Chủ nhật, 05/01/2025, 08:52[GMT+7]

Làm báo xưa và nay

Thứ 5, 21/06/2018 | 08:03:44
3,789 lượt xem
Báo chí Việt Nam đang có bước phát triển nhanh chóng, toàn diện và mạnh mẽ, đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với sự phát triển của báo chí cả nước, báo chí Thái Bình cũng không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Song hành với sự phát triển của mỗi tờ báo, phương thức làm báo cũng có nhiều thay đổi, ở cơ quan Báo Thái Bình là một ví dụ.

Phóng viên Báo Thái Bình trước giờ phát chương trình trực tuyến.

Trước năm 2001, Báo Thái Bình xuất bản 2 kỳ/tuần. Năm 2002 báo tăng lên 3 kỳ/tuần. Thời gian xuất bản 3 kỳ/tuần kéo dài đến hết năm 2007. Thời gian xuất bản 2 - 3 kỳ/tuần, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên chưa phải chịu nhiều áp lực về thời gian, tin, bài như xuất bản nhật báo hiện nay. Đặc biệt, việc biên tập và duyệt tin, bài của tòa soạn thực hiện qua bản thảo giấy, hầu hết phóng viên chưa dùng đến máy tính phục vụ cho việc viết tin, bài. Vào thời điểm ấy, Báo Thái Bình có bộ phận chế bản thực hiện nhiệm vụ đánh máy và sắp trang. Bản thảo viết tay, chữ có người xấu, người đẹp nhưng bộ phận chế bản đánh máy tương đối chuẩn xác. Những số báo thời điểm ấy thường nhiều chữ, ít có ảnh đi kèm. Phóng viên viết chỉ chuyên viết, phóng viên ảnh chỉ chuyên ảnh nên nếu không có sự phối hợp giữa phóng viên viết và phóng viên ảnh thì hoặc bài viết không có ảnh hoặc có ảnh chỉ dùng để minh họa mà ít có tính hỗ trợ thông tin cho bài viết.

Đến khoảng năm 2005, một số phóng viên tự trang bị máy tính để phục vụ cho việc viết tin, bài của mình. Cũng bắt đầu từ thời điểm ấy, phóng viên còn đầu tư mua máy ảnh kỹ thuật số để có thể kiêm luôn là phóng viên ảnh cho các tác phẩm của mình, số lượng ảnh đăng kèm các bài viết xuất hiện đều hơn trên mỗi số báo, hạn chế tình trạng bài không có ảnh đi kèm. Thời điểm này, công tác biên tập được nâng lên một bước đó là thay vì duyệt tin, bài qua bản thảo viết tay chuyển sang duyệt tin, bài qua bản thảo đánh máy. Một thiết bị phổ biến mà phóng viên ai cũng phải có đó là USB dùng để chuyển tin, bài cho bộ phận chế bản.

Năm 2012, Báo Thái Bình tăng lên 6 kỳ/tuần, hành trình vặn mình đổi mới thực sự bắt đầu. Để đáp ứng yêu cầu tăng kỳ, một trong những yêu cầu đầu tiên và cần thiết đặt ra là việc đưa tin phải bảo đảm tính thời sự. Chấm dứt tình trạng tin từ “nóng” sang “nguội”, 100% tin thời sự phóng viên đi làm về được duyệt đăng trong ngày, tin buổi sáng phóng viên phải chuyển duyệt trước 14 giờ; tin buổi chiều phải chuyển trưởng phòng biên tập sau 1 giờ khi sự kiện kết thúc. Vì vậy, đội ngũ phóng viên không còn thời gian “đủng đỉnh” mà phải “vắt chân lên cổ” để đáp ứng yêu cầu công việc. Cùng với sự đòi hỏi về thời gian, yêu cầu khắt khe về sự chuẩn chỉ trong quá trình viết, xử lý thông tin, số liệu, ảnh kèm bài cũng được nêu cao. Vì vậy, những sai sót trên mặt báo đã được hạn chế đáng kể, hình thức tờ báo ngày càng đổi mới.

