Chủ nhật, 24/11/2024, 23:05[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 9, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV

Thứ 4, 30/05/2018 | 16:58:30
3,753 lượt xem
Ngày 30/5, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ năm.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận tại tổ.

Buổi sáng, các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. 

Tham gia thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn Thái Bình đã thể hiện quan điểm nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật để khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành; thể chế hóa chủ trương, quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 29/NQ-TW, Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và yêu cầu về cơ cấu, trình độ, chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Về phạm vi sửa đổi, các ý kiến đề nghị phải rà soát toàn diện, nghiên cứu sửa đổi Luật một cách căn cơ hơn, đáp ứng yêu cầu: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. 

Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia các ý kiến về những vấn đề cụ thể như: về hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, quy định cụ thể các chính sách đối với người học nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân; về chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; về đầu tư, tài chính trong giáo dục; về hoàn thiện cơ chế quản trị của cơ sở giáo dục.

Đối với dự án Luật Giáo dục đại học, các ý kiến phát biểu tập trung tham gia vào các nội dung về hệ thống giáo dục đại học, về tự chủ và quản trị của cơ sở giáo dục đại học: đề nghị làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hội đồng nhà trường, về tiêu chuẩn của giảng viên đại học, về hoạt động của trường đại học tư thục, về quản lý nhà nước và chính sách đối với giáo dục đại học để tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình)