báo và có cải chính thông tin bài báo này, xin lỗi phóng viên, Ban Biên tập Báo Thái Bình và bạn đọc. 

Ngày 21/4/2018, Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã có Công văn số 39 gửi Ban Biên tập Báo Thái Bình, Công văn nêu rõ: “Trong quá trình tác nghiệp, do non yếu về kinh nghiệm và nghiệp vụ báo chí nên người viết bài và người biên tập đã sơ suất, thiếu thận trọng trong thẩm định, đánh giá thông tin và đặc biệt khi đây là thông tin liên quan đến uy tín, danh dự của đồng nghiệp. Thư ký tòa soạn cũng sơ suất khi xuất bản bài viết mà chưa có ý kiến xét duyệt của Ban Biên tập - theo quy trình xuất bản nội bộ, đây là dạng bài phải được Ban Biên tập duyệt trước khi xuất bản”. 

Ngày 23/4/2018, Tổng biên tập Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã ra Quyết định số 20/QĐ-BĐTNĐ&ĐS chấm dứt trước thời hạn hợp đồng thử việc đối với phóng viên Bùi Hồng Hà.

Hành vi bịa đặt, vu khống của Bùi Thị Thúy Hà được cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Phóng viên Bùi Hồng Hà đã bị buộc thôi việc; Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã có công văn đính chính và cáo lỗi với Báo Thái Bình nhưng bài học được rút ra ở đây là: 

Những người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là những người làm báo cần chọn lọc thông tin, nên sử dụng thông tin từ những nguồn chính thống; với những thông tin nhạy cảm, cần kiểm tra kỹ để tránh bị những đối tượng xấu lợi dụng... 

Việc tuân thủ nghiêm túc quy trình xuất bản báo trong các tòa soạn sẽ giúp tránh được các sự cố đáng tiếc như đã nêu trên. 

Để có những thông tin đầy đủ, chính xác thì việc cần thiết là các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc cơ chế cung cấp thông tin đối với báo chí. Các cơ quan báo chí phải chủ động, kiên quyết, tích cực, có quan điểm đúng đắn, vững vàng đấu tranh, phản bác những thông tin xấu, độc hại; xây dựng được đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có trình độ lý luận sắc bén, nhiệt huyết và chuyên môn, nghiệp vụ cao.

Anh Phương