Thứ 4, 08/01/2025, 11:41[GMT+7]

Chấp hành nghiêm đề án sản xuất vụ mùa

Thứ 3, 05/06/2018 | 14:27:20
3,126 lượt xem
Đó là một trong những chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị tổng kết các mô hình sử dụng phân bón vi sinh, sản xuất lúa “3 giảm 3 tăng”; triển khai công tác trồng trọt và bảo vệ thực vật trong tình hình mới và một số văn bản pháp luật có liên quan do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Đông Hưng tổ chức sáng ngày 5/6.

Tham quan mô hình gieo cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên tại xã Liên Giang (Đông Hưng).

Vụ xuân năm 2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổ chức thực hiện mô hình thí điểm sử dụng phân bón vi sinh Power Ant trên cây lúa tại 13 điểm trong toàn tỉnh với diện tích 3.200ha. 

Power Ant là phân bón vi sinh thân thiện với môi trường có tác dụng cải tạo đất và bổ sung dinh dưỡng hữu cơ, các nguyên tố vi lượng giúp cho cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe hơn. Tại tất cả các mô hình, hiệu quả kinh tế của ruộng có sử dụng phân Power Ant đều cao hơn ruộng không sử dụng, chênh lệch biến động từ 1,5 – 6,1 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả kinh tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ thực hiện mô hình trên cây lúa và cây rau màu khác ở nhiều vùng khác nhau để mở rộng diện tích sử dụng phân bón Power Ant.

Với mục tiêu tăng hiệu quả kinh tế, giảm sâu bệnh, bảo vệ môi trường, từ vụ mùa năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng xây dựng mô hình cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên với diện tích 5 sào tại xã Phú Lương. Đây là một tiến bộ kỹ thuật mới, cây lúa tận dụng được nhiều ánh sáng giúp cây khỏe, cứng cây, chống đổ tốt, cho năng suất tương đương hoặc cao hơn cấy truyền thống. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông, khi cấy theo phương pháp này, hiệu quả kinh tế sẽ tăng 4,1 triệu đồng/ha. Với những ưu điểm vượt trội, đến nay mô hình đã được nhiều địa phương áp dụng mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận về công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới; giới thiệu Nghị định số 55/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất nhờ đó đến thời điểm này có thể nhận định vụ xuân 2018 được mùa toàn diện. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong thực hiện, tổng kết, đánh giá các mô hình khách quan, sát thực tiễn. Các địa phương cần tuân thủ nghiêm đề án sản xuất vụ mùa, đặc biệt cơ cấu giống, thời vụ; điều tiết nước hợp lý tạo thuận lợi cho thu hoạch lúa xuân, làm đất gieo cấy lúa mùa. Bệnh lùn sọc đen là một trong những đối tượng gây hại cần đặc biệt chú ý ở vụ mùa 2018, vì vậy cần làm tốt công tác phòng trừ rầy - môi giới truyền bệnh từ xử lý hạt giống trước khi gieo, phun trừ rầy trên mạ, theo dõi chặt chẽ đồng ruộng ngay sau khi kết thúc gieo cấy. Các huyện, thành phố căn cứ vào thực tế sản xuất chủ động xây dựng cơ chễ hỗ trợ vụ đông phù hợp, chú trọng hỗ trợ các cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế cao.

Trước đó, đoàn đã tham quan mô hình gieo cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên tại xã Liên Giang (Đông Hưng).

 Lưu Ngần