Thứ 4, 07/08/2024, 14:19[GMT+7]

Hướng tới BHYT toàn dân: “Đóng góp khi lành, để dành khi ốm”

Thứ 2, 28/05/2018 | 10:32:21
2,323 lượt xem
Bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bù lại mọi người sẽ yên tâm bởi nếu chẳng may bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật đã có quỹ BHYT giúp chi trả viện phí. Thực tế ở Thái Bình, có người đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh hàng tỷ đồng.

Lấy máu xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, nhằm mang lại công bằng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện, mọi người dân có quyền và trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Không chỉ “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”, việc tham gia BHYT còn mang ý nghĩa nhân văn, sẻ chia sâu sắc, bởi nhiều người khỏe đóng góp để giúp cho người không may gặp rủi ro, tai nạn, ốm đau bệnh tật, đặc biệt là những người bệnh nghèo, bệnh trọng, số tiền chi phí khám chữa bệnh cao.

Theo bác sĩ Đỗ Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế: Quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc men, giường bệnh... cho người có thẻ khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo đúng tuyến. Hiện nay, giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ. Giá các dịch vụ khám chữa bệnh đối với người không có thẻ BHYT cũng đã thực hiện tính bằng giá khám chữa bệnh của người có BHYT. Nếu chẳng may bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật thì số tiền phải chi trả khám chữa bệnh cũng là một khoản chi lớn, là gánh nặng với nhiều gia đình, đặc biệt là đối với những hộ có thu nhập thấp. Nhiều người bệnh do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có thẻ BHYT, thậm chí đã không thể chữa bệnh vì không có tiền chi trả viện phí. Vì vậy, tham gia BHYT là cần thiết và là cách tốt nhất để mọi người yên tâm, bớt gánh nặng phòng khi rủi ro, ốm đau. Đây cũng là cách thiết thực, hiệu quả để mọi người chia sẻ với nhau, người khỏe mạnh giúp người ốm đau bệnh tật vượt qua khó khăn, thoát nguy cơ đói nghèo do phải tự chi trả kinh phí khám chữa bệnh.

Ngoài ra, tham gia BHYT, khi đi khám chữa bệnh, người có thẻ còn được hưởng rất nhiều quyền lợi thiết thực, trong đó quyền lợi nổi bật là đóng ít, hưởng nhiều. Với số tiền mua BHYT hơn 600.000 đồng, người dân có thể sử dụng đi khám bệnh trong cả năm bất cứ khi nào cảm thấy sức khỏe có vấn đề, hoặc chỉ đơn giản là đi kiểm tra để biết tình trạng sức khỏe của mình. Nhiều trường hợp chẳng may rơi vào hoàn cảnh khó khăn do tai nạn hoặc bệnh nặng phải nhập viện, tấm thẻ BHYT đã phát huy giá trị và ý nghĩa khi bảo đảm quyền lợi “hưởng nhiều” bởi được quỹ BHYT chi trả số chi phí khám chữa bệnh lớn.

Theo ông Trần Thiên Thai, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh: Tính riêng năm 2017, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chi trả chi phí khám chữa bệnh cho trên 2,5 triệu lượt người khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú với tổng chi phí 1.796 tỷ đồng. Rất nhiều người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đã được hưởng quyền lợi đóng ít, hưởng nhiều. 

Cụ thể, trong năm 2017 có 1.660 bệnh nhân điều trị nội trú có chi phí khám chữa bệnh lớn từ 50 triệu đồng trở lên. Trong số đó có 40 bệnh nhân có chi phí khám chữa bệnh trên 200 triệu đồng; 226 bệnh nhân có chi phí khám chữa bệnh từ 100 đến 200 triệu đồng. 

Điển hình nhất của người có thẻ BHYT được quỹ BHYT chi trả số chi phí khám chữa bệnh cao là anh Phạm Tiến Đạt, đối tượng bảo trợ xã hội xã Thái Học (Thái Thụy), điều trị bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền 10 đợt tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, được quỹ BHYT chi trả 2.205.698.743 đồng, cao nhất năm 2017. Ông Nguyễn Văn Giảng, cán bộ hưu thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) điều trị bệnh tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, được quỹ BHYT chi trả cao thứ hai là 621.171.680 đồng. Ông Vũ Văn Cường, xã Thái Thành, huyện Thái Thụy điều trị bệnh thoái hóa khớp gối tại Bệnh viện quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, được quỹ BHYT chi trả cao thứ ba là 523.560.888 đồng... Tính theo mệnh giá mua BHYT trung bình hiện nay, với số tiền chi trả khám chữa bệnh này, nếu như một cá nhân đóng tiền mua BHYT hàng năm thì phải đóng từ 745 năm đến 3.142 năm mới đủ chi trả cho chi phí điều trị trên.

Với ý nghĩa nhân đạo và chia sẻ cộng đồng sâu sắc đó, BHYT toàn dân là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu nhằm bảo đảm an sinh xã hội, được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng, luôn đề cao, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. 

Tại Thái Bình, với sự nỗ lực vào cuộc của ngành Bảo hiểm xã hội, ngành Y tế và các cấp, các ngành cùng các tầng lớp nhân dân, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh mỗi năm một tăng, đến nay đã đạt trên 86% dân số toàn tỉnh. 

Để hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, mỗi người hãy nêu cao ý thức và trách nhiệm tham gia BHYT đầy đủ, đúng quy định. Đồng thời, cần biết cách tự phòng bệnh, đi khám bệnh, sử dụng dịch vụ y tế khi cần thiết, bảo đảm phát huy vai trò thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả của tấm thẻ BHYT.

Hà Dung