Quỳnh Khê - Hành trình đạt chuẩn nông thôn mới
Quỳnh Khê là xã nội đồng, dân số hơn 5.000 khẩu chia làm 4 thôn. Là xã thuần nông, thu nhập của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên kinh tế của đại bộ phận người dân ở mức trung bình.
Ông Đào Văn Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Trước khi bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Quỳnh Khê có một xuất phát điểm thấp. Toàn bộ hạ tầng điện, đường, trường, trạm của địa phương đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng; ruộng đất manh mún; kinh phí hoạt động chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước, không có nguồn thu thêm; đời sống nhân dân còn khó khăn nên việc huy động nguồn lực trong nhân dân là việc khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Song “Nhà nghèo phải tìm cách riêng cho nhà nghèo”, đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã bàn bạc, thảo luận, phân tích cụ thể các mặt khó khăn, thuận lợi, việc gì cần làm trước, làm sau. Nghị quyết của Đảng ủy được ban hành, chương trình hành động của UBND xã được xây dựng, triển khai đến từng cấp ủy, ban, ngành, đoàn, hội, thôn, xóm. Quan điểm xuyên suốt mà địa phương quán triệt là không chạy theo thành tích, không nóng vội, thực hiện có lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tế.
Thuận lợi với địa phương là ở tiêu chí số 1 về quy hoạch đã được xã thực hiện khá tốt ngay từ trước năm 2000, vì vậy việc đầu tiên xã xác định cần phải thực hiện là dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng để đổi mới, phát triển sản xuất nông nghiệp. Chủ trương này khi đưa ra triển khai thực hiện xuống nhân dân vấp không ít khó khăn vì liên quan đến hầu hết gia đình. Phải thực sự công khai, dân chủ, nhân dân phải được biết, được bàn, tuyên truyền, vận động thấu tình đạt lý mới triển khai thực hiện.
Ở một số thôn khó khăn, đích thân lãnh đạo xã phải xuống dự hội nghị với nhân dân, trực tiếp tuyên truyền, giải thích. Từ mỗi hộ đang có 4 - 5 thửa ruộng chia lại chỉ còn 1 - 2 hai thửa trên nguyên tắc tốt kèm xấu, xa kèm gần, chỉ ưu tiên các hộ già cả, neo đơn, càng lãnh đạo càng phải gương mẫu chấp hành quy định của thôn, xã nên chỉ trong 2 tháng, đến đầu năm 2011, xã đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa kịp thời cho nhân dân sản xuất vụ xuân.
Trường Mầm non Quỳnh Khê được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học đạt chuẩn quốc gia.
Sau dồn điền, đổi thửa, xã triển khai đầu tư, cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tạo nền tảng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Xã hoàn thành xây dựng hơn 7,2km đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa hơn 4,8km kênh mương tưới cấp 1, xây dựng, nâng cấp 6 trạm bơm tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất...
Đặc biệt, Đảng ủy, HĐND, UBND xã cũng ban hành các nghị quyết, kế hoạch khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên đã tạo bước đột phát trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm tỷ trọng trồng lúa, tăng tỷ trọng trồng cây màu có giá trị, dịch vụ phục vụ nông nghiệp phát triển mạnh. Nếu như trước dồn điền, người dân cày bừa chủ yếu bằng sức kéo trâu bò, thì đến nay với chính sách hỗ trợ của nhà nước và sự khuyến khích đầu tư trong doanh nghiệp, cá nhân, trên toàn xã hiện có 18 máy cày cỡ lớn và vừa, 2 máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp, 100% diện tích canh tác ứng dụng cơ giới hóa.
Đến năm 2017, diện tích đất trồng lúa của xã chiếm khoảng 70%, đất hoa màu đạt 30% với nhiều cây màu cho giá trị kinh tế cao như ớt, ngô, bí… Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ. Nếu như năm 2010, tỷ trọng nông nghiệp toàn xã chiếm 38,6%, đến năm 2017 giảm xuống còn 21,8%. Trong khi đó, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng tương đương từ 44,1% lên 58,9% và thương mại, dịch vụ là từ 17,3% lên 19,3%. Với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế này, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14,8 triệu đồng/người/ năm 2010 lên 37 triệu đồng/người năm 2017.
Diện tích cây màu tăng lên 30% vào năm 2017.
Cùng với các giải pháp phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xã đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp giảm nghèo, xóa nhà dột nát.
Ông Đào Xuân Hương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để thực hiện chương trình giảm nghèo hiệu quả, xã giao nhiệm vụ cụ thể cho các hội cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân tích cực mở các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân, đứng ra thế chấp cho hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, đồng thời tích cực tuyên truyền cho hội viên khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Bà Nguyễn Thị Núi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 4 chi hội thôn đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn, đồng thời có kế hoạch cụ thể trong việc giúp đỡ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Từ năm 2012 - 2017 đã có 18 lượt hội viên được chi hội thôn tín chấp cho vay vốn từ 8 - 45 triệu đồng tùy theo nhu cầu đầu tư phát triển của gia đình; có hàng trăm lượt chị em được chi hội tín chấp mua phân bón trả chậm, mỗi chi hội phân công giúp đỡ ngày công gặt, cấy cho 2 hội viên khó khăn/năm… Cũng gần giống với cách làm của hội phụ nữ là cách làm của hội nông dân hay cựu chiến binh. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm mạnh từ 12,5% năm 2010 xuống còn 1,8% năm 2017; trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các công trình công cộng, Quỳnh Khê bắt đầu thực hiện các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên cho giáo dục, y tế rồi mới đến các công trình công cộng khác. Vì vậy, năm 2010 xã đầu tư xây dựng trường tiểu học, năm 2012 đầu tư xây dựng trường mầm non, năm 2013 - 2014 tiếp tục đầu xây dựng trường THCS. Với phương châm “chậm mà chắc” nên xã có thời gian huy động nguồn lực, không phải nợ đọng. Trong xây dựng đường giao thông nông thôn, xã ưu tiên xây dựng đường nhánh thôn, đường trục thôn trước rồi mới đến đường trục xã, sau hoàn thành giao thông cuối cùng mới xây dựng trụ sở hành chính. Sự lựa chọn theo thứ tự ưu tiên đó đã giúp nhân dân trong xã hiểu rõ Đảng ủy, chính quyền thực sự vì lợi ích thiết thực của người dân nên đều đồng thuận cao khi góp của, góp công xây dựng.
Trong hai năm 2013 - 2014, toàn xã đã hoàn thành xây dựng hơn 15km đường nhánh thôn; 8,4km đường trục thôn, trong đó ngoài nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, xã cũng hỗ trợ 10 triệu đồng/100m mỗi thôn; tổng kinh phí con em xa quê ủng hộ xây dựng đường giao thông đạt khoảng 20 - 25%; đã có 646 hộ tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình phục vụ mở rộng đường giao thông đạt tiêu chuẩn. Tổng nguồn vốn đầu tư, huy động xây dựng nông thôn mới của xã đạt 24,825 tỷ đồng trong đó nguồn vốn từ ngân sách xã đạt 7,378 tỷ; huy động nhân dân và con em xa quê đóng góp 7,768 tỷ đồng còn lại là ngân sách tỉnh và huyện, đến nay xã không có nợ đọng...
Sự đổi thay về diện mạo nông thôn đã tạo nên tinh thần phấn chấn trong nhân dân, giúp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa. Cả ba trường học và trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 86%; gần 94% số hộ đạt gia đình văn hóa; 100% số hộ dân đã tham gia đấu nối, sử dụng nước máy…
Đến cuối năm 2017, Quỳnh Khê đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận đơn vị đạt chuẩn quốc gia về NTM.
Chăn nuôi lợn hữu cơ tại gia trại gia đình ông Vũ Như Khoa, thôn Đà Thôn, xã Quỳnh Khê.
Trong suốt hành trình xây dựng NTM, những bài học mà xã đúc rút là công tác tuyên truyền vận động nhân dân có vai trò rất quan trọng mang tính quyết định đến thành công. Cùng với đó, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng là khâu then chốt, chủ trương, nghị quyết phải bám sát tình hình thực tiễn, phải dự báo được khó khăn, vướng mắc, đề ra được giải pháp phù hợp, mang tính khả thi, phải có lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn.
Mặc dù đã đạt chuẩn về NTM, xã cũng xác định vẫn còn nhiều việc cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới để củng cố và phát huy thành quả đã có. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó chú trọng duy trì diện tích cấy lúa bảo đảm an ninh lương thực bền vững kết hợp với đưa cây, con mới vào trồng trọt, chăn nuôi làm tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn bằng việc quan tâm định hướng, đào tạo nghề ngay tại địa phương, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương; quy hoạch vùng sản xuất nông thủy sản của xã…
Với những định hướng mới trong phát triển kinh tế, Quỳnh Khê hy vọng sẽ có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Trần Hương - Trịnh Cường
Tin cùng chuyên mục
- Đánh giá, xác nhận xã Nam Cường đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 23.12.2024 | 19:49 PM
- Thái Thụy: Tập huấn triển khai quy định về đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” 23.12.2024 | 17:48 PM
- Đông Hưng: Xây dựng 13 mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” 23.12.2024 | 17:35 PM
- Tiền Hải: Xây dựng 40 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn 23.12.2024 | 17:36 PM
- Bắt giữ tàu chở cát trái phép tại sông Hồng 23.12.2024 | 17:37 PM
- Thái Bình: Ghi nhận thêm 8 ca mắc sởi 23.12.2024 | 17:37 PM
- Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh 23.12.2024 | 17:38 PM
- Năm 2025, huyện Đông Hưng phấn đấu tốc độ giá trị sản xuất tăng 8,08% 23.12.2024 | 17:10 PM
- Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Thái Bình: Trao thưởng tổng trị giá 303 triệu đồng cho các khách hàng may mắn 23.12.2024 | 17:06 PM
- Huyện ủy Hưng Hà: Tổ chức kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024 23.12.2024 | 17:06 PM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025