Thứ 7, 23/11/2024, 04:41[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng

Thứ 4, 13/06/2018 | 15:13:08
3,211 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ năm, ngày 13/6 Quốc hội làm việc cả ngày tại hội trường, phiên họp được phát truyền hình trực tiếp thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Phát biểu gợi ý điều hành phiên thảo luận, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá đây là dự án luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội và nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của nhân dân. 

Đây cũng là một dự án luật khó, có nhiều chính sách mới phức tạp, vẫn còn nhiều nội dung đang còn ý kiến khác nhau như những vấn đề về mở rộng hay thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập, xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc v.v...

Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia thể hiện quan điểm tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo luật là từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, đây cũng là biện pháp tốt nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước; về nội dung thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài nhà nước đề nghị nên quy định chặt chẽ hơn về căn cứ, điều kiện, thẩm quyền và trình tự, thủ tục cần thiết của việc thanh tra, kiểm tra để tránh tính hình thức, nhưng đồng thời hạn chế việc gây phiền hà và làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, sản xuất của nơi được thanh tra và kiểm tra; về đối tượng kê khai tài sản thu nhập đã được điều chỉnh theo hướng thu hẹp, sẽ giúp cho việc quản lý, kiểm soát tốt hơn và cũng nhằm khắc phục tính hình thức của các bản kê khai mà lâu nay chúng ta vẫn làm nhưng thực chất là chưa kiểm soát được tài sản thu nhập của cán bộ, công chức. 

Về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý, đề nghị cần xem xét thận trọng để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người kê khai, đề nghị làm rõ thế nào là tài sản thu nhập không giải trình được một cách hợp lý để đảm bảo tính thống nhất trong thi hành luật; về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có dấu hiệu tham nhũng. Quy định như vậy chưa hợp lý vì khi họ đã bị phát hiện có dấu hiệu tham nhũng mà chuyển sang vị trí hoặc bộ phận khác để tiếp tục làm việc cũng sẽ gây khó khăn thêm cho công tác quản lý của lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Đề nghị quy định: tạm đình chỉ công tác để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng thì phù hợp hơn.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình)