Thứ 5, 09/01/2025, 04:53[GMT+7]

Cấy thưa thừa thóc

Thứ 5, 14/06/2018 | 09:12:18
7,841 lượt xem
“Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc được ăn” là câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm trong gieo cấy lúa. Đây cũng là nhận định của nhiều nông dân khi gieo cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên hay còn gọi là hàng rộng hàng hẹp.

Cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên tại xã Phú Lương (Đông Hưng).

Nhiều lợi ích

Thực tế sản xuất nông dân đang phải đối mặt với thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh hại bùng phát, chi phí vật tư, phân bón ngày một tăng cao dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi đó năng suất lúa đã kịch trần, do vậy để tăng hiệu quả kinh tế thì giảm chi phí sản xuất là vấn đề cấp thiết hiện nay. Trên cơ sở phát huy hiệu ứng hàng biên - một tiến bộ kỹ thuật về phương thức gieo cấy giúp giảm chi phí, được nhiều địa phương áp dụng mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. 

Theo kỹ sư Mai Thị Thu Hương, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình: Cơ sở khoa học của ứng dụng cấy bằng phương pháp hiệu ứng hàng biên là tận dụng tối đa năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Đối với cấy lúa truyền thống, do mật độ cao nên việc hấp thụ ánh sáng yếu hơn, đặc biệt là giai đoạn từ 25 - 45 ngày sau cấy, lúa đã đẻ nhánh kín đất, bộ lá dày, lá trên che khuất lá dưới làm giảm khả năng quang hợp của cây. Đối với cấy lúa hiệu ứng hàng biên, hàng sông lớn làm xuất hiện hiệu ứng hàng biên, tối ưu cho mọi khóm lúa; hàng sông nhỏ làm xuất hiện quy luật tạo bông tối ưu cho 1 khóm lúa. Do cây lúa nhận được nhiều ánh sáng, ít sâu bệnh, đẻ khỏe, nhiều bông, bông to, cho năng suất tối ưu.

Như vậy, khi cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên sẽ giảm chi phí về giống, công cấy, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật do đó chi phí sản xuất sẽ giảm đi, hiệu quả kinh tế tăng lên. Theo tính toán của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, lợi nhuận mà phương pháp này mang lại tăng khoảng 148.800 đồng/sào, tương đương 4,133 triệu đồng/ha.

Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, phương pháp này còn có ý nghĩa với môi trường, xã hội do hạn chế được các loại sâu bệnh hại, nhất là rầy và khô vằn do ruộng lúa luôn thông thoáng, nông dân ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp nông dân đi lại, chăm sóc lúa dễ dàng, thuận lợi khi đặt bầu ngô, bí, ớt... gối vụ để bảo đảm thời vụ.

Mở ra hướng canh tác mới

Vụ mùa năm 2014, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với UBND huyện Đông Hưng triển khai thí điểm mô hình gieo cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên tại thôn Duyên Trang, xã Phú Lương với 10 hộ tham gia, diện tích 5 sào. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có 7 hộ áp dụng đúng quy trình, bảo đảm mật độ gieo cấy với diện tích 3,5 sào, các hộ còn lại sau khi cấy thấy mật độ thưa, tiếc đất lại cấy thêm hàng. 

Vụ mùa năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Đông Hưng tiếp tục thực hiện mô hình trong đó thí nghiệm mật độ với các công thức khác nhau. Đồng thời, UBND huyện Đông Hưng xây dựng mô hình hàng rộng hàng hẹp quy mô 2ha, hỗ trợ 100% giống lúa, 100.000 đồng/sào, HTX SXKD DVNN xã Phú Lương hỗ trợ 50.000 đồng/sào, nông dân trong xã nhận thấy hiệu quả đã tiếp cận và gieo cấy được 30ha. Đến nay, diện tích cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên tại xã Phú Lương chiếm khoảng 60% diện tích gieo cấy, tương đương khoảng 180ha mỗi vụ. 

Tại huyện Đông Hưng đã có nhiều xã mở rộng phương thức cấy này như Đông Động (100ha), Đô Lương (80ha), Đông Quang (30ha)... Tổng diện tích được khoảng 1.000ha/vụ.

Bà Nguyễn Thị Tự, thôn Kim Ngọc 1, xã Liên Giang cho biết: Đây là vụ thứ năm gia đình tôi cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên. Thay vì cấy dày, tôi chỉ cấy từ 13 - 17 khóm/m2, công cấy giảm một nửa. Với phương pháp này tôi chỉ dùng hết 0,8kg thóc giống thay vì 1,2 - 1,5kg thóc như trước đây. Ngoài ra, tôi chỉ rắc phân bón vào giữa hàng sông nhỏ nên tiết kiệm được phân bón. Lúa sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, chống đổ tốt, bông to, năng suất tương đương hoặc cao hơn so với cấy dày truyền thống.

Phương thức cấy hiệu ứng hàng biên cũng được nhiều xã khác trong tỉnh áp dụng như: Dân Chủ, Duyên Hải (Hưng Hà), Thụy Phúc, Thụy Liên (Thái Thụy), An Bài, Đông Hải (Quỳnh Phụ)... 

Ông Nguyễn Bá Trưởng, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Phú Lương cho biết: Triển khai mô hình gieo cấy theo phương pháp hàng rộng hàng hẹp, chúng tôi đón rất nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các tỉnh ngoài... Thấy công thức hàng rộng hàng hẹp có hiệu quả thì tự khắc người dân sẽ áp dụng.

Một trong những lưu ý trong kỹ thuật gieo cấy của phương pháp này là lựa chọn các giống lúa đẻ khỏe, cần bón thêm 2kg đạm ngay sau cấy để kích thích cho lúa đẻ nhánh sớm, phát huy tối đa tiềm năng của giống.

Ngân Huyền