Thứ 5, 26/12/2024, 18:09[GMT+7]

Đông Hưng: Phơi rơm, thóc trên đường gây mất an toàn giao thông

Thứ 5, 14/06/2018 | 11:25:24
1,324 lượt xem
Mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa, nhiều nông dân ở Đông Hưng lại vô tư phơi rơm, phơi thóc ngay trên quốc lộ 39 và trên các tuyến đường liên xã, liên thôn.

Người dân phố Tăng (xã Phú Châu) phơi thóc trên quốc lộ 39.

Trời càng nắng nông dân mang thóc ra đường phơi càng nhiều. Một số hộ còn trải những tấm bạt rộng hàng chục mét vuông ra đường để phơi thóc cho sạch, đặt vật cản ngay trên mặt đường. Đường giao thông trở thành "sân phơi" riêng của nhiều gia đình. Các phương tiện qua lại trên đường vừa phải tránh không đè vào thóc, va chạm vào người phơi vừa phải tránh không để xe đâm vào vật cản. 

Khi phần đường dành cho xe thô sơ bị chiếm hết buộc phải đi vào phần đường dành cho xe cơ giới thì tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Không chỉ phơi thóc, nông dân xã Hoa Lư còn phơi cả rơm trên quốc lộ 39.

Phần lớn người dân đều biết phơi rơm, phơi thóc dưới lòng đường là vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, là nguy hiểm nhưng một phần do nhà không có sân phơi, một phần là tiện mặt đường nên phơi luôn. 

Đường liên thôn ở xã Hoa Nam thành sân phơi thóc.

Cùng với việc thực hiện nghiêm Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 1/6/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp xử lý tái lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy và quảng cáo, rao vặt trái phép trên địa bàn tỉnh, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo các thôn bố trí điểm phơi hợp lý để bà con có nơi phơi thóc, phơi rơm. Phân công lực lượng công an viên thường xuyên tuần tra, nhắc nhở người dân tuyệt đối không phơi thóc, phơi rơm dưới lòng đường giao thông để bảo vệ an toàn cho chính mình và những người tham gia giao thông.

Người dân bất chấp nguy hiểm đứng trên đường phơi thóc.

Điều 12, Mục 2, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định: 

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.

Nguyễn Nghĩa