Thứ 7, 23/11/2024, 04:48[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch

Thứ 6, 01/06/2018 | 15:16:04
2,870 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, sáng 01/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.

Đại biểu Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia thảo luận tại hội trường.

 Dự thảo Luật bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 01 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình góp ý về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Nhất trí với việc bãi bỏ các quy định liên quan đến quy hoạch như quy hoạch điện lực cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch tổng thể về bảo đảm an toàn thực phẩm, quy hoạch về phát triển công nghiệp dược, quy hoạch về tổng thể phát triển tổ chức ngành nghề, công chứng... 

Ngoài ra, đại biểu còn tham gia thêm một số nội dung cụ thể như:

Về các nội dung liên quan Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị: đây là một trong những vướng mắc khó khăn trong thực hiện của các cơ quan nhà nước liên quan đến quy hoạch, đang là cản trở rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là việc chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định về quy hoạch chuyên ngành. Do đó, đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo cần rà soát cụ thể, tỷ mỉ hơn những quy hoạch mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành, kịp thời khắc phục những vướng mắc, thiếu ổn định như trong thời gian vừa qua.

Về phạm vi và nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh trong Luật Xây dựng: quy hoạch xây dựng vùng tỉnh là để kết nối, làm cơ sở định hướng tổ chức không gian đô thị, bảo đảm tính liên kết và phát triển tối ưu với các không gian khác trong tỉnh. Đây là loại quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch không gian vật thể được thực hiện theo hướng tiếp cận lồng ghép đa ngành, đặc biệt với các vấn đề về sử dụng đất đai, kết cấu hạ tầng và các hướng đầu tư thương mại, dịch vụ, công nghiệp, du lịch... Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh là căn cứ quan trọng để các cấp, các ngành tại địa phương thực hiện quản lý đầu tư, phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội và đô thị đồng bộ, bảo đảm khai thác hiệu quả các thế mạnh của địa phương. 

Trong những năm qua, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Bình đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2050 được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức, lập và phê duyệt đã định hướng quy hoạch phát triển thành phố trở thành khu trung tâm kinh tế. Theo đó, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã định hướng để kết nối thành phố với các trung tâm kinh tế khác như trung tâm kinh tế ven biển của huyện Tiền Hải và Thái Thụy; trung tâm công nghiệp đô thị huyện Vũ Thư; trung tâm công nghiệp chế biến thủy hải sản, nông sản của Đông Hưng, Hưng Hà và Quỳnh Phụ làm cơ sở để định hướng tổ chức không gian đô thị của tỉnh cũng như thành phố Thái Bình nói riêng. Như vậy, nhờ có một công cụ quan trọng là quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã định hướng và giúp cho các cấp, các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ quy hoạch để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đề nghị vẫn giữ nguyên nội dung quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và chỉ đổi tên thành quy hoạch xây dựng tỉnh như trong tờ trình của Chính phủ.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công chứng: đề nghị không nên quy định bổ sung khoản 2, Điều 7 về giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện lập, thành lập và hoạt động văn phòng công chứng. Vì Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành đến nay, ở các địa phương, hệ thống các văn phòng công chứng được thành lập, hoạt động rất hiệu quả, không gặp khó khăn, bất cập gì trong thực tế. Đồng thời, trong Luật đã có những quy định rất cụ thể về điều kiện, tiêu chí hành nghề công chứng, do vậy, không cần thiết phải bổ sung thêm quy định trong lĩnh vực này để khuyến khích phát triển mạng lưới các văn phòng công chứng đồng thời tránh làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính không cần thiết.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

 Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình)