Thứ 6, 22/11/2024, 22:29[GMT+7]

Thương vong do mưa lũ ở Lai Châu tăng lên 21 người

Thứ 2, 25/06/2018 | 15:12:47
693 lượt xem
Chiều nay, 25-6, ông Phạm Văn Cường, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho biết, do mưa lớn nên việc bốc xúc đất đá tại các điểm sạt lở để thông xe tuyến quốc lộ 279 nối huyện Văn Bàn với tỉnh Lai Châu gặp nhiều khó khăn, có thể bị chậm hơn so với dự kiến.

Mưa lớn làm sạt lở nhiều điểm trên tuyến quốc lộ 279, gây ách tắc cục bộ tuyến đường này.

Mưa lớn, thông xe quốc lộ 279 nối Lào Cai với Lai Châu gặp khó khăn

Mưa lũ lớn trong mấy ngày qua làm sạt lở gần 30 điểm trên tuyến quốc lộ 279, từ km 140 đến km 170, thuộc địa phận hai xã Minh Lương và Nậm Xé, huyện Văn Bàn (Lào Cai). Trong đó, đáng chú ý có 12 điểm sạt lở ta-luy dương, khối lượng đất đá gần 10 nghìn m3, ba điểm sạt lở ta-luy âm với chiều dài khoảng 150 m; đây là những điểm sạt lở gây ách tắc tuyến đường này.

Sở Giao thông vận tải Lào Cai và chính quyền huyện Văn Bàn đã huy động phương tiện máy móc và nhân lực của Công ty Quản lý và bảo dưỡng đường bộ Lào Cai và nhân dân địa phương tập trung lao động liên tục ngày và đêm (24/24 giờ) bốc xúc đất đá vùi lấp mặt đường để thông tuyến nhanh nhất. Đến 14 giờ chiều 25-6, lực lượng cứu hộ đã giải phóng xong 10 điểm bị ách tắc trên tuyến, hiện đang tập trung bốc xúc đất đá điểm sạt lở tại km 150 và điểm sạt lở km 156 (thuộc địa bàn xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn).

“Đây là hai điểm bị sạt lở nặng nhất, khối lượng đất đá lớn, khoảng 20 đến 30 nghìn m3. Do đang có mưa lớn, mặt bằng chật hẹp nên việc thi công gặp nhiều khó khăn, vì vậy việc thông tuyến đường 279 khó hoàn thành trong ngày hôm nay, 25-6, có thể kéo dài sang vài ngày tới”, ông Cường cho biết.

Thương vong do mưa lũ ở Lai Châu tăng lên 21 người

Tính đến 10 giờ sáng nay 25-6, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có 21 người chết, mất tích và thương vong do mưa lũ gây ra. Trong tổng số này có năm người được xác nhận đã chết, 12 người bị mất tích do bị lũ cuốn trôi chưa tìm thấy và năm người bị thương.

Cụ thể năm người chết gồm: Ông Hà Văn Chương, 48 tuổi ở bản Noong Thăng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, do sạt lở đất; bà Phùng Ná Thì, hơn 80 tuổi ở bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum huyện Nậm Nhùn, do lũ cuốn; bà Lầu Chờ Sát 63 tuổi ở bản Tủa Sín Chải, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, do đi làm nương bị đá rơi trúng người; hai người ở bản Tủa Sín Chải, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ chết do sạt lở đất đá vào nhà đang xác định danh tính.

12 người mất tích gồm: Bà Lò Thị Òng, 60 tuổi ở bản Vè, xã Mường Mít, huyện Than Uyên; ông Dương Ngọc Hưng, 58 tuổi trú tại TP Lai Châu, chủ một trại cá xã Sơn Bình, huyện Tam Đường; ông Ly Pờ Ti, hơn 80 tuổi ở bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn; bà Lò Thị Đấng 36 tuổi; Lò Văn Dũng 14 tuổi; Lò Văn Phim 48 tuổi; Lò Văn Kiếm 14 tuổi; Lò Thị Tăm 12 tuổi ở bản Nậm Há 1, xã Noong Hẻo huyện Sìn Hồ; bà Vàng Thị Họi 54 tuổi, bà Tẩn Thị Đồn 52 tuổi cùng trú tại bản Nà Cuổi, xã Căn Co, huyện Sìn Hồ; hai người ở bản Tủa Sín Chải, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, hiện đang xác minh danh tính.

Năm người bị thương do sạt lở đất gồm: ba người bản Sang Ngà, hai người bản Nậm Sáng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên.

Cũng theo thống kê mới nhất, hiện tại có 54 nhà dân bị nước mưa, đất, đá trôi dạt vào trong nhà; bốn nhà và ba lán tạm bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Bốn trại nuôi trồng cá nước lạnh tại xã Sơn Bình huyện Tam Đường bị cuốn trôi, 7 ha ao cá của dân bị cuốn trôi; 214 ha lúa bị ngập, úng cục bộ; 107 ha ngô và hoa màu bị vùi, lấp, cuốn trôi...