Năm 2014, Báo Thái Bình xuất bản nhật báo, in màu, sự lột xác của tờ báo càng trở nên rõ nét nhưng nếu nói về phương thức làm báo thì phải từ năm 2015 đến nay mới thực sự có những đổi mới rõ rệt. Đó là việc tin học hóa công tác biên tập và duyệt tin, bài. 

Cuối năm 2015, Báo Thái Bình đưa vào ứng dụng phần mềm “Hệ thông tin quản lý chất lượng tin, bài, ảnh”, đây cũng là đề tài khoa học cấp tỉnh của Báo. Với phần mềm này, tin, bài, ảnh được cập nhật từ phóng viên và duyệt qua các khâu: trưởng phòng nội dung, thư ký tòa soạn, trực lãnh đạo. Cũng qua phần mềm này, việc kiểm soát thời gian gửi tin, bài, ảnh và báo lỗi thể hiện công khai, vì thế, sự chính xác trong khi viết, biên tập ngày càng trở nên chuẩn xác, nghiêm túc, góp phần tích cực trong việc chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất báo.

Năm 2017 tiếp tục đánh dấu sự phát triển mới của Báo Thái Bình khi trang thông tin điện tử của Báo Thái Bình được nâng cấp thành Báo Thái Bình điện tử. Cùng với làm báo in, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Thái Bình bước vào một lĩnh vực mới: làm báo điện tử và truyền hình internet. Nếu như làm báo in là việc bảo đảm sự kiện diễn ra hôm nay phải đưa tin trên báo vào ngày mai thì đối với báo điện tử là việc cập nhật tin tức theo giờ, thậm chí theo phút. Việc viết tin nhanh, chuyển sớm, vừa theo dõi sự kiện vừa viết không gây nhiều khó khăn song việc sản xuất phóng sự, clip truyền hình đối với các phóng viên chuyên báo in không phải chuyện dễ ngay trong ngày một ngày hai. Mặc dù vậy, đội ngũ phóng viên rất hăng hái thể hiện các tác phẩm ở thể loại mới này. Phóng viên bắt đầu làm quen với máy quay, khuôn hình, kịch bản... Không còn là những người đứng sau tác phẩm, họ cũng bắt đầu làm quen với dẫn hiện trường, dẫn trường quay. Còn nhiều bỡ ngỡ song bước đầu đã đạt những kết quả. Nhiều phóng sự, clip đăng tải trên truyền hình internet Báo Thái Bình điện tử thu hút hàng chục nghìn lượt xem, nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc là nguồn cổ vũ cho phóng viên nỗ lực học hỏi chinh phục một thể loại báo chí mới đối với họ. Đặc biệt, Báo Thái Bình điện tử đã sản xuất được chương trình trực tuyến hình ảnh phát trực tiếp, là một trong ít tờ báo điện tử, kể cả các báo điện tử trung ương, sản xuất được chương trình này.

Khó để đánh giá làm báo giai đoạn trước đây hay hiện nay giai đoạn nào khó khăn, vất vả hơn. Nhìn ngược lại thời gian phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam với sự mở đầu của Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925 đến nay đã 93 năm. Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, phương thức làm báo cũng có nhiều thay đổi. 

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại cơ sở.

Những người làm báo từ chỗ chỉ có quyển sổ, cây bút làm phương tiện làm việc đến nay đã có rất nhiều phương tiện hiện đại hỗ trợ tác nghiệp. Mỗi phóng viên đều trở thành những phóng viên đa năng. Các tòa soạn báo vặn mình đổi mới theo xu hướng tòa soạn hội tụ thích nghi với kỷ nguyên thông tin và kỹ thuật số. Mặc dù vậy, vẫn có một điều không thể thay đổi đó chính là phẩm chất, đạo đức người làm báo cách mạng. Người làm báo chân chính luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, vì nhân dân phục vụ. Trong mọi hoàn cảnh, có thể sẵn sàng hy sinh tính mạng nhưng quyết không bẻ cong ngòi bút, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng.

Trần Thu Hương