Mưa lũ cũng cuốn trôi năm cầu treo, một cầu cứng; gây sạt lở, đứt đường trên tất cả các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, phần lớn các tuyến liên xã đều bị sạt lở gây ách tắc giao thông, cô lập cục bộ; riêng tuyến đường đến bản Nậm Cầy, xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ bị sạt, lở làm cô lập khoảng 20 hộ dân, chính quyền địa phương phải tiếp tế mỳ tôm và nước uống.

Ngoài ra mưa lũ cũng làm hư hỏng 20 công trình thủy lợi và nước sinh hoạt. Ước thiệt hại ban đầu hơn 70 tỷ đồng.

Hiện Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cùng các cơ quan, tổ chức đã đến thăm hỏi động viên, chia sẻ cùng gia đình các nạn nhân; chỉ đạo các lực lượng khẩn trương trương khắc phục những thiệt hại, huy động mọi lực lượng tìm kiếm người mất tích. Kiểm tra, rà soát, di dời khẩn cấp đối với các hộ có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét. Theo dõi sát diễn biến thời tiết, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó khi xảy ra thiên tai...

* Trước đó, thông tin từ Văn phòng Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Lai Châu cho biết, đã có thêm năm nạn nhân mất tích do mưa lũ.Các nạn nhân đều là người dân tại bản Nậm Há, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ. Theo xác nhận của ông Lò Văn Xương, Phó Chủ tịch UBND xã này, cả năm nạn nhân đi cấy và đều ở tại lán nướng, do bất ngờ bị cả quả đồi sạt xuống vùi lấp, mất tích.

Hiện tại, lực lượng cứu hộ các cấp đã tiếp cận hiện trường vụ việc, tuy nhiên, khu vực này đang có mưa lớn khiến việc cứu hộ rất khó khăn.

Như vậy, tính đến hết ngày 24-6, thống kê cho thấy, toàn tỉnh Lai Châu đã có 11 người chết và mất tích, năm người bị thương do mưa lũ. Ngoài ra, tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Tam Đường, mưa lũ cũng gây ngập úng cục bộ hơn 200 ha lúa; vùi lấp, cuốn trôi hơn 100 ha ngô, hoa màu và hơn 7 ha ao cá; hơn 20 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng. Hầu hết các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và liên bản, liên xã bị sạt lở, với khối lượng đất đá tạm thống kê là hơn 500 nghìn m3.

Hiện, giao thông trên tất cả các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ tại Lai Châu hoàn toàn tê liệt. Toàn bộ các hướng đến Lai Châu đều tắc do sạt lở và đứt đường.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang huy động mọi lực lượng để tổ chức tìm kiếm người mất tích; chỉ đạo các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, di dời khẩn cấp đối với các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét. Đồng thời, tổ chức khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra...

Một thông tin khác từ lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, đến cuối giờ ngày hôm qua, 24-6, trên địa bàn toàn tỉnh còn chín trên 15 điểm thi còn thí sinh chưa đến làm thủ tục thi. Đến 7 giờ 30 phút sáng nay, 25-6, tại huyện Tân Uyên vẫn còn năm thí sinh chưa đến được điểm thi để làm thủ tục thi.

Nhiều xã ở Mường Nhé (Điện Biên) bị cô lập

Giống nhiều tỉnh trong khu vực miền núi phía bắc, trong hai ngày 24 và 25-6, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có mưa nhiều khiến nước sông suối dâng cao. Tại một số xã trên địa bàn huyện Mường Nhé - huyện miền núi, biên giới khó khăn nhất tỉnh Điện Biên, nhiều xã bị cô lập sau mưa lũ; nhiều diện tích hoa màu, gia súc của người dân bị lũ cuốn trôi.

Trao đổi với PV Nhân Dân điện tử, Đại tá Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng Công an huyện Mường Nhé, cho biết, đến trưa 25-6, trên địa bàn huyện ghi nhận thiệt hại tại các xã: Leeng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Vì và Mường Toong.

Thống kê, có 16 nhà dân bị ngập lụt, đổ sập; 19 ha lúa, ngô, năm con trâu và cầu treo nối bản Cà Là Pá với bản Cà Là Pá 1 (xã Leng Su Sìn) bị nước cuốn trôi. Thiệt hại nặng nhất là bản Cà Là Pá thuộc xã Leng Su Sìn với 14 nhà dân bị ngập, đổ sập, cuốn trôi.

Hiện, đường từ trung tâm huyện Mường Nhé đi các xã Mường Toong, Leng Su Sìn bị tắc, các phương tiện không thể lưu thông.

Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, Công an huyện Mường Nhé đã huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp cấp ủy, chính quyền các xã giúp nhân dân; đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tăng cường công tác kiểm tra tại các điểm bản dân cư, các tuyến đường để kịp thời thông báo và sơ tán người dân khỏi các điểm bản ven suối có nguy cơ sạt lở cao.

Theo nhandan.com.vn